Những điểm hạn chế trong thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc

Một số người lập luận rằng EU đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên dữ liệu thương mại và đầu tư lại không minh chứng cho điều đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, bên phải) trong cuộc họp trực tuyến hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đầu tư toàn diện EU- Trung Quốc với các quan chức Liên minh châu Âu (EU), ngày 30/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, bên phải) trong cuộc họp trực tuyến hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đầu tư toàn diện EU- Trung Quốc với các quan chức Liên minh châu Âu (EU), ngày 30/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bài phân tích đăng trên báo The Business Times (Singapore), trong những ngày cuối cùng của năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) mà họ đã đàm phán trong 7 năm.

Trong nhiều tuần sau đó, CAI đã thu hút rất nhiều bình luận của phương Tây, phần lớn trong số đó là chê trách.

Nhưng giờ đây khi toàn bộ văn bản hiệp định đã có, thì dường như những người chỉ trích có thể đang phóng đại về tầm quan trọng của nó.

Châu Âu "đặt cược" vào Trung Quốc

Một số người lập luận rằng EU đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dữ liệu thương mại và đầu tư lại không minh chứng cho điều đó.

Năm 2019, Trung Quốc chỉ là thị trường lớn thứ ba cho hàng hóa xuất khẩu của EU. Cho đến nay, Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU gồm 27 thành viên, sau đó là Anh.

Xuất khẩu của EU sang Trung Quốc thực sự thấp hơn dự kiến, do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc (thậm chí tính theo tỷ giá hối đoái của thị trường) giờ đây cũng gần bằng 80% GDP của Mỹ, trong khi xuất khẩu của EU sang Trung Quốc chỉ bằng khoảng 50% hàng hóa của EU xuất sang Mỹ.

Hơn nữa, tầm quan trọng tương đối của Mỹ và Trung Quốc với tư cách là những thị trường xuất khẩu đối với EU đã không thay đổi trong phần lớn thập kỷ qua.

Điều này có nghĩa là xuất khẩu xuyên Đại Tây Dương của EU đã tăng nhanh gần bằng thương mại của EU với Trung Quốc – bất chấp tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc cao hơn rất nhiều.

Điều này cũng đúng đối với thương mại của EU với các nước láng giềng dân chủ của Trung Quốc.

Ví dụ, từ năm 2009 đến 2019, xuất khẩu của EU sang Hàn Quốc tăng gần bằng tốc độ xuất khẩu của EU sang Trung Quốc. Và cường độ thương mại EU-Hàn Quốc cao gấp đôi so với dự kiến, do nền kinh tế EU gồm 27 thành viên lớn hơn khoảng 10 lần nền kinh tế Hàn Quốc.

Bởi vậy xét về khía cạnh thương mại, châu Âu không "đặt cược vào Trung Quốc". Ngược lại, quan hệ kinh tế song phương có phần yếu hơn so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc có thể mang lại.

Điều này thậm chí trở nên rõ ràng hơn khi đề cập đến đầu tư trực tiếp song phương EU-Trung Quốc.

Đầu tư trực tiếp của EU vào Mỹ lớn hơn gần 15 lần so với đầu tư của EU vào Trung Quốc, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào EU chỉ bằng khoảng 1/10 đầu tư của Mỹ.

[Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Thực hư về trọng lượng kinh tế]

Và các dòng chảy đầu tư song phương gần đây đã dừng ở mức thấp, với việc không có đầu tư mới thực chất của một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nào của Trung Quốc vào EU trong năm qua.

Cơ chế sàng lọc đầu tư nước ngoài mới của EU, mà trên thực tế chủ yếu nhắm đến Trung Quốc, cũng được xem xét trong bối cảnh những số liệu này.

Các dòng đầu tư hiện nay của Trung Quốc vào EU là khoảng 11,7 tỷ euro một năm, không đem lại mối đe dọa nào đối với một nền kinh tế trị giá 15.000 tỷ euro này. Và các chi nhánh của các công ty Trung Quốc tuyển dụng chưa đến 300.000 lao động ở EU, một tỷ lệ rất nhỏ trong lực lượng lao động của cả khối là khoảng 220 triệu người.

Hơn nữa, xem xét những chi tiết của CAI cho thấy bên dưới cái tên của nó, hiệp định này không hề mang tính toàn diện. Lợi ích cụ thể chủ yếu đối với các công ty châu Âu là việc mở cửa một phần lĩnh vực ôtô và tài chính của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những điều khoản chính của hiệp định nhắc lại những cam kết hay những hứa hẹn trước đó về "nỗ lực mạnh mẽ nhất" trong những lĩnh vực như tính công khai minh bạch về quy định và các tiêu chuẩn xã hội (trong đó có cam kết của Trung Quốc tiếp tục làm việc tiến tới việc phê chuẩn Công ước về lao động cưỡng bức).

Cơ chế giải quyết tranh chấp cũng vẫn mơ hồ, chủ yếu yêu cầu cả hai bên phải tham vấn và đạt được một thỏa thuận.

Hầu như không có lực đòn bẩy

Những người chỉ trích không đề cập đến việc EU hầu như không có tác dụng đòn bẩy nào vì đầu tư ở châu Âu phần lớn đã được tự do hóa. Bởi vậy, EU có thể không đem lại những sự cải thiện có ý nghĩa nào đối với các nhà đầu tư Trung Quốc. Và nếu anh không có gì để đưa ra trong một cuộc đàm phán, thì anh không thể kỳ vọng nhận được nhiều từ phía bên kia.

Trong những hoàn cảnh này, chúng ta không nên trông đợi một thỏa thuận có thể giải quyết được mọi vấn đề xã hội hay nhân quyền mà người châu Âu nhìn thấy ở Trung Quốc.

Cuối cùng, dựa trên cơ sở địa chính trị, nhiều người đã chỉ trích việc EU ký kết CAI vì đã trao cho Trung Quốc một chiến thắng ngoại giao ngay khi một chính quyền mới của Mỹ với triển vọng về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tích cực hơn đang chuẩn bị lên nắm quyền. Nhưng cuối cùng, bản chất của một hiệp định quốc tế sẽ quyết định đến ảnh hưởng chính trị của nó.

Những điểm hạn chế trong thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp trực tuyến hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đầu tư toàn diện EU- Trung Quốc với các quan chức Liên minh châu Âu (EU), ngày 30/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chúng ta đã nhận ra điều này vào tháng 3/2019 khi Italy đã ký tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia mà mục tiêu chính của nó là tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa châu Á và châu Âu.

Vào thời điểm đó, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan địa chính trị của Italy khi trở thành nước G7 đầu tiên tham gia sáng kiến do Trung Quốc dẫn dắt.

Nhưng thực tế diễn ra khá nhanh chóng. Tất cả những gì Italy đã làm là ký một biên bản ghi nhớ không có tác dụng gì đến thương mại hay đầu tư như người ta đã kỳ vọng, từ một tuyên bố mơ hồ về ý định tăng cường quan hệ kinh tế.

Sự thất vọng về việc thiếu những lợi ích hữu hình đã biến thắng lợi địa chính trị đối với Trung Quốc thành một thất bại, với việc chính vị Bộ trưởng Italy, người trước đây đã ủng hộ BRI giờ đây lại có quan điểm chỉ trích đối với Trung Quốc.

Mặt khác, CAI sẽ được đánh giá trong vài năm nữa qua việc hai bên thực hiện hiệp định như thế nào và những biện pháp cụ thể của Trung Quốc để thực hiện những lời hứa của mình.

Nếu các công ty châu Âu không nhận thấy bất kỳ sự cải thiện nào, và Trung Quốc không đạt được tiến bộ nào về các tiêu chuẩn lao động, thì CAI có thể được coi là việc làm vô nghĩa nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục