Những điểm nổi bật trong đề xuất ngân sách quốc phòng Mỹ 2020

Đề xuất ngân sách của Lầu Năm Góc được định hình bởi những mối đe dọa an ninh quốc gia, như việc sự gia tăng nhanh chóng của quân đội Trung Quốc, Nga vẫn là mối quan ngại sâu sắc.
Những điểm nổi bật trong đề xuất ngân sách quốc phòng Mỹ 2020 ảnh 1Lầu Năm Góc tại Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Máy bay ném bom của Trung Quốc. Tên lửa siêu thanh của Trung Quốc. Các vụ tấn công mạng của Trung Quốc. Các loại vũ khí bắn hạ vệ tinh của Trung Quốc. Ở một cấp độ đáng kể, đề xuất ngân sách của Lầu Năm Góc cho năm 2020 được định hình bởi những mối đe dọa an ninh quốc gia mà quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã kết luận bằng 3 từ: "Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc."

Mỹ vẫn đang tiến hành các cuộc chiến quy mô nhỏ chống lại các phần tử cực đoan Hồi giáo, và Nga vẫn là một mối quan ngại sâu sắc, song ông Shanahan tìm cách chuyển trọng tâm chính của quân đội Mỹ sang cái mà ông coi là một vấn đề an ninh mang tính cấp bách hơn trước sự gia tăng nhanh chóng của quân đội Trung Quốc.

Việc chuyển trọng tâm này đã được Shanahan vạch ra hôm 14/3 khi trình bày đề xuất ngân sách quốc phòng của chính quyền cho năm 2020 trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề này đang giành giật sự quan tâm với những vấn đề mang tính trước mắt hơn và hạn hẹp hơn như nỗ lực của Tổng thống Donald Trump sử dụng ngân sách quân sự để xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Ví dụ, phiên điều trần này đã ngốn nhiều thời gian hơn về việc xây bức tường và các khả năng sử dụng ngân sách của quân sự để xây dựng các phần của bức tường này hơn là dành thời gian cho bất kỳ khía cạnh nào của chính sách đối ngoại, trong đó có cuộc xung đột ở Syria hoặc cạnh tranh quân sự với Trung Quốc, Nga hoặc Triều Tiên.

[Lầu Năm Góc đề nghị ngân sách hơn 718 tỷ USD cho tài khóa 2020]

Shanahan không phải là vị lãnh đạo quốc phòng đầu tiên bày tỏ quan ngại về Trung Quốc. Một số người tiền nhiệm đã theo đuổi cái mà chính quyền Obama gọi là chính sách "xoay trục" sang Thái Bình Dương, với quan ngại về Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Shanahan coi điều này là một vấn đề mang tính cấp bách ngày càng gia tăng vốn vượt qua cả các giới hạn truyền thống của sức mạnh quân sự và vượt qua cả những ưu tiên của lưỡng đảng.

"Chúng ta đã bỏ qua vấn đề này quá lâu rồi," Shanahan nói với một nghị sỹ.

"Trung Quốc đang hiện đại hóa quân sự của mình ngày càng quyết đoán, ăn cắp khoa học công nghệ một cách có hệ thống, và tìm kiếm lợi thế quân sự thông qua chiến lược liên hợp quân sự và dân sự," vị bộ trưởng này viết trong bản điều trần trước ủy ban, trong đó đang tính đến phương án ngân sách 718 tỷ USD cho Lầu Năm Góc nhằm phần nào đối phó với sức mạnh của Bắc Kinh.

Ví dụ, khoản tiền 25 tỷ USD mà Lầu Năm Góc đang đề xuất để chi tiêu đối với các loại vũ khí hạt nhân trong năm 2020 là nhằm hỗ trợ duy trì vị trí dẫn đầu về kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh, vốn hiện có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Mỹ song lại đang phát triển.

Theo Shanahan, Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom tầm xa có năng lực hạt nhân mà nếu thành công có thể cho phép Bắc Kinh "sánh vai" cùng với Mỹ và Nga để trở thành những quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân trên không, trên biển và trên mặt đất.

Shanahan cũng đề cập đến một danh sách các loại vũ khí hiện đại khác của Trung Quốc như tên lửa siêu thanh mà Mỹ chỉ có năng lực phòng vệ hạn hẹp đối với loại tên lửa này. Các hoạt động và nỗ lực phóng trong không gian có thể cho phép Bắc Kinh tham gia các cuộc chiến không gian; "Ăn cắp có hệ thống" công nghệ của Mỹ và các đồng minh cũng như quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông.

Bà Bonnie S. Glaser, Giám đốc Dự án nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng Mỹ đã và đang thiếu vắng các chiến lược hiệu quả để cạnh tranh với Trung Quốc ở quy mô rộng lớn.

"Đã quá muộn," bà Glaser bình luận về trọng tâm chính sách của Shanahan. "Chúng ta đối phó quá chậm chạp" trong các lĩnh vực như bác bỏ những tham vọng khu vực của Trung Quốc, trong đó có nỗ lực kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.

Trong khi đó, một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng ông Shanahan và Lầu Năm Góc đang thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc.

"Tôi cho rằng cần đặt câu hỏi điều gì đang gây ra đe dọa khi nói về hành xử của Trung Quốc," Christopher Preble, Phó Chủ tịch Chương trình nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại thuộc Viện nghiên cứu Cato đặt câu hỏi.

Ông Preble không xem nhẹ mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông, song lại hoài nghi về việc liệu quân đội Mỹ có là thể chế tốt nhất để đối phó với những vấn đề phi quân sự như xâm nhập mạng trong các mạng lưới thương mại của Mỹ hay không.

Theo quan điểm của Preble, cạnh tranh với Trung Quốc không chỉ chủ yếu về quân sự.

"Tôi vẫn không cho rằng bản chất của mối đe dọa mang tính chất nghiêm trọng như chúng ta được Lầu Năm Góc dẫn dắt tin như vậy. Họ có xu hướng thổi phồng bản chất của mối đe dọa ngày nay," ông Preble nói.

Trong vai trò Thứ trưởng Quốc phòng trước đây của mình, ông Shanahan và vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của ông Trump là Jim Mattis đã soạn thảo tài liệu chiến lược quốc phòng, trong đó đặt Trung Quốc lên đầu danh sách các vấn đề Mỹ quan ngại.

"Khi Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh về quân sự và kinh tế, khẳng định sức mạnh thông qua chiến lược lâu dài đối với tất cả các nước, thì nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự nhằm tìm kiếm vị thế bá quyền ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và thay thế vị trí của Mỹ nhằm đạt được vị thế nổi trội trong tương lai," tài liệu chiến lược này có đoạn.

Điều này phần nào giải thích vì sao Mỹ lại đổ hàng tỷ USD vào lĩnh vực không gian, bao gồm các phương tiện bảo vệ vệ tinh nhằm đối phó với một cuộc tấn công mà Trung Quốc có thể thực hiện trong tương lai cũng như vào việc phát triển tên lửa siêu thanh thế hệ mới để duy trì vị trí dẫn đầu Trung Quốc và Nga về loại vũ khí này.

Điều này cũng giải thích vì sao đã có một vài suy tính về công tác chuẩn bị để tàu khu trục USS Harry Truman "về hưu sớm," một chiến lược vốn coi các tàu khu trục không còn là loại khí tài hữu hiệu để đối phó với một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc trong tương lai. 

Mối quan ngại về việc đối phó với Bắc Kinh đã lan sang toàn bộ quân đội Mỹ phụ trách các khu vực trên thế giới. Hồi tháng 2, Tướng Thomas Waldhauser, Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, thông báo về ý định bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực châu Phi.

Ví dụ, hàng chục nguyên thủ quốc gia châu Phi được mời đến Bắc Kinh vào mùa Thu 2018 để cân nhắc các khoản cho vay và cấp vốn trị giá hàng tỷ USD từ Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng đang xây dựng hàng nghìn km đường tàu ở châu Phi, phần lớn liên quan các hoạt động khai thác mỏ của Trung Quốc ở lục địa này.

Trong khi đó ở châu Âu, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Mỹ ở khu vực này đã điều trần trước Quốc hội rằng Bắc Kinh cũng đang xâm nhập châu Âu.

"Trung Quốc đang tìm cách đạt được sự tiếp cận đối với các vị trí địa lý và các lĩnh vực kinh tế chiến lược thông qua đóng góp tài chính vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nền kinh tế khủng hoảng ở châu Âu," Tướng Curtis Scaparrotti nhận xét./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục