Những gam màu tương phản trong bức tranh thị trường việc làm Mỹ

Dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức 5,1%, thị trường việc làm Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định để có thể đóng góp đáng kể vào nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Những gam màu tương phản trong bức tranh thị trường việc làm Mỹ ảnh 1Những người tìm việc tại hội chợ việc làm ở Portland, Oregon. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù đã có những cải thiện đáng kể khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,1%, thị trường việc làm Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định để có thể đóng góp đáng kể vào nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Theo thống kê chính thức, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 142.000 việc làm mới trong tháng Chín, một con số khá khiêm tốn so với mức trung bình 167.000 việc làm trong ba tháng qua.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1,5% trong quý 2/2015.

Quan ngại về thị trường việc làm cũng là một trong những yếu tố khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi sát sao để cân nhắc kế hoạch nâng lãi suất.

Trước tình hình tốc độ tăng trưởng việc làm có xu hướng chậm lại, có thể xem xét các khía cạnh khác để đánh giá bức tranh việc làm của Mỹ.

Trong nhiều tháng qua, thị trường việc làm Mỹ khởi sắc trong khi ở các nền kinh tế khác, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, quan ngại về “sức khỏe” chung của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến quan điểm của các nhà tuyển dụng.

Giá dầu thấp khiến các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng phải cắt giảm việc làm. Riêng trong lĩnh vực khai mỏ đã có 10.300 lao động mất việc trong tháng Chín.

Đồng USD mạnh lên, gây thiệt hại cho các công ty xuất khẩu kim loại, máy móc và máy tính, buộc các công ty này phải cắt giảm 10.800 việc làm trong tháng trước.

Về vấn đề tiền lương, thực tế cho thấy thu nhập của người lao động vẫn chưa tăng và điều này khiến nhiều người tiêu dùng Mỹ vẫn ngần ngại khi “mở hầu bao” dù đã bước sang năm thứ sáu kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, tính đến tháng Chín, mức lương trung bình theo giờ của người Mỹ chỉ tăng 2,2% trong vòng 12 tháng qua.

Thông thường, tỷ lệ thất nghiệp giảm thể hiện một thị trường việc làm cạnh tranh, và khi đó các công ty sẽ tăng lương để thu hút thêm lao động có trình độ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nhiều người thất nghiệp chọn cách quay trở lại trường học hoặc ở nhà chăm sóc gia đình, nên không thuộc nhóm những người thất nghiệp và đang tích cực tìm việc làm.

Điều đó khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm còn 5,1% - mức được đánh giá là thể hiện tình trạng "đủ việc làm" nhưng mức tăng lương của người lao động vẫn ì ạch.

Mặt khác, bất chấp các quyết định cắt giảm việc làm của “người khổng lồ” ngành sản xuất thiết bị xây dựng Caterpillar và “đại gia” ngành bán lẻ Wal-Mart, các nhà tuyển dụng cũng không hề lo ngại trước tình trạng này.

Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc 2/10 chỉ ở mức 277.000 người, gần mức thấp kỷ lục. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào nhu cầu ổn định của người tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng năm thứ bảy liên tiếp của nền kinh tế Mỹ.

Trong một thông tin khác, số liệu thống kê cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ ngày càng có nhu cầu tuyển lao động có bằng cấp cao, như cao đẳng hay đại học. Số lượng việc làm của các cử nhân chiếm gần 35% tổng số công việc hiện nay, tăng từ tỷ lệ 30% ngay trước khi cuộc suy thoái bắt đầu vào năm 2007.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm những sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng/đại học là 2,5%, so với tỷ lệ chung 5,1% của toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, những người chỉ sở hữu bằng tốt nghiệp trung học hoặc không có bằng cấp gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục