Những hạn chế của Mỹ trong chiến lược lôi kéo đồng minh

Chính sách lôi kéo đồng minh cùng hành động của Mỹ xem ra có vẻ thông minh hơn là đơn phương chống lại Trung Quốc, nhưng nó không phải là một phương pháp mang lại nhiều lợi ích.
Những hạn chế của Mỹ trong chiến lược lôi kéo đồng minh ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang HK01 của Hong Kong, tại buổi tọa đàm về quan hệ New Zealand-Trung Quốc ngày 20/4 vừa qua, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta đã bày tỏ quan ngại về những “hoạt động quá mức” nhằm vào Trung Quốc cũng như xu hướng mở rộng phạm vi quyền hạn của Nhóm Five Eyes thời gian gần đây.

Động thái này của phía New Zealand rõ ràng cho thấy họ không ủng hộ việc Mỹ và các nước khác sử dụng tổ chức chia sẻ thông tin tình báo này làm nền tảng để gây sức ép với Trung Quốc, đồng thời thể hiện thiện chí với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mahuta vẫn đành phải sửa sai vào ngày hôm sau khi tái khẳng định rằng New Zealand luôn được hưởng lợi từ Five Eyes và sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào công việc của liên minh này trong tương lai.

Động thái này của New Zealand được cho là do phải chịu sức ép từ Mỹ. Cùng với cuộc đấu tranh Trung-Mỹ có xu hướng căng thẳng hơn và Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden từ khi lên nhậm chức đến nay thúc đẩy chính sách liên kết đồng minh, tới đây, có thể sẽ có nhiều hơn những ví dụ như New Zealand vừa qua.

Để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ đã lôi kéo đồng minh cùng hành động. Trước đây, việc Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên" đã làm mất lòng nhiều đồng minh, nhưng hệ thống ngoại giao của Mỹ vẫn tiến hành vận động đồng minh để kiềm chế Trung Quốc, bao gồm việc cùng “đàn áp” Huawei và gia tăng sức ép trong vấn đề Hong Kong, Tân Cương.

[EU kết nạp Mỹ và đồng minh NATO vào thỏa thuận hợp tác quốc phòng]

Sau khi ông Biden nhậm chức, ông tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa đơn phương, nhấn mạnh sẽ cố gắng khôi phục quan hệ với đồng minh.

Chính sách lôi kéo đồng minh cùng hành động của Mỹ xem ra có vẻ thông minh hơn là đơn phương đối phó với Trung Quốc, nhưng nó không phải là một phương pháp mang lại nhiều lợi ích. Nếu Mỹ không thể thuyết phục đồng minh trong việc ngăn chặn Trung Quốc, mà chỉ sử dụng áp lực chính trị để buộc đồng minh cùng hành động, thì cuối cùng Mỹ có thể sẽ tự chuốc lấy thất bại.

Ví dụ về Chiến tranh Peloponnesian trong đó Sparta và Athens tranh giành quyền bá chủ ở Hy Lạp cổ đại là một tài liệu tham khảo lịch sử tốt liên quan đến việc tranh giành giữa các cường quốc.

Thời kỳ chiến tranh Lạnh, các học giả Mỹ đã so sánh Mỹ như Athens, còn Liên Xô là Sparta và rút ra bài học lịch sử rằng Mỹ nên tránh chiến tranh và sử dụng sức mạnh kinh tế để hạ gục nước khác.

Gần đây, học giả Graham Allison cũng nhắc lại Chiến tranh Peloponnesian để đưa ra khái niệm "Bẫy Thucydides" để nêu lên khả năng xung đột giữa các cường quốc cũ và mới.

Mỹ đang cố gắng lôi kéo đồng minh để chống lại Trung Quốc, nhưng khi họ yêu cầu các đồng minh cùng hành động thì điều đó có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, thương mại của đồng minh. Không dễ để một quốc gia nhỏ bé như New Zealand phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long luôn nói rằng Singapore không muốn bị buộc phải chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Mỹ tiếp tục buộc các đồng minh phải hy sinh lợi ích riêng để cùng hành động, trong khi Mỹ không thể mang lại lợi ích lớn hơn cho họ thì những áp lực chính trị liên tục cuối cùng có thể gây ra làn sóng phẫn nộ của các đồng minh đối với Mỹ.

Một khi sự oán giận tích tụ lâu ngày, các đồng minh cuối cùng có thể phải xem xét lại mối quan hệ với Mỹ. Xét cho cùng, không quốc gia nào thích làm những điều đi ngược lại lợi ích của mình chỉ vì lợi ích của nước khác.

Quan trọng hơn, tỷ trọng của nền kinh tế Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đang giảm dần. Vào những năm 1960, Mỹ chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, nhưng đến nay chỉ chưa đầy 16%. Hơn nữa, Mỹ ngày càng có ít con bài thương lượng để tác động đến hành động của các đồng minh.

Trò chơi lớn lôi kéo đồng minh của Biden xem ra có phần phát huy tác dụng trước mắt, nhưng về lâu dài không thể giải quyết được thực tế là lợi ích của Mỹ và các đồng minh đang giảm dần.

Các đồng minh của Mỹ cuối cùng có thể trở thành đồng minh của người tiêu dùng. Quan hệ giữa các nhà nước phải dựa trên tiền đề cùng có lợi, với sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, thế giới tất yếu sẽ cần những quan hệ quốc tế mới, thay vì chỉ để một mình Mỹ quyết định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục