Những hệ lụy từ việc Chính phủ Anh vi phạm luật pháp quốc tế

Việc Anh đơn phương vi phạm một hiệp định quốc tế là chưa từng có tiền lệ, và vì vậy, cố vấn pháp lý cấp cao nhất của chính phủ Anh đã ngay lập tức từ chức.
Những hệ lụy từ việc Chính phủ Anh vi phạm luật pháp quốc tế ảnh 1 Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Bắc Ireland Brandon Lewis. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng economist.com đưa tin việc một bộ trưởng Anh thừa nhận trước Quốc hội rằng chính phủ nước này “rắp tâm” vi phạm luật pháp quốc tế là điều cực kỳ choáng váng.

Tuy nhiên, đây lại là điều mà ông Brandon Lewis, Bộ trưởng đặc trách về Bắc Ireland, đã làm cho dù ông biện hộ rằng động thái này là "đặc biệt và hạn chế."

Dự thảo luật thị trường nội địa của Anh loại bỏ một số nội dung liên quan tới thương mại giữa Anh và Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit của London với Liên minh châu Âu (EU) - chỉ mới được thông qua vào tháng 1/2020.

Do Bắc Ireland vẫn áp dụng luật hải quan của EU và các quy định của thị trường chung, nên vùng này cần một cơ chế đặc biệt để tránh một biên giới cứng với Ireland.

[Brexit: Liên minh châu Âu hối thúc Anh tôn trọng thỏa thuận đã ký]

Việc Anh đơn phương vi phạm một hiệp định quốc tế là chưa từng có tiền lệ, và vì vậy, cố vấn pháp lý cấp cao nhất của chính phủ Anh đã ngay lập tức từ chức.

Vậy chính phủ của ông Johnson đang chơi trò gì? Có thể ông Johnson chấp nhận rằng Anh sẽ rời EU vào ngày 31/12/2020 khi thời kỳ chuyển tiếp Brexit kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận thương mại với EU.

Các cuộc đàm phán Brexit dường như đang bế tắc một cách không thể cứu vãn, khiến một số nhân vật ở phố Downing giờ đây ủng hộ lựa chọn này.

Tuy nhiên, giải thích phù hợp hơn là Thủ tướng Anh đang lợi dụng một mánh khóe mang tính chiến thuật nhằm tăng áp lực đối với EU.

Việc ông Johnson đe dọa viết lại thỏa thuận Brexit cho thấy ông sẽ không lẩn tránh vấn đề vào phút chót, không giống như người tiền nhiệm của mình là bà Theresa May, cũng như để khẳng định tuyên bố của ông rằng Brexit không thỏa thuận vẫn sẽ là một "kết quả tốt" cho Anh.

Bằng cách khiến Brexit không thỏa thuận có vẻ gây thêm hỗn loạn, ông Johnson có thể hy vọng buộc các nhà lãnh đạo EU thỏa hiệp đối với yêu cầu cứng nhắc của EU trong việc đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho trợ cấp nhà nước.

Tuy nhiên, chiến thuật này có khả năng sẽ không hiệu quả. Là thị trường lớn nhất thế giới, EU thường sẽ không nhượng bộ trong đàm phán khi bị đe dọa.

Các nhà lãnh đạo EU hiểu rằng một Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra sự gián đoạn và thiệt hại kinh tế cho Anh lớn hơn rất nhiều so với EU.

Đối mặt với nguy cơ tương tự vào năm ngoái, chính ông Johnson, chứ không phải EU, đã phải nhượng bộ bằng việc chấp nhận một cơ chế riêng cho Bắc Ireland, cho phép có các hoạt động kiểm tra hải quan ở biển Ireland.

Hơn nữa, việc đơn phương viết lại thỏa thuận Brexit sẽ hủy hoại niềm tin vào các nhà đàm phán Anh.

Các nhà lãnh đạo EU đang đặt câu hỏi làm thế nào họ có thể đạt thỏa thuận thương mại với một quốc gia có ý định hủy bỏ hiệp định mà nước này đã nhất trí với EU chưa đầy một năm trước?

Ảnh hưởng của việc ông Johnson đe dọa phá vỡ luật pháp quốc tế sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ mối quan hệ của Anh với EU.

Bởi kế hoạch của ông Johnson đã khơi lại những lo ngại về một biên giới cứng ở Ireland, kế hoạch này sẽ thất bại thảm hại ở Mỹ.

Quốc hội Mỹ đã tuyên bố rõ rằng sẽ không thông qua một hiệp định thương mại tự do với Anh nếu Brexit hủy hoại tiến trình hòa bình theo Hiệp ước Thứ sáu Tuần thánh.

Tương tự, các đối tác triển vọng khác mà nước Anh hậu Brexit hy vọng sẽ ký được hiệp định thương mại cũng sẽ nhụt chí bởi viễn cảnh Anh “hăm hở” vi phạm các cam kết quốc tế.

Bà May đã đúng khi đặt ra câu hỏi trong tuần này rằng liệu các nước khác giờ đây có thể yên tâm tin tưởng rằng Anh sẽ tuân thủ những nghĩa vụ pháp lý của mình hay không?

Anh tự hào là một nhà sáng lập luật pháp quốc tế. Nếu Anh bị thế giới xem là quốc gia coi thường luật pháp quốc tế, điều này sẽ chỉ khuyến khích những người nhân vật không muốn tuân thủ luật pháp quốc tế (như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình?).

Sẽ không quá bất ngờ nếu các nước khác xem xét theo gót Anh. Lấy ví dụ, Tây Ban Nha có thể muốn đơn phương xem xét lại Hiệp ước Utrecht 1713, theo đó Tây Ban Nha đã trao chủ quyền của xứ Gibraltar cho Anh.

Nếu ông Johnson không hài lòng với một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit, hiện vẫn có một quy trình để làm rõ những điều khoản này trong một ủy ban chung với EU.

Đó chính là một diễn đàn phù hợp mà Anh cần sử dụng, chứ không phải đơn phương ban hành luật quốc gia.

Ông Johnson cần từ bỏ kế hoạch này ngay lập tức và trở lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận tốt với đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Đây cũng là điều ông đã hứa hẹn với các cử tri trước cuộc bầu cử vào tháng 12 năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục