Những kế hoạch cải cách của tân nội các Nhật Bản

Tân Thủ tướng Nhật Hatoyama cam kết nội các của ông sẽ đưa ra những chính sách nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ.
Trong ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Yukio Hatoyama đã cam kết nội các của ông sẽ đưa ra những chính sách nhằm nhanh chóng đưa nền kinh tế của Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay.

Tân Hoa xã đã đăng bài viết nhận định về những kế hoạch cải cách của Nội các Hatoyama:

Sau chiến thắng vang dội của DPJ trong cuộc bầu cử Hạ viện, chấm dứt nửa thế kỷ cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP), tân Thủ tướng Hatoyama và nội các đang đứng trước thách thức khôi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Hatoyama khẳng định nội các mới sẽ nỗ lực hết sức để đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng quan liêu trì trệ và trao lại quyền lực cho nhân dân thông qua hàng loạt biện pháp cải cách chính sách đối nội và đối ngoại.

Trước những lo ngại liệu một DPJ thiếu kinh nghiệm lãnh đạo đất nước có thể tạo ra một kỷ nguyên mới theo đúng cam kết hay không, nội các của ông Hatoyama đã thông báo những kế hoạch cơ bản về cải cách chính trị rộng rãi, cũng như các chiến lược chính sách đối nội và đối ngoại tạm thời nhằm tác động mạnh tới khu vực tư nhân và thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế "ốm yếu" của nước này. Những kế hoạch này bao gồm tăng cường sự hợp tác và tính minh bạch giữa các bộ và chấm dứt tình trạng những nhân vật quan liêu kiểm soát tài chính quốc gia.

Thủ tướng Hatoyama khẳng định những kế hoạch trên sẽ đạt được thành công nhờ việc thành lập một cơ quan chiến lược mới. Cơ quan này không hoạt động độc lập với chính phủ như trước đây, mà sẽ liên kết chặt chẽ với Văn phòng Thủ tướng để lập ngân sách quốc gia.

Cả Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Hirohisa Fujii cùng Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Masayuki Naoshima đều nhanh chóng trình bày chi tiết những kế hoạch nhằm cắt giảm và điều chỉnh điều mà ông Fujii gọi là "chi tiêu chính phủ lãng phí".

DPJ đã tự đề ra nhiệm vụ nặng nề là tới năm 2020 cắt giảm tới 25% lượng khí thải CO2 của nước này. Điều này được các tập đoàn trong nước như Toyota, Toshiba và Sharp hoan nghênh vì những công nghệ xanh mà các tập đoàn này đã sử dụng sẽ đảm bảo cho họ nhận được khoản tiền hỗ trợ lớn của chính phủ.

Tuy nhiên, kế hoạch này lại đặt các công ty xây dựng và ngành công nghiệp nặng từng có công kéo Nhật Bản vươn lên từ đống đổ nát thời hậu chiến trước nguy cơ phải đối đầu với sự giám sát "thù địch" từ phía chính phủ. Những quan ngại mà các nhà lãnh đạo kinh doanh bày tỏ về đề nghị cắt giảm khí thải của DPJ có khả năng sẽ có ảnh hưởng. Những chỉ thị chặt chẽ như vậy có thể giải quyết nạn thất nghiệp bằng cách tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghệ tiết kiệm năng lượng, đồng thời cũng có thể hạn chế tăng trưởng và phát triển trong các lĩnh vực thương mại khác.

DPJ cũng đưa ra những kế hoạch kích thích kinh tế với các sáng kiến thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, áp dụng mức lương hưu tối thiểu hàng tháng là 70.000 yên, xóa bỏ học phí của trường trung học nhà nước (khoảng 120.000 yên/năm), và trợ cấp hàng tháng cho phụ huynh học sinh 26.000 yên/mỗi con dưới 15 tuổi.

Những chiến lược khác nhằm tăng chi phí xã hội bằng cách đảm bảo tài chính hơn nữa cho người dân, mặc dù về lý thuyết là ý tưởng hay nhưng cũng là con dao hai lưỡi.

Kế hoạch của DPJ giảm một nửa thuế xăng và hạ bớt thuế cầu đường một mặt được các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản hoan nghênh vì có thể sẽ làm tăng nhu cầu nội địa, nhưng mặt khác có thể gây hại cho ngành giao thông của Nhật Bản, đồng thời gây ra nhiều vấn đề về môi trường.

Trong những tuần và những tháng tới, thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ liệu Thủ tướng Hatoyama có những kỹ năng lãnh đạo để không chỉ đề ra mà còn thực thi những chính sách kinh tế, xã hội và khí hậu mới hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục