Đời nghề đá Ninh Vân

Những ngã rẽ số phận của đời nghề đá Ninh Vân

Trải qua biến cố thăng trầm của thời cuộc, những thân phận làm nghề đá ở Ninh Vân, Ninh Bình, cũng đi theo những hướng khác nhau.
Những ngọn núi đá ở Ninh Vân được đưa vào khai thác mở rộng từ những năm 1960-1961. Lúc bấy giờ, người ta thấy đá núi ở nơi đây rất phù hợp để sản xuất vật liệu xây dựng. Núi lại san sát, quả này nối quả kia. Vậy là tiến hành khai thác, lên kế hoạch xây dựng, di dân, và hình thành nên những làng công nhân đầu tiên ở Ninh Bình.

Nhưng ít ai biết rằng từ kế hoạch ấy, Ninh Vân "đẻ" ra 3 thế hệ đã gắn trọn đời mình vào đá núi. Trải qua biến cố thăng trầm của thời cuộc, những thân phận làm nghề đá cũng đi theo những hướng khác nhau...

Làng của những ông chủ bạc tỷ

Trải dài con đường dẫn vào làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình là những cơ sở chế tác đá. Những mẫu mộ, cột, tượng làm bằng đá được bày la liệt.

Ông Trần Công Kiên, Giám đốc doanh nghiệp chế tác đá Hùng Lâm chỉ tay về phía những ngọn núi xa tắp nối dài nhấp nhô rồi bảo, những phiến đá tưởng như vô hồn nhưng khi qua bàn tay người thợ đã trở thành những tác phẩm vang danh, chẳng hạn như hàng trăm bức tượng La Hán chùa Bái Đính, tháp bút chùa Bảo Nghiêm ở Hà Nội, công trình đá của công viên Đại Nam…

Theo ông Kiên, khoảng chục năm về trước ở Ninh Vân đã xuất hiện tầng lớp doanh nhân đầu tiên, hiện nay là những ông chủ lớn nhất làng như chủ doanh nghiệp Hoàn Hảo, chủ doanh nghiệp Hùng Lâm, chủ doanh nghiệp Lương Dương. Làng Xuân Vũ có cơ ngơi như ngày hôm nay với nhà tầng, biệt thự và hàng chục xe ôtô, đều bắt nguồn từ bàn tay trắng.

Hơn chục năm trước, phong trào trùng tu lại đền, chùa, miếu mạo nổi lên khắp cả nước. Cộng vào đó là những công trình tưởng niệm lớn mang tầm quốc gia được xây dựng. “Người làng Xuân Vũ đã biết nắm bắt cơ hội này để làm giàu,” ông Kiên nhận định.

Lúc khởi nghiệp, ông chủ trẻ Nguyễn Công Kiên chỉ là thợ chế tác. Học tới lớp 7, nhà nghèo, Kiên đi làm thay vì học tiếp như các bạn đồng lứa. Làm việc vất vả mất 2 năm, khi đó trong tay Kiên mới có cơ sở đá chế tác nhỏ nằm khuất nẻo trong con ngõ của làng.

Rồi thời cơ đến, khi ông nhận được hợp đồng làm ngôi tháp bút có hình bát giác của chùa Vĩnh Nghiêm tại quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cao 14m, có đường kính 6m. Thời điểm năm 2000, giá trị hợp đồng dựng nên ngôi tháp đã là 3 tỷ đồng.

Mất hàng tháng trời ông Kiên lặn lội khắp các tỉnh phía Bắc tìm hoa văn trang trí cho tháp. Rồi hàng tuần ông liên tục thức trắng đêm cùng thợ nghiên cứu bản vẽ để sắp xếp các khối đá lên với nhau mà không bị nghiêng.

“Cuối cùng tháp bút cũng hoàn thành và gây được tiếng vang lớn, tạo đà cho doanh nghiệp Hùng Lâm phát triển như ngày nay,” ông Kiên nhớ lại thuở lập nghiệp của mình.

Từ những thế hệ đầu tiên khai phá đưa đá mỹ nghệ ra thị trường, hiện nay cả Ninh Vân đã có 40 doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ với số vốn trong tay hàng trăm tỷ đồng.

Khi chúng tôi đi sâu vào trong làng Xuân Vũ, lúc đó đã 22 giờ nhưng vẫn còn các cơ sở sáng đèn cho nhân công làm việc.

Ông chủ trẻ nhất làng có tuổi đời mới ngoài 20, Nguyễn Hữu Sơn, đứng đầu cơ sở chế tác đá Toàn Sơn, cho biết thời điểm cuối năm, đơn đặt hàng cũng nhiều gấp đôi những tháng trong năm. Các sản phẩm được đặt nhiều nhất chủ yếu là mộ đá gồm lăng, tháp mộ, hay đơn thuần chỉ xây dựng các cột đá trong lăng mộ, nhà thờ họ.

Sơn nói vào những tháng cuối năm, lương tháng của thợ đá chế tác có thể lên đến chục triệu đồng nếu làm cả ca 3 vào ban đêm.

Và làng bốc đá mưu sinh

Từ Xuân Vũ chúng tôi đi sâu hơn theo hướng những dãy núi lô nhô kéo dài tít tắp tới làng Tân Dưỡng I, Tân Dưỡng II, làng Hệ. Càng đi gần về phía núi thì những cảnh đời lam lũ càng hiện ra rõ nét hơn.

Tiếp chúng tôi trong gian nhà cấp 4 đã xuống cấp, bà Phạm Thị Sen, thôn Tân Dưỡng II, bảo: “Cả thế hệ như tôi giờ như những phiến đá xù xì cũ kỹ nằm lẩn khuất đâu đó của điệp trùng đá núi. Người ta cũng lãng quên hết cả khi xí nghiệp giải thể.”

Bà Sen về nghỉ chế độ mất sức từ năm 1995, với đồng lương chỉ 900.000 đồng/tháng. 15 năm nay, bà chỉ quanh quẩn trong nhà, chưa bước chân ra khỏi làng.

Bà Sen bảo, từ hơn chục năm trở lại đây cả xã rầm rộ chế tác đá, rồi nhà tầng, biệt thự và cả xe hơi đã xuất hiện.

Hai năm trước, xí nghiệp ximăng Hệ Dưỡng, thành trì cuối cùng hình thành từ thời bao cấp đã chính thức giải thể. Hàng trăm công nhân của nhà máy cũ đã chuyển sang nơi làm mới của một công ty ximăng đến từ Đài Loan.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Sen lật lại trong kí ức mình kể lại những câu chuyện bà đi bốc đá.

Ngày trước chủ yếu là khai thác và bốc đá bằng tay, những cào và sọt được đan bằng dây thép to để đổ vào máy nhai, máy nghiền ra đá nhỏ. Nhất là mùa hè, đúng thời vụ bốc đá thì họ phải dậy từ 5 giờ sáng để đi vì xe xếp hàng dài đợi.

Ngoài ra, những cửu đá cũng phải vác những hòn đá nặng để “quẳng” lên xe Kamat, xe Huyndai cao tới 3 mét. Bốc mất gần 30 phút thì đầy một xe với 4 cửu đá. Mỗi ngày đội cửu đá của bà bốc tới 30 xe.

“Thợ cửu đá là công việc nặng nhọc nhất nhưng thu nhập bình quân một ngày cũng chỉ được có 30.000 đồng. Bốc những hòn đá to thì phải 2 hoặc 3 người hợp sức, phải đẩy đều. Nhiều khi có thợ cố đẩy lên xe nhưng chưa chạm tới thành xe thì rơi xuống, đá đè lên cả người,” bà Sen nhớ lại.

Chúng tôi về Ninh Vân tìm những người thợ bốc đá cuối cùng nhưng không thành. Hiện tại, máy móc đã thay gần hết sức người. Đá được đập nhỏ và có cần cẩu xúc nên không tốn nhiều sức người. Hơn nữa, tiền lương trả cho công nhân và thợ cao hơn thời trước mà công việc lại nhàn hạ.

Cả một thế hệ bốc đá thời trai tráng của xí nghiệp khai thác đá Hệ Dưỡng giờ chẳng còn ai. Những bà Sen, ông Thắng, ông Kiên, ông Định, bà Tín, những cựu phu đá đã gắn cả đời mình với núi ở Ninh Vân đều đã về nghỉ từ mấy năm trước.

Một thế hệ khai thác đá núi nữa là hậu duệ thứ 2 và thứ 3 của làng đá đang thay cha anh mình tiếp tục công việc vất vả lấy đá núi đắp đổi qua ngày, nhưng chắc chắn rằng chẳng còn nhọc nhằn như trước nữa./.

Thông Chí-Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục