Những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng của quản lý thị trường

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý lực lượng quản lý thị trường bám sát chỉ đạo của lãnh đạo bộ và của Tổng cục để xây dựng kế hoạch công tác, nâng cao hiệu suất công việc và thực thi đầy đủ quyền hạn.
Những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng của quản lý thị trường ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của lực lượng Quản lý thị trường ngày 25/7. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lực lượng Quản lý thị trường cần sớm ban hành được quy chế quản lý, quy định của ngành với toàn lực lượng, quy trình công tác và xử lý vụ việc, xây dựng cơ chế giám sát quản lý hoạt động.

Đây là yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công Thương tại cuộc họp Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của lực lượng Quản lý thị trường tổ chức ngày 25/7, tại Hà Nội.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo báo cáo, nửa đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 30.500 vụ; xử lý 17.305 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính trên 113 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 54 vụ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực mà lực lượng quản lý thị trường triển khai, song ông đề nghị các cục quản lý thị trường tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các lực lượng ở địa phương (công an, thuế...) từ đó nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát địa bàn.

[Nhận diện đúng thủ đoạn, ‘đánh’ trúng đối tượng]

Nhấn mạnh thêm về lĩnh vực xăng dầu, theo ông Hải nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, lực lượng quản lý thị trường đã góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, đó là đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xăng dầu của doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát cũng góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ông Hải cũng lưu ý lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường giám sát và quản lý cán bộ, nhất là cán bộ cấp đội, người thi hành công vụ trực tiếp làm việc với người dân, tiểu thương và doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, hiệu quả công việc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ rõ 6 nhiệm vụ mà Ban cán sự Đảng, lãnh đạo bộ đề ra với quản lý thị trường, bên cạnh các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Theo đó, ông Diên đề nghị lực lượng mở các đợt cao điểm về nghiên cứu, quán triệt về chính trị, nhiệm vụ, pháp luật, nhất là quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định của ngành, của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các địa phương.

Quản lý thị trường phải sớm ban hành được quy chế quản lý, quy định của ngành với toàn lực lượng, quy trình công tác và xử lý vụ việc, xây dựng cơ chế giám sát quản lý hoạt động. Đặc biệt cần có cơ chế bảo đảm quản lý, phối hợp giữa lãnh đạo bộ, lãnh đạo tổng cục với lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng như cơ chế phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương.

Ngoài ra, Bộ trưởng Diên lưu ý Tổng cục Quản lý thị trường tập trung rà soát kịp thời phát hiện sai phạm, chú ý tranh thủ cũng như bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đồng thời bảo đảm tính chất độc lập, tuân thủ theo pháp luật.

“Quy trình xử lý cần bảo đảm nguyên tắc pháp luật-chính trị-nghiệp vụ, đề cao tính nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu,” ông Diên nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông lưu ý lực lượng phải bám sát chỉ đạo của lãnh đạo bộ và tổng cục, tình hình thực tiễn và trên từng địa bàn để xây dựng kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm rõ ràng và và có cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ quyền hạn.

Cùng đó, toàn lực lượng phải làm tốt công tác truyền thông, tranh thủ sự ủng hộ của người dân với ngành; làm tốt công tác thông tin nội bộ với những kinh nghiệm hay, bài học quý; hoàn thiện quy hoạch cán bộ quản lý các cấp, siết kỷ luật hành chính, xử lý các sai phạm.

Ông Diên cũng đề nghị cấp uỷ và chính quyền các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường hoàn thành nhiệm vụ và chỉ đạo các lực lượng khác cùng phối hợp. Song song đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát chức năng nhiệm vụ để cùng phối hợp công tác với Tổng cục Quản lý thị trường.

Vẫn nóng vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong những tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, số vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, thuốc phòng, chữa bệnh, test thử nhanh COVID-19... cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch.

Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…

Đặc biệt, nửa đầu năm, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng theo giá thị trường thế giới. Cùng thời điểm này công suất lọc dầu của nhà máy Nghi Sơn bị cắt giảm dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương, vào một số thời điểm, dẫn đến tình trạng vi phạm trong kinh doanh xăng dầu gia tăng.

Những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng của quản lý thị trường ảnh 2Các đại biểu tham dự sơ kết công tác 6 tháng của lực lượng Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước tình hình đó, Tổng Cục Quản lý thị trường đã tổ chức Đoàn Thanh tra chuyên ngành đối với 33 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu và nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo Quyết định của Bộ Công Thương.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh khi giá xăng dầu biến động, ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường coi xăng dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, xử lý.

“6 tháng qua, lực lượng thường xuyên túc trực, kiểm tra, kiểm soát gần 17.000 cây xăng trên cả nước, đặc biệt là vào những thời điểm chuẩn bị điều hành giá xăng dầu. Nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát sâu sát, gắt gao, hiện tượng gian lận thương mại tại các cây xăng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường còn phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu,” ông Trần Hữu Linh nói. 

Cũng theo ông Linh, trong 6 tháng đầu năm, Tổng Cục trưởng và 63 Cục trưởng Quản lý thị trường cả nước đã ký cam kết nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực và địa bàn được giao, đặc biệt quan tâm nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn từ xa... Nhờ đó, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhận định công tác buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm còn nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu; hàng giả, hàng nhái trong dịp khai giảng, liên quan đến đồ dùng học sinh.

Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội.

Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá... lực lượng Quản lý thị trường còn phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu.

"Tổng cục được Bộ Công Thương giao làm đầu mối thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phân phối, đầu mối xăng dầu. Việc thanh kiểm tra góp phần đáng kể vào công tác bình ổn thị trường, chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu," ông Trần Hữu Linh cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục