Những nhìn nhận sai lầm về chính sách của Mỹ tại châu Á

Vẫn còn rất nhiều tranh cãi tại châu Á hay rõ hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về những định hướng chính sách khu vực khả thi của Mỹ.
Những nhìn nhận sai lầm về chính sách của Mỹ tại châu Á ảnh 1Ông Joe Biden. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, việc Tổng thống đắc cử Joe Biden lựa chọn Tướng nghỉ hưu Lloyd Austin vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng đã nhanh chóng làm dấy lên các cuộc tranh luận trong giới học giả và bình luận tại Mỹ.

Bên cạnh những câu hỏi như quyết định bổ nhiệm này sẽ tác động thế nào đến mối quan hệ dân-quân sự, ý kiến chỉ trích nhiều nhất vẫn là việc Tướng Austin không có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề châu Á, điều đặc biệt đáng lưu tâm trong bối cảnh thách thức quân sự chính yếu của Mỹ hiện nay bắt nguồn từ Trung Quốc.

Những tuyên bố trấn an dư luận về quyết định bổ nhiệm mà ông Biden đưa ra gần đây không đủ để hóa giải những lo ngại và ông Austin nhanh chóng phải tự mình lên tiếng: “Tôi hiểu tầm quan trọng của Bộ Quốc phòng và vai trò của cơ quan này trong việc duy trì ổn định cũng như ngăn chặn các hành vi hung hăng, bảo vệ và hỗ trợ các đồng minh quan trọng trên khắp thế giới, ở cả châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, và trên toàn cầu.”

Trong khi đó, những nhà quan sát khác phản bác rằng chính sách an ninh châu Á không nên được xem làm ưu tiên của chính phủ Mỹ trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) vẫn đang hoành hành và Mỹ không nên chiều theo ý muốn của giới chóp bu Đông Nam Á.

Vẫn còn rất nhiều tranh cãi tại châu Á (hay rõ hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) về những định hướng chính sách khu vực khả thi của Mỹ. Đáng chú ý nhất là 3 xu hướng đang nổi lên một cách rõ rệt.

[Mỹ có thể đứng vững ở các thủ đô của Đông Nam Á dưới thời ông Biden?]

Thứ nhất là quan điểm của nhiều đồng minh và đối tác Mỹ, những người tin rằng Mỹ đang tái khẳng định sự hiện diện quân sự nói chung trong khu vực. Quan điểm này, có được sự đồng thuận rộng rãi của giới lãnh đạo Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, thừa nhận rằng nhiều chức năng an ninh như tự do tiến hành các cuộc tuần tra trên biển hoặc thể hiện sức mạnh khác mà chỉ có Mỹ mới có thể gánh vác trên một nền tảng bền vững và thường xuyên. Việc Mỹ từ bỏ vai trò này sẽ tạo ra khoảng trống lớn với những hệ quả đáng lo ngại cho cán cân quyền lực.

Cùng lúc đó, ngày càng có nhiều tư tưởng thực tế cho rằng Mỹ không nên nghĩ đến chuyện một mình gánh vác trách nhiệm an ninh khu vực. Điều này đòi hỏi các bên cùng tham gia và tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Những thay đổi trong các tuyên bố và phạm vi hoạt động quân sự của các quốc gia trong khu vực đã phần nào phản ánh quan điểm trên, cho dù nhiều khi hành động không đi kèm với những kế hoạch tái phân bổ nguồn lực tương xứng. Trên thực tế, an ninh và lệ thuộc kinh tế có mối liên hệ khá chặt chẽ.

Vì vậy các quốc gia đang từng bước điều chỉnh để phối hợp đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo sức bền trong chuỗi cung ứng với khả năng độc lập với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, nhất là liên quan tới khía cạnh an ninh quốc gia.

Quan điểm thứ hai, khá phổ biến trong giới lãnh đạo Đông Nam Á, thể hiện lập trường khá hài lòng với hiện trạng cũ, theo đó Mỹ có thể tiếp tục đảm bảo an ninh khu vực trong khi vẫn cho phép khu vực lệ thuộc kinh tế Trung Quốc.

Họ nhìn nhận những dàn xếp này là điều tốt nhất của cả hai bên và khu vực vẫn giữ niềm tin (dù thực tế cho thấy điều ngược lại) rằng Bắc Kinh và Washington sẽ quay lại các thỏa thuận trước đó.

Tuy nhiên, Washintgon không mấy đồng tình với quan điểm này do cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nền tảng thể chế căn bản cho khu vực rộng lớn hơn.

Thực tế là nhiều cựu quan chức của một số quốc gia thành viên ASEAN đôi khi sẵn sàng phát biểu đại diện cho toàn thể châu Á.

Tất nhiên, quan điểm thứ ba đang ngày càng trở nên phổ biến là của giới lãnh đạo ở Trung Quốc. Bắc Kinh hiện công khai mong muốn thiết lập lại quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền của ông Biden, với những thảo luận về một “kiểu quan hệ cường quốc mới.”

Ngoài việc thúc giục Washington từ bỏ khái niệm và những chiến lược trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, giới chuyên gia và nhà bình luận Trung Quốc còn gợi ý rằng ông Biden nên theo đuổi một chính sách "thực dụng" hơn đối với nền kinh tế này.

Nói một cách đơn giản, giới chức và các chuyên gia ở Bắc Kinh kêu gọi Washington mềm mỏng hơn trước sự quyết đoán của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng việc chia tách hai nền kinh tế sẽ khiến Mỹ tự chuốc lấy thất bại. Chính quyền của ông Biden sắp tới sẽ phải đối mặt với một lựa chọn trực diện là nên thừa nhận hay bác bỏ những đề xuất này.

Người ta thường cho rằng những thay đổi trong bộ máy nhân sự có thể đồng nghĩa với những cách tiếp cận mới trong chính sách của Mỹ đối với châu Á.

Một số nhà chỉ trích cho rằng ông Austin không phải là ứng cử viên phù hợp vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong thời đại cạnh tranh siêu cường, song rõ ràng những cái tên như H.R. McMaster, James Mattis, Rex Tillerson hay Mike Pompeo, những người đã xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia 2017, Chiến lược Quốc phòng 2018 và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng đều không đem lại các chuyển biến đặc biệt đáng chú ý.

Nhìn vào 3 nhiệm kỳ tổng thống trước đây, những thay đổi trong chính sách châu Á của Mỹ thường diễn ra trong nhiệm kỳ của các chính quyền. Dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, những ưu tiên dành cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và đàm phán 6 bên với Triều Tiên ban đầu đã làm lu mờ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Chỉ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Bush, trọng tâm mới chuyển sang cuộc đối đầu này, dẫn đến những nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh với khu vực.

Cựu Tổng thống Barack Obama nhậm chức với ý định "trấn an chiến lược" Trung Quốc. Tuy nhiên, những thất vọng trước thực tế thiếu biến chuyển trong cách hành xử của quốc gia này đã khiến chính quyền ông Obama công bố chiến lược "xoay trục" hoặc "tái cân bằng" tại châu Á hai năm sau đó.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, các khía cạnh an ninh trong chiến lược ban đầu đã được giảm bớt và một lần nữa Washington lại ưu tiên các cam kết với Trung Quốc.

Mãi đến năm 2014, Washington mới chú trọng tới các thỏa thuận quốc phòng và thương mại cạnh tranh và nhiều người xem các động thái này là quá ít và quá muộn để tạo ra sự khác biệt, như trong vấn đề Biển Hoa Nam (Biển Đông).

Cuối cùng, Tổng thống Donald Trump nhậm chức với ý tưởng đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình, với kết quả là hội nghị cấp cao tại Mar-a-Lago. Mãi đến tháng 10/2017, chính quyền Tổng thống Trump mới bắt đầu đảo chiều chính sách và cả giọng điệu về Bắc Kinh.

Rõ ràng, cũng sẽ phải mất một thời gian trước khi chính quyền ông Biden có thể bổ nhiệm các vị trí cấp cao, đưa ra các đánh giá cần thiết và thực sự bắt tay vào các vấn đề khu vực.

Thước đo căn bản để đánh giá cách tiếp cận của chính quyền mới đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là việc bổ nhiệm nhân sự hoặc sử dụng các cụm từ nào đó trong phát biểu mà là họ sẽ cần bao lâu để triển khai một nền tảng đúng đắn cho chính sách khu vực và tốc độ ảnh hưởng của chính sách này đối với bối cảnh nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục