5 lý do khiến vùng Vịnh nên trở thành mối quan tâm hàng đầu của Mỹ

Với rất nhiều lợi ích chung, Mỹ và các quốc gia GCC sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc nâng cấp quan hệ đối tác, cả về đa phương và song phương với mỗi quốc gia thành viên.
5 lý do khiến vùng Vịnh nên trở thành mối quan tâm hàng đầu của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng eurasiareview.com, các cuộc thảo luận nghiêm túc đang diễn ra tại Washington và các thủ đô ở vùng Vịnh về việc định hình mối quan hệ giữa Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden.

Dĩ nhiên, chính quyền mới của Mỹ sẽ tập trung vào việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 ở trong nước và bắt đầu phục hồi kinh tế, nhưng điều đó - như trong quá khứ - cũng không ngăn cản được Mỹ tham gia với phần còn lại của thế giới và bảo vệ lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.

Trong bài viết “Năm lý do Mỹ nên tiếp tục can dự vào Vùng Vịnh” đăng trên trang mạng eurasiareview.com, Tiến sỹ Abdel Aziz Aluwaisheg - Phó Tổng thư ký GCC về Các vấn đề chính trị và đàm phán - cho biết ông không đồng tình với những quan điểm bi quan rằng Mỹ sẽ không có thời gian, năng lượng và/hoặc ý định giải quyết vấn đề vùng Vịnh một cách nhanh chóng.

Theo tác giả, có nhiều lý do để vùng Vịnh nên trở thành mối quan tâm hàng đầu của Mỹ trong vấn đề đối ngoại.

Thứ nhất là an ninh vùng Vịnh và chính sách của Mỹ đối với Iran. Việc ông Joe Biden đắc cử đã làm dấy lên lo ngại về việc dư luận Mỹ kêu gọi rút hoặc giảm bớt sự hiện diện của nước này ở Trung Đông, bao gồm cả vùng Vịnh.

Điều này gợi nhớ đến chính quyền ông Barack Obama với chính sách kép là “rút lui chiến lược” và “xoay trục” hoặc “tái cân bằng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ, hướng sang châu Á và Thái Bình Dương, chứ không phải là châu Âu và Trung Đông.

[Iran kêu gọi Tổng thống đắc cử Joe Biden dỡ bỏ biện pháp trừng phạt]

Tác động của những chính sách này đối với vùng Vịnh đã được phóng đại trên các phương tiện truyền thông. Trên thực tế, chúng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ. Mỹ đã duy trì sự hiện diện an ninh mạnh mẽ ở vùng Vịnh trong suốt thời gian qua, và tiếp tục đào tạo và trang bị cho lực lượng quân sự của các quốc gia GCC, đồng thời tăng cường sự can dự với GCC như một khối trong nhiều lĩnh vực.

Điều đáng lo ngại hơn là việc ký Thỏa thuận hạt nhân Iran mà không tính đến quan ngại của các quốc gia GCC, trong khi thực tế là họ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chương trình hạt nhân của Tehran và về mặt địa lý là những quốc gia gần nhất với các cơ sở hạt nhân của Iran.

Ví dụ, cơ sở hạt nhân Bushehr chỉ cách các trung tâm dân cư chính trong GCC khoảng 200km. Thỏa thuận cũng dẫn đến những hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như sự gia tăng các hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực.

Mặc dù quan tâm sâu sắc đến những hoạt động đó, Chính quyền ông Obama chỉ phản ứng yếu ớt vì mong muốn nhanh chóng ký thỏa thuận hạt nhân. Tương tự, họ lo ngại về việc Iran đẩy nhanh chương trình tên lửa đạn đạo sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký, nhưng Mỹ lại gần như không có bất kỳ phản ứng công khai nào. Iran đã nhận sai thông điệp và tin rằng họ được tự do hành động trong khu vực để đổi lấy việc ký thỏa thuận hạt nhân.

Việc ký thỏa thuận hạt nhân cũng đồng nghĩa với việc dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt với Iran và giải phóng các khoản tiền lớn. Điều này đã giúp tăng cường khả năng Iran để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia láng giềng, hỗ trợ các nhóm khủng bố và giáo phái cũng như đe dọa tự do hàng hải.

Khi êkíp của ông Biden bắt đầu công bố chính sách đối với Iran, chắc chắn họ sẽ tính đến những hậu quả không mong muốn này. Đầu tiên, rõ ràng là một thỏa thuận chỉ tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran là không đủ; các hoạt động khu vực và chương trình tên lửa của nước này cũng cần được đưa ra đàm phán.

Với việc Iran dễ dàng nhanh chóng đẩy mạnh chương trình hạt nhân trong những tháng gần đây, rõ ràng là thỏa thuận phải bao gồm một khung thời gian dài hơn và các cuộc thanh sát mạnh mẽ hơn.

Vai trò của Iran trong khu vực là một trong những mối quan tâm chính mà Mỹ và các quốc gia GCC cùng chia sẻ, vì cả hai đều cố gắng ngăn chặn chế độ Tehran và thay đổi hành vi của chính quyền nước Cộng hòa Hồi giáo để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. GCC đã đề xuất các biện pháp giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin với Iran. Mỹ có thể hỗ trợ những nỗ lực này.

Đây sẽ là một công việc khó khăn, nhất là khi phe bảo thủ có đường lối cứng rắn ở Iran đã giành đa số áp đảo trong Quốc hội Iran sau cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 2 năm nay.

Nhiều khả năng phe cứng rắn cũng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dự kiến vào tháng 6/2021. Khi đó, việc khuynh hướng bảo thủ trên chính trường Iran lên ngôi sẽ làm suy yếu quyền lực của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và khả năng của lực lượng này ngăn cản các nỗ lực làm giảm căng thẳng.

Lý do thứ hai khiến vùng Vịnh đứng đầu danh sách ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden là cuộc chiến chống khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng khi phiến quân IS tập hợp lại ở Iraq và Syria và mạng lưới al-Qaeda tăng cường hoạt động ở châu Phi.

Quan hệ đối tác GCC-Mỹ đã có hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố ở cấp độ quân sự, chính trị và tình báo. Thông qua các tổ chức khu vực, Mỹ và GCC cũng đã hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính cho những kẻ khủng bố và nỗ lực tuyển mộ thanh thiếu niên của chúng.

Thứ ba, Mỹ rất có thể sẽ tiếp tục can dự vào một số vấn đề khu vực khác, nơi họ nhận thấy các quốc gia GCC cũng đang tham gia và hai bên có thể cùng nhau giải quyết, chặng hạn như cuộc xung đột Israel-Palestine, Syria, Liban, Iraq, Yemen, Afghanistan, hay căng thẳng ngày càng gia tăng ở vùng Sừng châu Phi và tranh chấp Ai Cập-Ethiopia.

Thứ tư là môi trường năng lượng thay đổi. Khi Mỹ đã lấy lại vai trò là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn, nước này có nhiều lợi ích chung với các nhà sản xuất dầu mỏ trong GCC hơn bao giờ hết.

Tháng 4 năm nay, Mỹ đã làm trung gian giữa OPEC và Nga để giảm sản lượng dư thừa dẫn đến sự sụt giảm giá dầu. Vì Mỹ từng là đối tác lớn trong sự phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ thông thường ở Vùng Vịnh cách đây nhiều thập kỷ, nên hiện nay họ có nhiều cơ hội cho các quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực dầu đá phiến cũng như năng lượng tái tạo và bảo toàn, tiết kiệm năng lượng.

Thứ năm là thương mại và đầu tư đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang cố gắng xây dựng lại nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và các tranh chấp thương mại.

Các nước GCC đang bắt tay vào các nỗ lực đa dạng hóa đầy tham vọng, mở ra cơ hội đáng kể cho các quan hệ đối tác có lợi giữa các công ty Mỹ và vùng Vịnh. Các hội nghị thượng đỉnh GCC-Mỹ trước đây đã xác định một loạt cơ hội kinh tế và các khả năng khác, một vài trong số đó đã được hiện thực hóa.

Với rất nhiều lợi ích chung, Mỹ và các quốc gia GCC sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc nâng cấp quan hệ đối tác, cả về đa phương và song phương với mỗi quốc gia thành viên.

Khó tránh khỏi sự khác biệt về quan điểm trong một số vấn đề chính, nhưng thông qua đối thoại thường xuyên và thẳng thắn, những khác biệt đó có thể được giải quyết để hướng đến sự đồng thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục