Những nội dung chính của hội nghị cấp cao ASEAN

Tổng Thư ký Lê Lương Minh thông báo về diễn biến, những nội dung thảo luận và kết quả đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua trong hội nghị cấp cao.
Những nội dung chính của hội nghị cấp cao ASEAN ảnh 1Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Indonesia cho biết, ngày 16/5 Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức họp báo tại trụ sở ở Jakarta giới thiệu về kết quả và thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24.

Hội nghị này có chủ đề "Hướng về phía trước trong sự thống nhất vì một Cộng đồng hòa bình và thịnh vượng" vừa diễn ra trong các ngày 10-11/5 tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar.

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã thông báo về diễn biến, những nội dung thảo luận và kết quả đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua, trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng thời hạn Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, củng cố các thiết chế ASEAN và xem xét định hướng chiến lược cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các biện pháp thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh nêu rõ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 đã ra tuyên bố chung về việc thực hiện Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhấn mạnh cam kết đối với những mục đích và mục tiêu của ASEAN như đã nêu trong tuyên bố Bangkok ngày 8/8/1967, nhất là thúc đẩy hợp tác khu vực ở Đông Nam Á trên tinh thần bình đẳng và quan hệ đối tác, góp phần vào hòa bình, an ninh, ổn định, tiến bộ và thịnh vượng trong khu vực.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), khẳng định tính cấp thiết của việc thành lập thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và cho rằng sự thành công của Cộng đồng chung này chỉ có thể được đảm bảo bởi những nỗ lực bền vững để thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quá trình hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển trong và giữa các nước thành viên, tăng cường khả năng của ASEAN trong việc giải quyết kịp thời các vấn đề hiện tại và đang nổi lên liên quan đến lợi ích và mối quan tâm chung của các nước thành viên.

Hội nghị cũng đã một lần nữa khẳng định cam kết của ASEAN hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác thông qua các cơ chế do ASEAN giữ vai trò trung tâm như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác (ADMM +), nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và việc thực hiện của một Cộng đồng ASEAN gắn kết trên 3 trụ cột chính trị và an ninh, văn hóa, xã hội và kinh tế.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí tăng cường sự thống nhất và đoàn kết ASEAN cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, hài hòa và thịnh vượng trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEAN trong phát triển dân chủ, quản trị hiệu quả, xây dựng pháp quyền, bảo vệ nhân quyền và tự do cơ bản người dân; chú trọng đến quyền và trách nhiệm của mỗi nước thành viên để nâng cao vai trò của Cộng đồng ASEAN dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung.

Ngoài ra, còn duy trì và thúc đẩy các quy định của pháp luật trong việc thực hiện các mối quan hệ, kể cả trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc chung của ASEAN, nhất là chia sẻ các chuẩn mực, nguyên tắc và các giá trị được ghi trong các văn kiện của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Đông Á về các nguyên tắc cho các mối quan hệ lợi ích lẫn nhau (Nguyên tắc Bali), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết hội nghị đã hoan nghênh sáng kiến của Indonesia về một khuôn khổ Indonesia-Thái Bình Dương nhằm tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực hòa bình và hòa giải trong khu vực của ASEAN thông qua các cơ chế và các tổ chức liên quan đến ASEAN, trong đó có Viện ASEAN vì Hòa bình và Hòa giải (AIPR).

Đồng thời, hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono về về thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng Cộng đồng Chính trị và An ninh ASEAN (ASPC) để ASEAN tăng cường tiếng nói chung trong giải quyết các tranh chấp, nhất là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông trên cơ sở giải pháp hòa bình theo các nguyên tắc như trong Tuyên bố chung 6 điểm của ASEAN, DOC và phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước năm 1982 của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), đặc biệt kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, không đe dọa sử dụng vũ lực và không sử dụng vũ lực.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện hội nhập kinh tế đối ngoại của ASEAN để thúc đẩy lợi ích chung trong khu vực thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN với các đối tác, Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các chương trình hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận của ASEAN, tăng cường kết nối khu vực thông qua việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, trong đó có việc tạo ra một thị trường khu vực hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN; đảm bảo một ASEAN cạnh tranh thông qua các chính sách và các quy định cải thiện cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy mở cửa thị trường, thực thi khung ASEAN về phát triển kinh tế công bằng (AFEED), phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói giảm nghèo, tăng cường trao quyền cho phụ nữ, thanh niên, trẻ em, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác thông qua khuyến khích sự tham gia tích cực của họ trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và được hưởng lợi từ quá trình này.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo còn nhất trí sẽ xây dựng kịp thời Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015, tăng cường thể chế và các cơ chế ASEAN nhằm mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động của ASEAN, nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN đối với các thức truyền thống và phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng; thúc đẩy hơn nữa cơ chế quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế trên nguyên tắc cùng có lợi để đóng góp vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 cũng nhất trí hướng tới tổ chức kỷ kỷ niệm 10 năm diễn đàn khu vực mà ASEN giữ vai trò trun g tâm là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) trong năm 2015.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời phỏng vấn về tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu trong đó có cả tàu quân sự, cố tình có những hành động khiêu khích các tàu công vụ của Việt Nam, làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực, Tổng thư ký Lê Lương Minh cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao lần thứ 24 tại Myanmar đã nhất trí bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những diễn biến hiện nay liên quan đến sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc.

Đây cũng lần đầu tiên sau 20 năm ASEAN đã nhanh chóng đưa ra một Tuyên bố chung các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định hòa bình, ổn đinh, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông là vấn đề chung của ASEAN và ASEAN mong muốn giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ tại đây thông qua đàm phán hòa bình, không đe dọa sử dụng và không sử dụng vũ lực, giải quyết trên trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và DOC theo các nguyên tắc như Tuyên bố chung 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục