Những phản ứng đầu tiên sau kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Anh

Ngày 9/6, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Anh thật sự bất ngờ nhưng không thay đổi quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh (Brexit).
Những phản ứng đầu tiên sau kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Anh ảnh 1Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. (Nguồn: AFP)

AFP đưa tin, ngày 9/6, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Anh thật sự bất ngờ nhưng không thay đổi quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh (Brexit).

Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Thủ tướng Philippe nêu rõ: "Người dân Anh đã lên tiếng, họ đã bỏ phiếu và đã dành cho đảng Bảo thủ nhiều lá phiếu hơn dù chỉ là một đa số đơn giản, đây là một điều bất ngờ. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên dựa vào vào kết quả này để đặt câu hỏi về lập trường Brexit mà người dân Anh thể hiện rõ ràng."

Cùng ngày, Cao ủy phụ trách về kinh tế của EU Pierre Moscovici khẳng định Thủ tướng Anh Theresa May đã "thua cuộc" sau khi đảng Bảo thủ của bà không giành được đa số ghế quá bán trong cuộc bầu cử sớm này.

[Bầu cử Anh: Đảng Bảo thủ đã vượt lên dẫn trước Công đảng]

Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán về Brexit có thể khởi động theo thời gian ấn định là ngày 19/6 hay không, quan chức EU cho biết: "Không cần phải vội vàng nhưng dù thế nào đi nữa, chúng tôi đã sẵn sàng."

Trong khi đó, trước kết quả bất ngờ của cuộc bỏ phiếu ở Anh, Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka cho rằng Anh nên nhanh chóng thành lập một chính phủ mới.

Thủ tướng Sobotka phát biểu trên đài truyền hình Czech nêu rõ: "Tôi chỉ hy vọng sẽ không mất quá nhiều thời gian (để thành lập một chính phủ) bởi chúng ta đã mất vài tháng kể từ thời điểm Anh chính thức tuyên bố rời khỏi EU vào hồi tháng 3. Nhưng hiện nay cần phải đợi xem ai sẽ thành lập một chính phủ và chính phủ này sẽ mang điều gì đến bàn đàm phán về Brexit."

Chính phủ 27 quốc gia thành viên EU lo ngại nếu các cuộc đàm phán Brexit, thất bại Anh có thể sẽ rời EU mà không đàm phán đầy đủ các điều khoản "chia tay," khiến người dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan trở nên rối loạn giữa những cái chung và cái riêng.

Hiện có nhiều lời đồn đoán rằng một chính phủ liên minh tại Anh có thể sẽ ủng hộ quá trình đàm phán rời EU "mềm mỏng hơn" so với kế hoạch của bà May, đồng thời có thể sẽ để Anh ở lại thị trường chung song cũng gây ra những mối phiền toái mới cho EU.

Liên minh châu Âu chỉ chấp nhận cho Anh tiếp cận thị trường chung khi London đồng ý đóng góp vào ngân sách của EU và tuân thủ những quy định chung của khối bao gồm cả quy định nhập cảnh tự do giữa các quốc gia trong khối, trong khi không còn tiếng nói đối với những chính sách chung, điều mà chắc chắn không một chính phủ nào có thể thuyết phục người dân đồng thuận.Vì vậy lo ngại về viễn cảnh một cuộc ly hôn không thỏa thuận là hoàn toàn có cơ sở.

Theo kết quả kiểm phiếu mới nhất tại Anh, trong bối cảnh chỉ còn 4 ghế chưa được công bố, đảng Bảo thủ chỉ giành được 315 ghế, đồng nghĩa đảng này chắc chắn không thể giành được đa số ghế trong tổng số 650 ghế tại Quốc hội Anh và thậm chí giới phân tích nhận định đảng Bảo thủ cũng không đạt đủ 326 ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ.

Kết quả này hoàn toàn đi ngược với chiến lược mà bà May đã đề ra ban đầu về ý định tổ chức bầu cử sớm để củng cố quyền lực và thiết lập một chính phủ "đoàn kết và đồng lòng" trong các cuộc đàm phán Brexit.

Các biện pháp, chính sách và chủ trương được đề ra sẽ khó lòng đạt được sự đồng thuận cao khi chính phủ mới ở Anh là một chính phủ do nhiều đảng kết hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục