Những 'sứ giả' đặc biệt vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản

Ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, có nhiều phụ nữ hoàn cảnh thật đặc biệt đã trở thành những "sứ giả" vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Những 'sứ giả' đặc biệt vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản ảnh 1Cô giáo nổi tiếng ở thành phố Huế Trần Phương Liên. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, có nhiều phụ nữ hoàn cảnh thật đặc biệt, người dạy ngoại ngữ, người làm thợ thủ công nhưng ở họ có điểm chung là đều trở thành những "sứ giả" vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Đầu tiên phải kể đến cô giáo Trần Phương Liên, năm nay 60 tuổi - một phụ nữ ngồi xe lăn dạy tiếng Nhật nổi tiếng ở thành phố Huế.

Trong hơn 25 năm qua, người phụ nữ khuyết tật đã biến ngôi nhà nhỏ của mình thành trung tâm Nhật ngữ. Hiện cô giáo Trần Phương Liên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đêm Noel 2018, căn phòng nhỏ của cô giáo Liên ở 75 Bến Nghé, phường Phú Hội, thành phố Huế chật kín học sinh.

Ngồi trên xe lăn, cô Trần Phương Liên tay cầm micro, tay cầm phấn viết lên bảng từ mới, vừa đọc mẫu. Có lúc, cô lại cầm thước gõ trên bàn, bắt nhịp cho học sinh đánh vần.

Học sinh của cô có em học lớp 3, 4, em học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên đại học, người sắp sang Nhật du học, nhân viên công ty liên doanh với Nhật...

Bác sỹ Nội trú Trường Đại học Y Dược Huế Đinh Thị Phương Hoài đang theo học tiếng Nhật tại nhà cô giáo Liên để chuẩn bị đi tu nghiệp ở Nhật Bản. Bác sỹ Hoài cho hay, cô giáo Liên vừa là cô giáo vừa như mẹ hiền, chỉ bảo tận tình cho các em.

Những 'sứ giả' đặc biệt vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản ảnh 2Cô giáo nổi tiếng ở thành phố Huế Trần Phương Liên. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Cô thường đi xe lăn đến từng bàn để chỉ bảo cho học trò. Cô luôn nở nụ cười dù từng vòng xe lăn thấm đẫm những giọt mồ hôi. Ngoài học tiếng, các em còn học ở cô nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Cứ mỗi ca học kết thúc, cả lớp đứng lên vòng tay chào cô Liên bằng tiếng Nhật rồi vội vã ra về. Cô Liên lại lăn những vòng xe sắp xếp bàn ghế, thu dọn giấy vụn để chuẩn bị cho ca học tiếp theo.

Cứ như thế, trong hơn 25 năm qua, hàng ngàn lượt học sinh đã đến với lớp học, được trang bị vốn kiến thức cần thiết để vào đời.

Em Nguyễn Thanh Đăng, một học sinh theo học cô giáo Liên trong khoảng thời gian từ lớp 6-12, đã sang Nhật Bản làm việc, trở về thăm cô dịp Noel 2018 cho biết với kiến thức học được ở cô giáo Liên, khi sang Nhật Bản làm việc, em có thể giao tiếp thuận lợi. Vừa dạy tiếng, cô Liên vừa định hướng cho em sang Nhật Bản làm việc để có cuộc sống như ngày hôm nay.

Để có được niềm vui như bây giờ, cô Liên đã phải trải qua nhiều thử thách. Bố mẹ người gốc Huế nhưng cô Liên lại được sinh ra ở Hải Phòng và lớn lên tại Hà Nội.

Năm lên 4 tuổi, đôi chân cô bị liệt sau trận ốm dài ngày. Đất nước thống nhất, cô theo ba mẹ về Huế học và tốt nghiệp Trường Đồng Khánh (nay là Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng, Huế).

Đi lại khó khăn, Liên vẫn đi xe lăn thi đại học và trở thành sinh viên khóa 1 của Khoa Văn-Sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế và tốt nghiệp năm 1981.

Cô Trần Phương Liên cho biết ngày còn bé ở ngoài Bắc, năm 1972, cô đã mê mẩn bài hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam với tựa đề "Sen shawa ugoke nai" (Hãy chặn chiến xa lại) do nữ ca sỹ Yokoi Kumicko (người Nhật) hát.

Sau này cô giáo Liên mới biết, không những hát trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, nữ ca sỹ Yokoi Kumicko còn đến miền Bắc và Thủ đô Hà Nội, hát bên những mâm pháo cho bộ đội và đồng bào nghe.

Chính nữ ca sỹ Yokoi Kumicko đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Huy chương Vì hòa bình hữu nghị. Sau này, khi đã có chút vốn liếng tiếng Nhật, lại có dịp được sang Nhật Bản, cô giáo Trần Phương Liên đã tìm gặp ca sỹ Yokoi Kumicko và tình bạn họ kết thân cho đến bây giờ.

Lật giở lại những tấm ảnh kỷ niệm, quá khứ lại ùa về, cô Liên kể: "Bước ngoặt cuộc đời tôi có lẽ là năm 1993, khi tôi hay tin một lớp Nhật ngữ do chính người Nhật dạy tại Huế tuyển 20 học viên. Tôi bắt đầu tìm tòi sách vở ôn luyện, cộng với vốn ngoại ngữ từ thời học phổ thông và đại học tôi quyết tâm nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Thế nhưng, chỉ vì đôi chân liệt mà tôi không thể tới lớp học, tôi buồn bã trở về với công việc buôn bán bên vệ đường."

Một thời gian sau, hai người Nhật đã tìm đến nhà hỏi vì sao cô không tới lớp học. Biết việc cô đi lại khó khăn, các thầy giáo người Nhật đã tự nguyện thay nhau đến nhà dạy học.

Sau hai năm, khóa học kết thúc, cô chủ động liên lạc với các giáo viên của mình tại Nhật để tiếp tục tích lũy và hoàn thiện vốn ngoại ngữ. Năm 1996, cô Liên vừa học vừa nhận dịch sách, thư... từ tiếng Nhật sang tiếng Việt.

Ngoài ra, cô còn nhận dạy kèm một vài học sinh có nhu cầu học tiếng Nhật. Tiếng lành đồn xa, do chất lượng dạy tốt nên lớp của cô ngày một đông cho đến như bây giờ.

Nghị lực phi thường và vốn kiến thức rộng của cô Liên đã được người Nhật biết đến. Nhiều người Nhật khi tới Việt Nam làm ăn, sinh sống đã tìm đến lớp của cô Liên để học tiếng Việt cũng như văn hóa Huế, văn hóa Việt, trong đó phải kể đến các chuyên gia Nhật bản khi đến thi công hầm đường bộ Hải Vân.

Đúng như bác sỹ Đinh Thị Phương Hoài, tâm sự, khi đến lớp của cô Liên, ngoài việc học được vốn tiếng Nhật, Hoài cũng như các bạn còn học ở cô sự kiên trì, chịu khó, biết bỏ qua mọi mặc cảm trong cuộc sống để phấn đấu vươn lên.

Lớp học tiếng Nhật của cô đã trở thành thương hiệu đối với học sinh trong và ngoài tỉnh. Cô cũng đã góp phần rất lớn trong việc mang văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với người Nhật và ngược lại.

Những 'sứ giả' đặc biệt vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản ảnh 3Yokoi Kumicko, ca sĩ người Nhật (hàng sau, thứ sáu từ trái sang) chụp cùng cô giáo Liên. (Nguồn: Vietnam+)

Cùng với cô giáo Liên, ở thành phố Huế còn có cô gái tật nguyền mang nón lá Huế sang Nhật Bản triển lãm.

Đó là chị Trần Thị Thúy, năm nay ngoài 40 tuổi. Huế một chiều mưa vào dịp cuối năm 2018, trong căn nhà của Thúy ở dốc Phủ Cam, giai điệu trầm lắng từ một câu hát phổ thơ Thu Bồn nghe sao thật ấn tượng: "Nón rất Huế, nhưng đời không phải thế/Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng."

Bài thơ chấm phá thêm một nét Huế, in đậm dấu ấn nghề truyền thống của một vùng đất văn hóa, thu hút khách thập phương...

Thời buổi nón lá thường yếu thế trước các loại mũ vải, mũ bảo hiểm, "nón lá Thúy" không những phát triển mà còn vươn xa. Ấn tượng nhất đối với Thúy là trong một lần chị vinh dự được theo đoàn các doanh nghiệp Việt Nam sang triển lãm hàng hóa ở Nhật Bản.

Chị cho biết, nếu không theo đuổi nghề này, chắc không bao giờ chị có cơ hội được ra nước ngoài. Vui nhất những ngày ở Nhật Bản là chị được trình diễn nghề làm nón của mình, vừa làm, vừa bán sản phẩm. Ước mong của Thúy là thị trường kinh tế được mở rộng để nón lá có dịp hội nhập nơi "trời Tây."

Khi du lịch phát triển, "nón lá Thúy" là điểm đến hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài bởi đơn giản đây không chỉ là sản phẩm đặc trưng của Huế mua về làm quà mà người ta còn được tận nơi chứng kiến Thúy chằm nón.

Căn nhà cấp bốn lúc nào cũng sáng lên hình ảnh cô gái tật nguyền cặm cụi bên hiên ngồi làm nón. Nhiều người ngỡ ngàng, không thể tin nổi một người tật nguyền như Thúy lại tạo ra chiếc nón ấn tượng. Tiếng lành đồn xa, nón lá Thúy nhanh chóng tạo nên thương hiệu có tiếng ở Huế.

Nón Thúy hiện nay làm ra không đủ để tiêu thụ, khách hàng đến mua tại nhà, phần lớn là khách du lịch, trong và ngoài nước. Nhiều nhất là khách đến từ Pháp, Anh, Mỹ, Nhật. Họ đến đây vừa mua nón vừa tận mắt xem và rất khâm phục công việc chị làm.

Hiện nay, các điểm kinh doanh nón bán sỉ (buôn), lẻ tại điểm du lịch của Huế đâu đâu cũng xuất hiện nón của chị. Vào mùa du lịch hay dịp lễ hội, một mình làm không xuể, Thúy phải thuê những người thợ lành nghề về làm phụ giúp. Vì vậy, không những tự lo cho bản thân mình, hàng tháng chị còn giúp đỡ được 5-10 nhân công đa phần là phụ nữ không có việc làm với mức lương 600.000-800.000 đồng/tháng.

Nói đến "Thúy chằm nón." bất kỳ ai ở tổ 13, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế đều biết. Để thành danh đối với người bị tàn tật, lại làm nghề chằm nón như chị là những tháng ngày nhọc nhằn vượt lên số phận.

Khi sinh ra, Trần Thị Thúy chỉ có một bàn tay, tay còn lại bị cụt vào tận khuỷu. Đứa bé tàn tật ấy thường lân la, phụ giúp mẹ trong công việc chằm nón, từ đó, niềm đam mê lớn dần lên trong chị. Ban đầu, chị tận dụng sản phẩm thừa do mẹ loại bỏ ra để tập làm những chiếc nón, như món "đồ chơi" cho con trẻ.

Năm lên 10 tuổi, Thúy chằm được chiếc nón đầu tiên trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình. Từ đó đến nay, chị theo nghề này như là một định mệnh. Mẹ Thúy cho biết người lành lặn cả 2 tay còn khó, huống chi con bé chỉ có một tay, nhưng được cái Thúy cần cù, siêng năng và chịu khó. Các công việc đối với một người thợ làm nón, Thúy đều thành thạo, từ việc xâu kim, xây lá, độn lá nón, cho đến chằm nón để có một sản phẩm hoàn chỉnh.

Những 'sứ giả' đặc biệt vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản ảnh 4Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản trong dịp đến Huế vào tháng 3/2018 đã đến thăm Khu lưu niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu. (Nguồn: Vietnam+)

Ở chiều ngược lại, một người Nhật Bản trở thành công dân danh dự của thành phố Huế, đó là thầy giáo Michio Koyama. Đã ở Huế hàng chục năm nay, ông Michio Koyama chỉ có mong muốn duy nhất là giúp đỡ trẻ em đường phố, trẻ bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước khi sang Việt Nam, ông Michio Koyama từng là giáo viên Đại học Tokyo trong suốt 23 năm.

Ông đã từng tham gia phong trào xuống đường của sinh viên Nhật Bản để phản đối chiến tranh ở Việt Nam từ trước năm 1975. Năm 1992, tình cờ một lần đi du lịch ở miền Trung Việt Nam, bắt gặp nhiều em nhỏ lang thang cơ nhỡ, các em phải gánh chịu hậu quả chiến tranh... ông đã mơ ước sẽ làm được một cái gì đó cho các em. Năm 1994, khi trở lại Việt Nam rồi đến Huế, ông quyết tâm ở lại đây để thực hiện ước nguyện của mình.

Ngày đầu đến Huế, ông tham gia giảng dạy tiếng Nhật tại Trường Đại học sư phạm Huế, rồi xin chính quyền thành phố cấp cho một mảnh đất nhỏ để xây trường.

Ông đã dùng số tiền riêng của mình tích cóp sau 23 năm dạy học và một ít do bạn bè quyên góp để xây 6 căn phòng đầu tiên của Nhà trẻ em mồ côi với trị giá 20.000 USD cùng với 20 em nhỏ đầu tiên ông tìm thấy và thu gom được ở gầm cầu đem về nuôi...

Nơi ấy sau này, cùng với nguồn hỗ trợ của Tổ chức JICA (Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đã phát triển quy mô lên đến 3 dãy nhà cao tầng, trở thành trung tâm văn hóa có đầy đủ nơi ăn, ở, phòng học nhạc, họa, vi tính, thư viện, lớp học tiếng Nhật, tiếng Anh.

Từ khi sang Huế đến nay, mỗi năm, ông Michio Koyama về nước 3 lần, tổ chức khoảng 100 cuộc nói chuyện, trong đó dành ra khoảng 60 buổi cho các trường học từ cấp tiểu học đến đại học, 20 buổi trò chuyện với doanh nghiệp đang có ý định đầu tư tại Việt Nam, 20 buổi còn lại là buổi thuyết trình cho những ai quan tâm đến Việt Nam để quyên góp tiền cho việc phát triển cơ sở Nhà trẻ em đường phố ở Huế.

Hiện, ông còn vận động thành lập và làm Chủ tịch Hội giúp đỡ trẻ em đường phố Việt Nam ở Nhật (JASS), đồng thời là Trưởng Văn phòng đại diện JASS tại Việt Nam (trụ sở chính đóng tại thành phố Huế).

Hội này hiện có khoảng 1.400 hội viên là những nhà hảo tâm, người Nhật nhận đỡ đầu cho các em ở Nhà trẻ em đường phố.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà trẻ em đường phố Huế tiếp nhận và nuôi dạy 144 lượt em lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, với nguồn kinh phí ước chừng 400 triệu đến 500 triệu đồng/năm (chỉ riêng chi phí ăn ở, học hành của các em).

Em Trần Thị Hạnh Phương vào đây từ khi 15 tuổi do bố mất sớm, nhà quá nghèo, được cơ sở cưu mang, nuôi dạy. Hiện em đang theo học bác sĩ tại Trường Đại học Y Dược Huế.

Cùng hoàn cảnh có em Nguyễn Thị Thùy Dương được thu nhận vào đây từ những ngày đầu cơ sở này mới hình thành, nay em đang theo học tại Trường Cao đẳng sư phạm Huế.

Gặp chúng tôi, các em đều nói, điều mong ước sau này là học xong sẽ trở lại phục vụ ở Nhà trẻ em đường phố Huế, góp phần làm dịu nỗi đau, thiệt thòi mà các em cùng chung cảnh ngộ với mình đang phải gánh chịu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Nguyễn Văn Thành cho biết, thành phố Huế hiện đã có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản như các cố đô Nara, Kyoto, thành phố Yokohama.

Huế hiện có Khu lưu niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu, biểu tượng của phong trào Đông Du, gắn với Nhật Bản trong việc tìm đường cứu nước của thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản trong dịp đến Huế vào tháng 3/2017 đã đến thăm Khu lưu niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu, là minh chứng về một tình bạn tuyệt đẹp giữa Việt Nam-Nhật Bản trong thế kỷ 20.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục