Những tác động của cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đối với Mỹ Latinh

Trung tâm Nghiên cứu địa chiến lược Mỹ Latinh (Celag) đã đưa ra những dự báo về những tác động có thể có, cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.
Những tác động của cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đối với Mỹ Latinh ảnh 1Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ được dự báo sẽ có tác động tới tình hình thế giới. (Nguồn: Project FiveThirtyEight)

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Mỹ, đảng Dân chủ đã giành được đa số tại Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa duy trì thế đa số tại Thượng viện. Trung tâm Nghiên cứu địa chiến lược Mỹ Latinh (Celag) đã đưa ra những dự báo về những tác động có thể có, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, của sự kiện trên đối với khu vực như sau:

Trước hết, Hạ nghị sĩ Eliot Engel nhiều khả năng sẽ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Trên cương vị này, ông sẽ gây sức ép chống chính sách di cư hiện tại của Tổng thống Donald Trump. Ông này từng tuyên bố rằng thay vì hạn chế nhập cư, Mỹ cần chú trọng đấu tranh giảm nạn buôn lậu ma túy, tăng cường an ninh, hợp tác kinh tế và giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ Latinh. Ông cũng sẽ gây sức ép theo hướng đẩy mạnh các cuộc điều tra về “sự can thiệp của người Nga” vào các cuộc bầu cử Mỹ.

Đảng Dân chủ, từ Hạ viện, sẽ gây ra sức ép lớn hơn trong việc điều tra những "kết nối" chưa được chứng minh giữa Trump và nước Nga. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều vấn đề địa chính trị cốt lõi, thúc đẩy một cuộc đối đầu trực diện và “hiện thực hơn” với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin so với luận điệu của vị tổng thống tỷ phú hiện tại. Tương tự, cơ chế kiểm soát hiến pháp đối với việc tăng ngân sách cho các chính sách của Trump cũng sẽ được kích hoạt.

Cũng từ Hạ viện, sẽ có thêm những nỗ lực nhằm cản trở việc triển khai chính sách di trú của Trump. Cho tới nay, bất chấp những tuyên bố chống người nhập cư của Trump và những chỉ trích nhằm vào dòng người nhập cư Trung Mỹ trong những tháng qua, các đề xuất cải cách di trú vẫn vấp phải sự phản đối tại Hạ viện, thậm chí là từ một phần các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa.

[Mỹ: Khó khăn của một Quốc hội chia rẽ trong thời gian tới]

Nếu tiếp tục với chính sách cứng rắn - và xét tới sự hiện diện các đồng minh chủ chốt của Trump tại Thượng viện là không đủ-điều này có thể phân tán lực lượng Cộng hòa do thiếu đồng thuận, và trở thành một yếu tố tiền đề cho việc luận tội tổng thống (dù viễn cảnh này là xa vời) và làm mất sự ủng hộ đối với ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra: đó là trước chiến thắng của phe Dân chủ tại Hạ viện, phe Cộng hòa sẽ buộc phải đoàn kết và bỏ qua những khác biệt để cùng đứng vững dưới sự lãnh đạo của Trump.

Một viễn cảnh khác là Hạ viện Mỹ có thể cản trở dự luật về chi tiêu quốc phòng. Với sự hiện diện của đa số Dân chủ, và xét tới những áp lực vận động hành lang của giới sản xuất xe hơi, Thỏa thuận với Mexico và Canada nhằm thay thế Hiệp tước Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hiện tại có thể bị đình trệ. Đây có thể là một thất bại đáng kể đối với chính quyền Trump và chủ trương “nước Mỹ trước tiên” của ông.

Nhiều người dự đoán về sự tiến bước của quá trình tư pháp hóa chính trị tại Mỹ để có thể luận tội tổng thống trước Quốc hội. Tuy nhiên, mặc dù có được đa số tại Hạ viện, để có thể đẩy Tổng thống Trump tới một cuộc luận tội, những người Dân chủ vẫn phải cần tới sự hậu thuẫn một phần từ đội ngũ Cộng hòa-điều hiện là rất khó với thế đa số của phe Cộng hòa tại Thượng viện và trong đó có một số đồng minh trực tiếp của Tổng thống Trump.

Thế nhưng, cho dù không thể đạt được việc luận tội tổng thống, thì chỉ cần những vận động mạnh mẽ theo hướng này cũng sẽ là một “hình mẫu” cho Mỹ Latinh rằng có thể phế truất hay ít nhất là cố gắng phế truất khỏi quyền lực một tổng thống bảo thủ cực hữu. Xu hướng này được các phương tiện truyền thông như tờ The New York Times, The Washington Post, các mạng xã hội...thúc đẩy trong một chiến dịch chung của họ chống tổng thống Trump ngay từ năm 2016.

Nhưng câu hỏi liên quan tới Mỹ Latinh là liệu những phương tiện truyền thông đó, vốn từng cùng với chính phủ Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo tính chính đáng cho quá trình "tư pháp hóa chính trị" đối với các chính phủ tiến bộ tại khu vực này, giờ đây có tiếp tục vai trò đó không với các chính phủ bảo thủ cực hữu như Bolsonaro tại Brazil, Jimmy Morales tại Guatemala hay Juan Orlando Hernandez tại Honduras-những chính phủ chưa bao giờ nghi vấn trật tự tự do mới do Mỹ áp đặt.

Trong các Ủy ban đối ngoại của Thượng viện và Hạ viện Mỹ có những thỏa thuận chiến thuật giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Một trong số đó là cuộc chiến chống Venezuela. Nhưng trong trường hợp của Cuba, có những sắc thái bên phía Dân chủ phần nào theo hướng cải thiện quan hệ, nhằm tận dụng những thành quả của chính quyền Obama trước kia. Tuy nhiên, về tổng thể với Mỹ Latinh thì đa phần đại biểu của cả hai đảng trong các ủy ban này đều đã cho thấy thái độ đối đầu với những chính phủ không phải đồng minh của Mỹ: trừng phạt kinh tế và áp lực ngoại giao chống Venezuela và Nicaragua, xa lánh Cuba và “không tin tưởng” chính phủ mới tại Mexico.

Người đảm nhận cương vị chủ tịch ủy ban đối ngoại của thượng viện sắp tới rất có thể là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch, một trong những nhân vật bị coi là “mập mờ” nhất trong cơ quan lập pháp này, khi chưa từng thể hiện quan tâm tới việc chất vấn chính sách của chính quyền Trump và cũng không chuyên sâu về quan hệ đối ngoại. Dường như Jim Risch cũng không quan tâm tới việc dẫn dắt nhóm đối đầu lại chương trình nghị sự của ông Trump như người tiền nhiệm Bob Corker-một nhân vật được coi là thực dụng và cởi mở với việc thương lượng lưỡng đảng khi ông từng ủng hộ Luật trừng phạt Nga do nghi ngờ “can thiệp” vào cuộc bầu cử 2016 (rõ ràng chống Tổng thống Trump) và thực hiện một chuyến thăm tới Venezuela nhắm tới một cuộc đàm phán tiềm năng.

Một ứng cử viên khác cho vị trí này là Marco Rubio. Đây chắc chắn sẽ là nhân vật sẽ làm tăng luận điệu chống nhập cư và đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan một cách độc lập với giọng điệu của ông Trump. Điều này sẽ gây trở ngại cho mối quan hệ “thân thiện” của Mỹ với khu vực, gia tăng tính bất trắc khi thái độ đối đầu hung hăng này “va chạm” hay ít nhất cũng là sai lệch với các chính sách kinh tế trung hạn, hướng tới mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Mỹ Latinh, ngay cả với một số quốc gia “không đồng minh” như Nicaragua.

Cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Mỹ cũng cho thấy bước tiến của những người tiến bộ trong đảng Dân chủ, với biểu tượng là nữ nghị sĩ trẻ tuổi Alexandria Ocasio-Cortez, người thăng tiến trong 3 năm qua nhờ vào hiện tượng được gọi là “hiệu ứng Sanders” hay nói cách khác là một đối trọng với nhóm hoạch định chính sách và tư tưởng truyền thống của đảng Dân chủ.

Chiến thắng của phe Dân chủ nói chung và khả năng tiến bước của cánh “tiến bộ” nói riêng, mở ra một viễn cảnh thúc đẩy, ngay từ Mỹ, sự phản đối trên các khía cạnh chính trị chính thống, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, chống tư tưởng bảo thủ cực hữu và cách thức cầm quyền của họ. Điều này có thể tác động tới việc hình thành những luồng dư luận chung tại Mỹ Latinh chống các chính trị gia và các thành phần hữu khuynh bảo thủ, nhưng không nhất thiết chuyển hóa thành sự ủng hộ trực tiếp cho các thành phần tiến bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục