Với kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11, lần đầu tiên sau 8 năm, đảng Dân chủ giành đủ số ghế để nắm lại quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì thế đa số tại Thượng viện.
Sự thay đổi quyền lực trong Quốc hội Mỹ sau bầu cử sẽ có những tác động lớn tới việc hoàn thành những mục tiêu và chính sách ưu tiên, trong đó phải kể tới những chính sách kinh tế thương mại của ông chủ Nhà Trắng trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ.
Không thể phủ nhận rằng, 2 năm sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống, nền kinh tế của Mỹ đã “lột xác”ngoạn mục với những thành tựu nổi bật, như tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong gần 50 năm qua; thu nhập bình quân đầu người tăng 3,5% trong quý III năm 2018; thêm nhiều việc làm cho người dân; tiền lương của người lao động tăng và thị trường chứng khoán cũng tăng trong bối cảnh lợi nhuận của các công ty tăng vọt.
Sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc này là nhờ vào các chính sách cắt giảm thuế mạnh tay của chính quyền Tổng thống Trump, theo đó cắt giảm thuế doanh nghiệp cao nhất từ 35% xuống còn 21%, đồng thời giảm thuế thu nhập cho hàng triệu người.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng hoặc bãi bỏ các quy chế trên diện rộng, từ các quy chế giám sát ngành ngân hàng cho tới các quy chế bảo vệ môi trường mà ông Trump cho là gây thiệt hại tới việc làm, cùng với tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu quân sự, tạo ra một cú huých nguồn cung đối với nền kinh tế vốn ảm đạm trước đó.
Tuy nhiên, lịch trình kinh tế của vị Tổng thống doanh nhân sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ sau khi đảng Dân chủ lật ngược thế cờ, giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Điều này đồng nghĩa với việc các dự luật về kinh tế sẽ khó có thể được thông qua và vấn đề thương mại, mặc dù không phải là chủ đề “đinh” trong cuộc bầu cử, sẽ trở thành “điểm nóng” tại Quốc hội mới của Mỹ.
Ngoài ra, chủ trương cải cách thuế cũng như chính sách bị cho là “tự cô lập” của ông Trump trong lĩnh vực thương mại cũng có nguy cơ bị xét lại.
Nhiều dự luật có nguy cơ bị “treo”
Một Quốc hội Mỹ chia rẽ trong năm 2019 cũng có thể khiến các nhà lập pháp nước này khó có thể đưa ra những dự luật hay những bước đi chính sách quan trọng trong 2 năm tới.
Một trong những vấn đề quan trọng phía trước mà nhiều khả năng sẽ bị "treo" tại lưỡng viện Quốc hội là ngân sách liên bang khi các nghị sĩ của hai viện khó tìm được tiếng nói chung.
Chính phủ liên bang Mỹ được cấp ngân sách hoạt động ngày 7/12 tới và các nghị sĩ Quốc hội sẽ cần phải đạt được một thỏa thuận về kế hoạch chi tiêu để tránh nguy cơ Chính phủ phải đóng cửa vì không có ngân sách hoạt động.
Mặc dù các chuyên gia kinh tế nhận định những mâu thuẫn trong nội bộ Quốc hội Mỹ sẽ không "nhấn chìm" con thuyền kinh tế nước này, song những bế tắc trong vấn đề ngân sách liên bang vẫn có nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Như vậy, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chương trình nghị sự hiện tại cũng như nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối thủ chính trị để thúc đẩy việc thông qua các dự luật.
Cắt giảm thuế có thể bế tắc
Đối với chính sách thuế, chắc chắn đảng Dân chủ sẽ tiếp tục chống lại mọi ý định cắt giảm thêm thuế của đảng Cộng hòa, cụ thể như dự luật thuế mở rộng, vốn đã được Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số thông qua trước cuộc bầu cử, hay nới lỏng quy chế giám sát tài chính.
Trước đó, Luật thuế mới với gói cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ban hành vào tháng 12/2017 đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ đảng Dân chủ vì họ cho rằng mặc dù số đông người Mỹ sẽ được giảm thuế, nhưng đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất lại là các doanh nghiệp và người giàu, trong khi tăng gánh nặng lên tầng lớp thu nhập trung bình.
Cùng với đó là những quan ngại về nguy cơ bùng nổ thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế mà không có nguồn thu thay thế.
Trung tâm Chính sách thuế của Mỹ từng nhận định rằng, dự luật cải cách sẽ cắt giảm thuế cho 95% số người Mỹ trong năm 2018, nhưng mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao vượt xa mức dành cho những người có thu nhập thấp.
Cụ thể, theo hãng Moody’s, đến năm 2027, số người Mỹ thu nhập ít hơn 75.000 USD/năm sẽ bị tăng thuế. Hơn 75% số tiền tiết kiệm được đổ vào túi những người có thu nhập hơn 200.000 USD/năm, chiếm khoảng 5% số người đóng thuế.
Ngoài ra, theo báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 15/10 trong tài khóa 2018, kết thúc ngày 30/9 vừa qua, ngân sách Mỹ thu về 3.300 tỷ USD, song lại chi tới 4.100 tỷ USD. Điều này đã khiến thâm hụt ngân sách tăng 17%, mức cao nhất kể từ năm 2012.
["Cuộc phiêu lưu" của Tổng thống Trump tại Quốc hội Mỹ đã kết thúc?]
Chính sách thương mại gặp khó
Trên phương diện chính sách thương mại, lĩnh vực có ảnh hưởng bậc nhất đến nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung, những chính sách mang tính đảo ngược trong lịch sử của Tổng thống Trump, là áp thuế quan và dừng các thỏa thuận đa phương cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi lưỡng đảng sẽ có nhiều quyền lực hơn trong việc can thiệp vào chính sách này.
Trong chiến lược của mình, Tổng thống Trump ủng hộ hợp tác song phương, trong khi đó đảng Dân chủ lại theo đuổi xu hướng hợp tác đa phương. Chính vì vậy, ngay sau khi lên nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - di sản của Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama - khi cho rằng các thỏa thuận song phương hiệu quả hơn, có lợi nhuận và tốt hơn cho người lao động Mỹ.
Đối với các Hiệp định thương mại mới, chính quyền Trump sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong đàm phán khi phải chứng minh các Hiệp định mới thực sự hiệu quả hơn Hiệp định cũ.
Việc đảng Dân chủ giành lại đa số tại Hạ viện nhiều khả năng gây khó khăn cho việc thúc đẩy Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và thỏa thuận này phải đợi đến năm 2019 mới được phê chuẩn. Theo kế hoạch trước đó, USMCA sẽ được các nhà lãnh đạo ba nước chính thức ký kết vào ngày 29 hoặc 30/11 tới và sẽ phải được Quốc hội ba nước thông qua.
Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ USMCA có thể đỗ vỡ nếu các nghị sỹ đảng Dân chủ cho rằng việc thông qua Hiệp định này không có lợi về chính trị đối với đảng này.
Hiện tại, có lẽ chỉ có chính sách của Tổng thống Trump đối với cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là ít bị ảnh hưởng nhất sau cuộc bầu cử giữa kỳ, bởi cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh, thúc đẩy Trung Quốc giảm thâm hụt song phương.
Quốc hội cũng sẽ không can thiệp đến động thái của Nhà Trắng, trừ khi nền kinh tế Mỹ phải chịu đòn từ cuộc chiến thuế quan gay gắt này.
Dù vậy, đảng Dân chủ có quyền can thiệp trong trường hợp Tổng thống Trump tái áp đặt thuế quan lên Liên minh châu Âu (EU) hoặc rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bởi dù thương mại không phải vấn đề quan trọng bậc nhất đối với đảng Dân chủ, nhưng họ sẽ không ủng hộ cuộc thương chiến với các đồng minh truyền thống như EU.
Trên đây chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh về những thách thức mà Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt sau cuộc bầu cử giữa kỳ nhằm tiếp tục theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, cũng như chuẩn bị cho chương trình vận động tranh cử nếu ông muốn liên nhiệm vào năm 2020./.