Những tranh cãi sau hội nghị thượng đỉnh của NATO

Tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Trump tiếp tục khẳng định rằng những người tiền nhiệm đều đã không ít lần kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và ông sẽ không từ bỏ ý định đó.
Những tranh cãi sau hội nghị thượng đỉnh của NATO ảnh 1Lãnh đạo các nước thành viên NATO chụp ảnh chung tại hội nghị ở Brussels, Bỉ ngày 11/7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo AFP, AP và The Guardian, trước hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels tuần này, nhiều người băn khoăn không rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thể hiện “bộ mặt” nào của mình khi tới gặp các đồng minh.

Đó sẽ là một Tổng thống Trump giận dữ, cứng rắn và sẵn sàng công khai chỉ trích các đồng minh truyền thống của Mỹ, không ngần ngại hủy hoại NATO - trụ cột an ninh của châu Âu suốt gần 70 năm qua? Hay ông tới đây để xúc tiến một thỏa thuận, cùng các đồng minh thể hiện sự thống nhất mà các đối tác châu Âu rất mong muốn có được, nhất là sau “thảm họa” tại Canada hồi tháng trước? Cuối cùng, ông Trump đã mang tới Brussels cả hai "bộ mặt" này.

Tài khoản mạng xã hội Twitter của ông Trump tràn ngập những lời chỉ trích NATO: “Cực kỳ thiếu công bằng!”, “Không thể chấp nhận được!”,… và sau đó là những màn công kích Đức không e dè. Cả hai động thái này, theo AFP, đều làm hài lòng lực lượng cử tri bảo thủ ủng hộ ông tại Mỹ.

Jean-Dominique Giuliani, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Quỹ Schuman, bình luận: “Ông Trump bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị trong nước, các cuộc bầu cử giữa nhiệm (vào tháng 11) và hình ảnh dân túy của mình."

The Guardian bình luận: “Tối 11/7, giới lãnh đạo NATO nghĩ rằng những gì tồi tệ nhất đã qua. Trước đó vài giờ, ông Trump gay gắt chỉ trích Đức… rồi sau đó ông ấy tỏ ra kiềm chế và mềm dẻo hơn trong một loạt cuộc gặp riêng."

Nghị trình của hội nghị trong ngày 12/7 khiến người ta không quá lo ngại về nguy cơ đối đầu vì các bên chủ yếu thảo luận về đề xuất xin gia nhập NATO của Gruzia và Ukraine cũng như các hoạt động của khối tại Afghanistan.

Mọi chuyện lại đảo lộn khi ông Trump tỏ ra thờ ơ với những chủ đề này. Thay vào đó, ông tiếp tục khẳng định rằng những người tiền nhiệm đều đã không ít lần kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và ông sẽ không từ bỏ ý định đó. Nghiêm trọng hơn, một nguồn thạo tin của hãng tin Reuters tiết lộ: “Trump nhấn mạnh các đối tác phải tăng chi tiêu trước thời hạn tháng 1/2019, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi NATO."

Đáp lại tuyên bố của ông Trump là một bầu không khí sững sờ và bàng hoàng bởi Tổng thống Mỹ đã làm một điều mà không ai dám nghĩ tới: Đe dọa rút khỏi một liên minh quân sự mà suốt 69 năm qua Mỹ vẫn được xem là trụ cột chiến lược quan trọng nhất.

Những phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ khá rõ ràng, song cách người ta hiểu nó mới là điều gây tranh cãi. Theo Reuters, Tổng thống Trump đúng là đã đe dọa rút khỏi NATO, song sau đó đã rút lại tuyên bố này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định đó không phải là ý mà ông Trump nhắc đến.

Thực tế những gì diễn ra trong các cuộc họp kín lại được giới lãnh đạo châu Âu cho là rất suôn sẻ, nhất là trong bữa tối 11/7 khi 29 lãnh đạo các quốc gia và chính phủ họp mặt tại Brussels.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel trao đổi với báo giới vào sáng 12/7: “Nhiều tờ báo nói rằng mọi chuyện phụ thuộc vào tâm lý của Tổng thống Trump. Tôi có thể nói rằng tâm trạng ông ấy khá tốt và ông ấy nói rất tôn trọng châu Âu."

Nhận định này cũng được nhiều nhà lãnh đạo đồng tình, trong đó có Tổng thống Macron, người đã xuất hiện chung trong bức ảnh chụp cảnh ông mỉm cười và ôm Tổng thống Trump, dù rằng quan hệ giữa hai bên trước đó khá căng thẳng.

Theo The Guardian, điều đáng lo ngại ở đây là “tối hậu thư” rõ ràng mà ông chủ Nhà Trắng ám chỉ. Giới lãnh đạo châu Âu, vốn chưa thể hoàn thành cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP, mới đang tính đến kế hoạch để đạt được mục tiêu đó trong thời gian tới, chứ không phải là trước thời hạn chót là tháng 1/2019 như ông Trump đã nhắc đến.

[Tổng thống Mỹ tiếp tục công kích NATO trong phiên họp kín]

Trước bầu không khí lo ngại trong phòng họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã triệu tập một cuộc họp khẩn, và tại đây nhà lãnh đạo Mỹ lại tiếp tục yêu cầu liên minh có thêm các cuộc thảo luận về vấn đề chi tiêu trước khi chuyển sang các nội dung liên quan đến Georgia và Ukraine hay cuộc chiến chống Taliban của chính phủ Afghanistan. Cuộc họp đã kết thúc mà không có bất kỳ nhượng bộ nào từ phía Stoltenberg hay các nhà lãnh đạo châu Âu.

Tổng thư ký NATO sau đó đã tỏ ra khá do dự khi phải trả lời câu hỏi của báo giờ về những yêu cầu của ông Trump và chỉ nói rằng “liên minh nhất trí cần hoàn thành các cam kết của mình," và thừa nhận các bên đều nhận thấy “sự cấp bách” trong vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng.

Những tranh cãi sau hội nghị thượng đỉnh của NATO ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ ngày 11/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phần mình, dù không có kế hoạch trước song ông Trump sau đó đã thay đổi lịch trình và tiến hành một cuộc họp báo kéo dài tới 35 phút. Tại đây, ông hoan nghênh thành công của hội nghị, hoan nghênh NATO và khẳng định mối quan hệ bền vững với giới lãnh đạo tổ chức này, đồng thời tuyên bố rằng các bên đã nhất trí tăng chi tiêu ngân sách đáng kể - một tuyên bố mà nhiều nhà lãnh đạo châu Âu sau đó đã phủ nhận.

Tổng thống Macron khẳng định rằng các nước thành viên NATO đơn giản chỉ tái cam kết mục tiêu đã đề ra về ngân sách vào năm 2014, cụ thể là dành tối thiểu mức tương đương 2% GDP cho quốc phòng. Các thành viên cũng nhất trí công bố kế hoạch hướng tới mục tiêu này.

Hãng tin AP cho rằng đã nhiều lần người ta phải đặt dấu hỏi về những lời nói khoa trương về các thành tựu đạt được của Tổng thống Trump. Nhiều ví dụ phải kể đến như việc ông tuyên bố Triều Tiên đã bắt tay vào quá trình phi hạt nhân hóa và hồi hương một số bộ hài cốt của binh sỹ Mỹ hy sinh trong Chiến tranh Triều Tiên - những điều thực tế chưa xảy ra.

Tomas Valasek, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Carnegie châu Âu, bày tỏ sự lạc quan về những gì đã diễn ra vừa qua và cho rằng ông Trump “tận dụng các cơ hội này để truyền tải thông điệp với các cử tri Mỹ… Ông ấy thường xuyên vận động tranh cử." Valasek cũng cho rằng những gì diễn ra tại NATO có thể giúp người ta nhẹ nhõm phần nào trong bối cảnh những mâu thuẫn giữa hợp tác hai bờ Đại Tây Dương.

Hãng tin AFP cũng nhận định dù đã có những lo ngại về một “thảm họa” khác ở Brussels, song hội nghị thượng đỉnh NATO cuối cùng cùng đã kết thúc với một bầu không khí không quá hòa hợp song cũng không đến mức khủng hoảng như người ta dè chừng.

Tuy nhiên, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Francois Heisbourg lại cho rằng tương lai của tổ chức này không mấy xán lạn bởi Trump đã hủy hoại uy tín của NATO. Ông bình luận: “Tổng thống Trump không hứng thú với thỏa thuận phòng thủ tập thể được xây dựng trên nền tảng đa phương. NATO sẽ không còn hiệu quả và mạnh mẽ như vốn có."

Hãng tin AP bình luận: “Những gì ông Trump thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh NATO cho thấy Tổng thống Trump, người tự nhận mình là một nhà đàm phán đẳng cấp thế giới, rất thích dùng chiến thuật tâm lý, vừa đe dọa, vừa khích lệ," và đây cũng là cách ông hành xử trong rất nhiều mối quan hệ, như với Triều Tiên hay Trung Quốc. Tuy nhiên, AP cho rằng chiến thuật này khó phát huy hiệu quả trong cuộc gặp trực tiếp của ông với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục