Những "trưởng bản người Kinh" của lũ trẻ La Ha

Trong từ điển ngành giáo dục Việt Nam có lẽ cũng nên định danh một cụm từ “Giáo viên cắm bản” để nhắc nhớ về một thời gian khó.
Đã từ rất lâu, người La Ha nói chung và đồng bào các dân tộc trong lòng chảo Tà Mít nói riêng vẫn truyền cho nhau những câu chuyện về những thầy cô - trưởng bản người Kinh sẵn sàng bỏ tiền túi ra lo cái ăn cho trẻ.

Giáo viên đa-di-năng

Trong những ngày lang thang đi kiếm tìm cội nguồn của người La Ha, chúng tôi luôn “bị” đồng bào các dân tộc nơi đây nhầm tưởng là… "giáo viên cắm bản" mới lên. Nhìn hai gã vai đeo balô, chân đi dép xuồng (loại dép chuyên để đi rừng), bầy trẻ tíu tít bám lấy, tiếng dân tộc như chim hót cũng líu ríu bên mình.

Người dẫn đường của chúng tôi, thầy giáo Cao Mạnh Hùng hiện là giáo viên trường trung học cơ sở Tà Mít, cười không dứt khi chứng kiến cảnh này. Anh bảo, trên cái mũi chót cùng của Lai Châu huyện này, dù mọi thứ vẫn còn thiếu thốn, nhưng tình cảm của người dân  dành cho giáo viên cắm bản thì lại rất đủ đầy.

Trên dọc con đường hơn 12km anh dẫn chúng tôi đi, thỉnh thoảng lại xuất hiện một dãy lán dài đơn sơ không người ở. Mỗi lán chỉ rộng chừng 2m2, được lợp bằng cỏ gianh, nứa khô và lạt. Nhìn vào phía trong, người dưới xuôi lên chỉ thấy thông thống gió và dăm viên đá cuội được xếp làm bếp đã cháy đen thui.

Thấy chúng tôi thắc mắc, thầy giáo Hùng bảo, để có thể “gánh” được con chữ về nhà, gần như 100% học sinh ở các bản xa như Sài Lương, Ít Chom, Vén… đều phải dựng lán lều học chữ. Bởi trên vùng cao, để đi từ nhà tới trường, học sinh có khi phải mất tới cả ngày trời.

Nhìn từ trên cao, những dãy “nhà” liêu xiêu san sát tựa như các bản mới được dựng lên dành cho thế hệ công dân “nhí” nơi này.

Và từ rất lâu, những người như thầy Hùng đã mặc nhiên tự coi mình là trưởng bản, già làng của chính các bản mới lập ấy. Thầy bảo, mỗi lần một điểm trường mới được mở, các thầy cô sẽ hóa thân vào những vai trò mà ở dưới xuôi không ai tưởng tượng nổi.

Chỉ vào điểm trường Ít Chom mới được dựng cách đây không lâu, thầy Hùng cho biết, trông thì tuềnh toàng như thế, nhưng để có được chỗ cho các em ăn học, gần chục giáo viên đã mất đến cả tháng trời. Ngày ngày, họ vào tận các nhà xa nhất để vận động bà con người La Ha, Dao, Thái… đồng ý ra giúp dựng trường. Rồi, các thầy sẽ xoay trần, cắt rừng tìm nứa, mây, hay cọ chặt mang về.

“Những ngày ấy, cả trường là công nhân. Giáo viên trở thành thợ mộc,” thầy Hùng chia sẻ.

Rồi ngôi trường cũng được dựng lên. Ngồi bên trong vào giữa trưa, học sinh thấy cả nắng đua nhau xiên vào như dẻ quạt. Gió phần phật thổi làm bốn vách nứa rung lên ken két.

Ngắm ngôi trường là công trình của cả tháng lao động, anh nói: "Gọi là trường nhưng thực chất chỉ là ba dãy nhà tạm, chi phí khiêm tốn đến khó tưởng, mà các thầy cô vẫn phải chạy đôn, chạy đáo."

Nhẩm tính lại, thầy Hùng kể làu làu những khoản chi phí dựng trường. Ba triệu đồng thuê máy ủi phá đồi, san núi. Thêm hai triệu nữa hạ cây, dựng cột, đan liếp làm tường. Mái thì dân lợp cho bằng lá cọ khô. Chi li ra, tiền dựng trường chỉ bằng tiền mua một chiếc xe máy cũ ở dưới xuôi nhưng các thầy cô nơi đây đã tự phải cắt tiền lương đóng góp.

Dựng trường xong, một lần nữa, giáo viên cắm bản lại thế vai cha mẹ học sinh để lập “ký túc xá” rải dọc đường đến lớp.
 
Đang mặn chuyện, bỗng dưng người thầy giáo 33 tuổi im bặt. Anh bảo, tuần trước anh vừa đi kiểm tra các lán thì chỉ có một số lán còn gạo để thổi cơm. Chỉ chừng tháng nữa, tình trạng đói sẽ ập đến với những học sinh toàn xã. Khi đó muốn duy trì được 51 lán nội trú  ở Tà Mít thì các thầy cô trong trường lại phải sẻ chia từng cân gạo, lạng muối với học sinh.

Khi cái ăn là đầu câu chuyện

Nói về chuyện cái đói ở Tà Mít, không một giáo viên nào trên hành trình chúng tôi đã đi qua không rùng mình. Mặc dù xã nằm sát ngay bên con sông Nậm Mu nhưng hầu hết dân bản chỉ canh tác một vụ. Cứ đến độ cuối tháng 4, khi thóc gạo trong bồ gần cạn, cái đói lại có nguy cơ tràn về.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân đã có thâm niên nhiều năm bám núi, bám rừng ở Ít Chom ngồi lặng im khi được hỏi về chuyện cái đói, nghèo ở Tà Mít. Cô bảo, trong số ba dân tộc hiện đang định cư tại đây, có lẽ, người La Ha là nhóm chịu ảnh hưởng của đợt giáp hạt tháng 4 nặng nhất.

Những ngày ấy, mỗi lần đến trường, Vân lại thấy lớp học vợi đi một ít. Có em bỏ lớp về nhà kiếm cái ăn. Có nhóm học trò lại rủ nhau vào rừng hái măng đem bán cho tiểu thương từ xuôi lên. Điểm trường đã vắng lại càng vắng hơn. Đêm đêm, nhìn từ căn lán dựng tạm của mình ra khu “ký túc xá,” cô chỉ thấy lốm đốm ánh đèn dầu, lúc sáng, lúc không.

Học trò đi lác đác. Lên lớp rồi thì đầu óc các em cũng không còn chú ý đến câu chữ nữa. Cái đói ăn lại bám kéo theo cơn khát chữ trong cuộc đời những thế hệ tương lai của người La Ha. Không đành lòng nhìn học sinh chịu khổ, các thầy cô trên tất cả các điểm trường Tà Mít bàn với nhau trích lại mỗi tháng 100.000 đồng tiền lương để hỗ trợ bữa ăn học trò.

Số tiền tính ra không nhiều, điểm trường đông nhất với 12 giáo viên cũng chỉ có thêm 1,2 triệu đồng để cộng vào những bữa ăn toàn gạo, ngô, khoai của mỗi em đĩa con con thịt mỏng. Nhưng với những “công dân La Ha tí hon” xa ngái đó đã là cả một niềm hạnh phúc lớn lao.
 
Khi còn ở trung tâm huyện lỵ, chúng tôi đã được nghe rất nhiều về sự hy sinh của những thầy cô cắm bản dạy học trò trong những phân hiệu xa xôi. Chúng tôi cũng biết cái hạn chót của dự án 135 đã hết; và đồng lương của những thầy cô người Kinh sẽ giảm rất nhiều. Nhưng chúng tôi rất ít nghe về những người bỏ nghề, bỏ bản về xuôi. Với những con người ấy, hy sinh đã trở thành một bản năng tự nhiên nhất.

Có lẽ sau này, khi công cuộc thúc đẩy cho miền núi tiến kịp miền xuôi kết thúc, hoặc khoảng cách điệp trùng núi đồi Tây Bắc được giảm bớt phần nào thì khi đó những câu chuyện về giáo viên miền núi mới thôi xót xa và day dứt.

Và trong cái công cuộc gieo chữ ngược ngàn đầy gian khó không chỉ được đong đếm bằng đơn vị quả đồi, con suối và từng ngày ròng đi bộ trong “cảm giác thẳng đứng” cắm mặt xuống núi mà leo đến lúc mệt nhoài mới nghỉ ấy, đó là chính Huyền thoại.

Trong từ điển ngành giáo dục Việt Nam có lẽ cũng nên định danh một cụm từ “Giáo viên cắm bản” để nhắc nhớ về một thời gian khó này./.

Thông Chí-Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục