Những vấn đề cấp thiết của các nền kinh tế BRICS ở tuổi 20

Bất chấp một thập kỷ đáng thất vọng đối với Brazil và Nga, vẫn có khả năng nhóm BRIC có thể trở nên lớn mạnh như G7 trong thế hệ tiếp theo.
Những vấn đề cấp thiết của các nền kinh tế BRICS ở tuổi 20 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CGTN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, tháng 11/2021 sẽ đánh dấu 20 năm ngày Jim O’Neill, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, cựu Chủ tịch Quỹ quản lý tài sản Goldman Sachs (GSAM) và hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), đưa ra cụm từ viết tắt BRIC, tức 4 nền kinh tế tiềm năng gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhiều nhà bình luận sẽ trở lại với khái niệm này và đánh giá về sự thể hiện của mỗi nước kể từ năm 2001 đến nay. Dưới đây là những đánh giá của Jim O’Neill về vấn đề này:

Trước hết, quan điểm chính trong bài viết của Jim O’Neill vào tháng 11/2001 với tiêu đề “Thế giới cần các nền kinh tế BRIC tốt hơn” không phải để dự báo tăng trưởng không ngừng của các nền kinh tế này, cũng như không quảng bá một khái niệm tiếp thị mới nào đó cho các quỹ đầu tư.

Như bất kỳ ai từng đọc bài báo đó sẽ nhận thức được, lập luận chính của bài viết là tăng trưởng GDP tương đối có thể đạt được của các nền kinh tế này sẽ có những tác động quan trọng đối với các thỏa thuận quản trị toàn cầu.

Trong bối cảnh năm 2001 là năm thứ ba kể từ khi đồng euro ra mắt, các nước lớn ở châu Âu- cụ thể là Pháp, Đức và Italy- nên được nhắc tới cùng nhau, thay vì riêng lẻ, tại G7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác, qua đó nhường chỗ cho các cường quốc kinh tế đang lên của thế giới.

Jim O’Neill đã vạch ra bốn kịch bản khác nhau về viễn cảnh kinh tế toàn cầu trong năm 2010, với ba kịch bản trong số đó dự đoán tỷ trọng của bốn nước BRIC trong GDP toàn cầu sẽ tăng lên.

[Tương lai nào chờ đón các nền kinh tế BRICS?]

Trong vòng một năm sau sự ra đời của hội nghị thượng đỉnh G20, nhóm BRIC đã có thêm Nam Phi và hình thành nên câu lạc bộ địa chính trị của riêng họ, BRICS.

Tuy nhiên, mặc dù diễn biến này củng cố cho khái niệm kinh tế ban đầu, nhưng nó dường như không đạt được nhiều thành tựu hơn thế. Tệ hơn nữa, kể từ đó đã có rất ít tiến bộ trên mặt trận quản trị toàn cầu, thậm chí ngay cả trong việc đối phó với một đại dịch chết người.

Trở lại với câu chuyện kinh tế BRIC, trong giai đoạn 2003-2011, các chuyên gia đã đưa ra hàng loạt dự đoán khác nhau về cách mỗi nền kinh tế sẽ hoạt động ra sao kể từ thời điểm đó cho đến năm 2050. Điều này cũng dẫn đến một số nhận thức sai lầm, trong đó có việc đưa ra một dự báo cụ thể.

Trên thực tế, bài báo năm 2003 với tiêu đề “Mơ mộng với BRICS: Đường đến năm 2050” đã cho thấy các chuyên gia đang hình dung ra một con đường khả thi, đầy tham vọng.

Đối với thập kỷ 2021-2030, các chuyên gia giả định tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) của Trung Quốc là dưới 5% mỗi năm và rằng chỉ có Ấn Độ là sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh sau năm 2020 (nhờ dân số nước này tăng mạnh).

Chúng ta vẫn chưa biết các số liệu GDP năm 2020 của các nền kinh tế lớn là bao nhiêu, nhưng GDP thực tế và danh nghĩa năm 2020 của hầu hết các nước chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2019 và có lẽ đáng kể là trường hợp của Brazil, Ấn Độ và Nga.

Ngoại lệ sẽ là Trung Quốc, nước có GDP danh nghĩa có thể sẽ tăng 5% hoặc hơn (tính theo USD), tiếp tục tăng tỷ trọng của nước này trong GDP toàn cầu.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) xảy ra cuối thập kỷ 2011-2020 khiến các nước không thể gặt hái thành quả. Tỷ trọng tương ứng của Brazil và Nga trong GDP toàn cầu có lẽ đã quay gần trở lại mức như năm 2001.

Và trong khi Ấn Độ đã nổi lên là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, nước này đã phải trải qua vài năm tăng trưởng không vững chắc. Riêng Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể trong giai đoạn này.

Với GDP danh nghĩa hơn 15 nghìn tỷ USD, nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp khoảng 15 lần so với năm 2001, gấp ba lần quy mô GDP của Đức và Nhật Bản, gấp 5 lần Anh và Ấn Độ.

Với khoảng 3/4 quy mô GDP của Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất trong thập kỷ này xét trên danh nghĩa, khi đã đạt được ngưỡng trên tính theo sức mua tương đương.

Bất chấp một thập kỷ đáng thất vọng đối với Brazil và Nga, vẫn có khả năng nhóm BRIC có thể trở nên lớn mạnh như G7 trong thế hệ tiếp theo. Nếu các dòng chảy thương mại, đầu tư và tài chính quốc tế giữa các nước BRIC và phần còn lại của thế giới vẫn tiếp diễn, mức tăng trưởng này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Nhưng đó là một chữ “Nếu” lớn. Phần lớn vấn đề sẽ phụ thuộc vào việc liệu các nước có thể tập hợp vai trò lãnh đạo chính trị để tăng cường quản trị quốc tế và sự cởi mở mà các nền dân chủ Phương Tây vẫn hằng mong muốn lâu nay hay không.

Đối với những vấn đề chính trị này, thập kỷ thứ hai của BRICS đã trôi qua đầy khó khăn. Những mối quan hệ giữa phương Tây (Mỹ và châu Âu) với Trung Quốc và Nga vẫn căng thẳng như vốn có từ hàng thập kỷ nay, mặc dù việc EU và Trung Quốc hoàn tất đàm phán thỏa thuận đầu tư gần đây đem đến một số tín hiệu tốt lành.

Người ta đang hy vọng sự xuất hiện của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và việc Anh giữ chức Chủ tịch G7 sẽ bù đắp cho khoảng thời gian đã mất. Dường như có một số động lực đằng sau ý tưởng thành lập một liên minh 10 nền Dân chủ (D10) lớn hơn bao gồm các thành viên G7 cùng Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Từ quan điểm của Phương Tây, việc thành lập nhóm này sẽ có những lợi thế rõ ràng về địa chính trị và ngoại giao, đồng thời có thể giúp ích cho việc quản lý không gian mạng và công nghệ; nhưng chưa rõ mục đích nhóm này sẽ phục vụ cho phần còn lại của thế giới là gì.

Quả thực, việc thành lập nhóm D10 sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đưa ra lời giải đáp. Tại sao nhóm này không bao gồm các nền dân chủ khác đã có trong G20, chẳng hạn như Brazil, Indonesia hay Mexico? Tại sao Hàn Quốc lại muốn nằm trong một nhóm không bao gồm Trung Quốc, một láng giềng kinh tế khổng lồ, trong khi nhóm này lại bao gồm Nhật Bản, quốc gia thường có tranh cãi về ngoại giao với Seoul?

D10 có thể liên quan như thế nào đến các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ổn định và bình đẳng kinh tế toàn cầu và các vấn đề như phân phối vắcxin ngừa COVID-19 và kháng thuốc kháng sinh?

Điều thế giới thực sự cần là những gì các chuyên gia từng kêu gọi hồi năm 2001: quản trị kinh tế toàn cầu mang tính đại diện thật sự. Hãy hy vọng về việc sẽ có một khát vọng mới để thực hiện con đường này dưới thời chính quyền mới của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục