Những yếu tố cản trở tiến trình đàm phán COC trong năm 2022

Giới quan sát cho rằng liên minh AUKUS có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trong khu vực, theo đó sẽ tạo ra thêm trở ngại cho các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và ASEAN về COC.
Những yếu tố cản trở tiến trình đàm phán COC trong năm 2022 ảnh 1Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng scmp.com/Đài RFA, trang mạng tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) gần đây dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng Bắc Kinh muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) khi Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự một hội nghị cấp cao trực tuyến với các nhà lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 22/11.

Giới phân tích đã phân tích những yếu tố tác động đến tiến trình đàm phán này, gồm sự xuất hiện của nhóm an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), Campuchia sẽ đóng vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2022 và những chiến thuật mang tính quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển này.

Theo ghi nhận của SCMP, trong hàng chục năm qua, những tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN vẫn chưa được giải quyết. Những nỗ lực của hai bên nhằm soạn thảo một khuôn khổ các quy tắc và chuẩn mực ở vùng biển giàu tài nguyên này vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể nào.

Trước đó, tối 14/11, tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đại sứ các nước ASEAN tại Bắc Kinh, ông Vương Nghị đã nói rằng Trung Quốc và ASEAN cần thúc đẩy quá trình tham vấn về COC.

Bình luận trên đài RFA đêm 24/11 về vấn đề này, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc trường Đại học New South Wales ở Canberra (Australia) cho rằng các cuộc đàm phán tiếp theo về phần "Những cam kết cơ bản" sẽ rất phức tạp. SCMP dẫn lời giới phân tích cho rằng những thay đổi trong môi trường an ninh khu vực trong những năm qua có thể tác động đến cách tiếp cận của ASEAN đối với các cuộc thảo luận COC trong thời gian tới.

Sự xuất hiện của AUKUS

Theo SCMP, diễn biến gần đây nhất và đáng quan tâm nhất là sự xuất hiện của AUKUS, vốn được coi là một liên minh chống lại Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng liên minh này có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trong khu vực, theo đó sẽ tạo ra thêm trở ngại cho các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và ASEAN (về COC).

Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên luật quốc tế tại trường Đại học Indonesia, gần đây nhận định rằng AUKUS có thể sẽ thúc đẩy Bắc Kinh "tiến hành đàm phán COC trước khi Mỹ có thêm tầm ảnh hưởng ở khu vực."

Tương tự, Charles Dunst, nghiên cứu viên tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng AUKUS sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về COC vì liên minh này thể hiện cam kết của Mỹ đầy lùi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Dunst nói: "AUKUS sẽ khiến Bắc Kinh cứng rắn hơn khi phản đối việc ký kết COC."

[Dư luận lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông]

Chester Cabalza, người sáng lập cơ quan nghiên cứu Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế có trụ sở ở Manila, cho rằng với việc hình thành AUKUS, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường nỗ lực quân sự hóa Biển Đông và thậm chí uy hiếp các quốc gia khác có cùng tranh chấp.

Ông Cabalza bình luận: "Sự xuất hiện của AUKUS sẽ khiến lộ trình đàm phán COC, vốn hướng tới mục tiêu hoàn tất trong năm 2022, trở nên khó lường và có thể diễn ra chậm chạp hơn."

Năm 2018, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được văn kiện dự thảo để đàm phán về COC, trong đó, Bắc Kinh đề xuất một cơ chế quy định việc cho phép quân đội nước ngoài tiến hành các cuộc tập trận chung với các quốc gia thành viên ASEAN.

Đề xuất đó được coi là đi ngược lại quyền tự do và tự chủ chủ quyền của các nước ASEAN khi tiến hành tập trận chung, do đó, đề xuất đã bị phản đối. Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho rằng AUKUS sẽ khó có thể làm thay đổi vấn đề tiến hành tập trận quân sự chung với các nước bên ngoài ở Biển Đông, lưu ý rằng Indonesia và Malaysia vẫn duy trì quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng với các thành viên của AUKUS, đặc biệt là Mỹ và Australia, mặc dù hai nước này đã công khai bày tỏ quan ngại về liên minh này.

Khi nhấn mạnh rằng AUKUS sẽ không thể định hình đáng kể các cuộc đàm phán COC tới đây, ông Koh cho rằng các yếu tố gây cản trở tiến trình đàm phán COC vẫn là những vấn đề gây tranh cãi ban đầu như vấn đề bao phủ địa lý, trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước ký kết và không ký kết.

Ngoài ra, ông Koh cũng cho rằng các bên sẽ rơi vào tình huống lúng túng hơn trước những vấn đề phức tạp hơn rất nhiều so với AUKUS, vốn liên quan đến những liên minh an ninh khác như nhóm Bộ tứ và những vấn đề rộng lớn hơn như cấu trúc an ninh khu vực mà ASEAN đóng vai trò trung tâm.

"Nhân tố Campuchia"

Năm 2022, Campuchia sẽ thay Brunei để giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN. Với quan hệ gần gũi giữa Phnom Penh và Bắc Kinh, cùng với những gì Campuchia đã làm trong năm 2012 (không ra được Thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN), khả năng các cuộc đàm phán COC tới đây sẽ khó đạt được tiến triển.

Đó là nhận định trên RFA của ông Sovinda Po, nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia.

Bình luận trên SCMP, ông Dunst cho rằng hai bên khó có thể sớm hoàn tất COC, viện dẫn việc Campuchia, quốc gia "thân Trung Quốc nhất trong khối," trước đó đã cản trở ASEAN đưa ra thông cáo chung chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Dunst đánh giá: "Khó có thể hình dung hai bên có thể hoàn tất COC khi Phnom Penh hiện đã tiếp quản vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2022."

Một diễn biến mới xuất hiện mà hãng tin Reuters dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên cho biết các nước ASEAN đã kiên quyết phản đối nỗ lực của Bắc Kinh muốn Tướng Min Aung Hlaing tham dự hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc hôm 22/11 nói trên.

Theo RFA, sau cuộc chính biến ở Myanmar đầu năm 2021 đến nay, Myanmar vẫn là quốc gia bất ổn và ngày càng lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc. Tiếng nói của Myanmar (nếu được tham gia đàm phán) có khả năng sẽ nghiêng về Trung Quốc và là một nhân tố dẫn đến nguy cơ COC "giậm chân tại chỗ."

Bên cạnh đó, RFA cho rằng phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) về tranh chấp Biển Đông vẫn là một yếu tố gây ra những ý kiến khác biệt giữa các thành viên ASEAN. Tuy nhiên, ngày càng nhiều tiếng nói yêu cầu đưa một số nội dung quan trọng của phán quyết vào dự thảo COC.

Với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thúc đẩy sớm kết thúc quá trình đàm phán COC. Tuy nhiên, sự chia rẽ lợi ích giữa các thành viên, cùng với tham vọng của Trung Quốc đã khiến quá trình đàm phán COC có khả năng rơi vào bế tắc.

Trung Quốc tiếp tục khuấy động Biển Đông

SCMP ghi nhận rằng bất chấp sự hiện diện hải quân của các cường quốc bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia và một số nước châu Âu như Đức, Anh và Pháp, Bắc Kinh vẫn xây dựng tiền đồn quân sự và tăng cường hoạt động tuần tra và xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác có cùng tranh chấp lãnh hải.

Theo RFA, Trung Quốc thể hiện “bộ mặt hợp tác” trong khi vẫn có các động thái gây căng thẳng trên thực địa. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trong khu vực, Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình để gia tăng hoạt động ở Biển Đông nhằm đạt được mục tiêu chiến lược. Điều này làm ảnh hưởng tới quá trình đàm phán COC.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 tới nay, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, trong đó cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tăng cường việc “thực thi pháp luật” trên cả những vùng biển thuộc EEZ của các quốc gia khác, trong đó có việc sử dụng vũ khí nếu thấy cần thiết.

Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh đe doạ trên Biển Đông như việc sử dụng hàng trăm tàu cá để uy hiếp Philippines tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 3/2021.

Cuối tháng 5/2021, Bắc Kinh đã điều động 16 máy bay xâm phạm không phận của Malaysia, khiến Malaysia không thể giữ “chính sách ngoại giao im lặng” được nữa mà đã lên tiếng tố cáo hành động vi phạm chủ quyền và đe doạ an toàn hàng không như vậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng đại dịch chỉ là cớ để Trung Quốc áp dụng kế hoãn binh, tranh thủ thời gian thế giới bị chia cắt vì COVID-19 để tiếp tục lấn chiếm biển đảo, qua đó đặt thế giới vào "chuyện đã rồi."

Các vấn đề này đã tạo thêm động lực để các quốc gia trong khu vực xem xét các chính sách và hành động đối với các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bao gồm tiến trình tham vấn COC.

Ngoài ra, đài RFA cũng đề cập đến những rào cản lâu nay đối với các cuộc đàm phán COC. Những rào cản này gồm việc Trung Quốc yêu cầu COC không phụ thuộc vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), không thăm dò, khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài và các cuộc tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực phải có sự đồng ý trước của tất cả các bên ký kết thỏa thuận.

Một khó khăn nữa đối với ASEAN là việc Trung Quốc luôn muốn loại Mỹ và các quốc gia khác ra khỏi tiến trình đàm phán COC. Ngoài ra, một vài nước ASEAN muốn COC mang tính "ràng buộc pháp lý" cũng là vấn đề mà hai bên khó đạt được đồng thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục