Ninh Bình: Lễ húy kỵ Quốc sư Nguyễn Minh Không tại chùa Bái Đính

Lễ húy kỵ không chỉ là dịp nêu cao lòng biết ơn sâu sắc đối với Quốc sư Nguyễn Minh Không mà còn là cơ hội chia sẻ những đạo hạnh tốt đẹp của người đi trước, là lời nhắc nhở các chư tôn đức đời sau.
Ninh Bình: Lễ húy kỵ Quốc sư Nguyễn Minh Không tại chùa Bái Đính ảnh 1Chùa Bái Đính. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 11/11, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ húy kỵ Quốc sư Nguyễn Minh Không tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Hàng trăm tăng, ni, phật tử đã về tham dự và chứng minh lễ húy kỵ.

Dưới sự điều hành của các thượng tọa, các phật tử tham dự đã cùng thực hiện lễ thỉnh Phật và lễ cúng Tổ... trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã có phần chia sẻ đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp của Quốc sư Nguyễn Minh Không về văn hóa, Phật học, y học, kinh tế... trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

[Ninh Bình: Tổ chức lễ cầu quốc thái dân an tại chùa Bái Đính]

Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh Nguyễn Minh Không là một vị thiền sư, pháp sư, dược sư, quốc sư lỗi lạc. Ngài là tấm gương sáng ngời về tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Lý. Qua ngài đã thể hiện rõ tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Có lẽ ngài là vị thiền sư duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được vua phong Quốc sư, dân phong Thánh.

Ngài được nhân dân phong Thánh và tôn thờ khắp nơi với tên gọi gần gũi là Thánh Nguyễn. Các loại hình di tích thờ Thánh Nguyễn khá đa dạng gồm cả chùa, đình, đền và cụm đền chùa.

Nhiều địa phương ở miền Bắc có các lễ hội gắn liền với Thiền sư Nguyễn Minh Không như chùa Viên Quang (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Ngũ Xã (Hà Nội), chùa Trông (Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)...

Lễ húy kỵ không chỉ là dịp nêu cao lòng biết ơn sâu sắc đối với Quốc sư Nguyễn Minh Không mà còn là cơ hội chia sẻ về những đạo hạnh tốt đẹp của người đi trước, từ đó nhắc nhở các chư tôn đức đời sau, phật tử không ngừng trau dồi những kinh nghiệm tu tập, giữ vững đạo hạnh theo đức thầy Tổ và tinh thần chân chính của Đấng Từ phụ Như Lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục