Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức từ ngày 20 đến 22/10 đã thành công tốt đẹp.
Ngay sau khi kết thúc Đại hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ qua, cùng những khâu đột phá, chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ mới.
- Xin bà cho biết những thành tựu nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Nhiệm kỳ qua, Ninh Bình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những thuận lợi cơ bản, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức.
Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang và những thành quả của các nhiệm kỳ trước, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện đạt và vượt 13/15 mục tiêu chủ yếu, trong đó, 12 mục tiêu hoàn thành vượt mức.
Xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Theo đó, công tác chính trị tư tưởng được tăng cường, đổi mới, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đã triển khai sâu rộng, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện chủ đề công tác hàng năm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu, học tập và triển khai nhiều giải pháp bài bản, quyết liệt để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và tiêu cực trong Đảng.
Trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đã tập trung cao, có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Nổi bật là cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2015-2020 đạt 8,03%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tổng thu ngân sách đạt kết quả vượt bậc, cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng và vượt cao so với mục tiêu, toàn tỉnh có 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%...
- Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình xác định các phương hướng, mục tiêu như thế nào, thưa đồng chí?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với tỉnh Ninh Bình, tình hình chính trị, xã hội ổn định, những thành quả phát triển kinh tế-xã hội đạt được trong những năm qua đã tạo ra thế và lực mới.
Đặc biệt, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, sự ổn định về chính trị tiếp tục là tiền đề, nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh những năm tiếp theo.
[Ninh Bình phát huy truyền thống Hoa Lư để phát triển mạnh mẽ]
Với phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển," Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định phương hướng chung: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, khơi dậy ý chí, khát vọng, giá trị lịch sử, văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội với công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến; tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại; quy hoạch và phát triển kinh tế vùng ven biển.
Ninh Bình phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế. Xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng.
Tỉnh Ninh Bình cũng xác định 14 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có những chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện thắng lợi như: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người giá hiện hành năm 2025 đạt 105 triệu đồng.
Đến năm 2025, thu ngân sách trên địa bàn đạt 19.000 tỷ đồng trở lên; giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 160 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.200 triệu USD; số khách du lịch đạt 8-9 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.
Tỉnh phấn đấu trong nhiệm kỳ giảm 2/3 số hộ nghèo, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2024, số đảng viên kết nạp bình quân hằng năm đạt 1.600 đảng viên trở lên, 100 % cấp ủy viên các cấp gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy định về nêu gương...
- Để đạt được những chỉ tiêu chủ yếu đề ra, tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện những khâu đột phá, chương trình trọng tâm nào trong nhiệm kỳ 2020-2025, thưa đồng chí?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Bình tập trung vào 3 khâu đột phá, bao gồm: Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nhất là hạ tầng du lịch.
Cùng với đó là 6 chương trình trọng tâm: tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, có số thu ngân sách lớn, các nhà đầu tư chiến lược phát triển du lịch.
Tỉnh chú trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn; bảo vệ môi trường sinh thái; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, phát triển toàn diện văn hóa xã hội, coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn phát huy giá trị di sản; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biển, biên giới biển của tỉnh.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!