Ninh Thuận hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và an toàn phòng dịch

Tỉnh Ninh Thuận cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất-hiệu quả nhất" để phục hồi sản xuất.
Ninh Thuận hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và an toàn phòng dịch ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Quan điểm của tỉnh là đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh. Tỉnh lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia chống dịch.

Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục đồng hành, tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất-hiệu quả nhất." Cùng đó, xem xét có lộ trình, kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động làm việc tại doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch phù hợp với từng địa bàn, năng lực của doanh nghiệp; từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh...

Ngoài ra, các doanh nghiệp tự xây dựng phương án bảo đảm vùng xanh (doanh nghiệp an toàn) và nâng cao ý thức của người lao động trong việc chấp hành quy định bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; có trách nhiệm xây dựng địa phương nơi đặt trụ sở, nhà máy, cơ sở sản xuất thành vùng xanh.

[Bốn nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19]

Trên cơ sở đó, đến hết năm 2021, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có ít nhất 8.000 lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.

Tỉnh cũng sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ ưu tiên hàng đầu của địa phương là hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động ở các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tiếp đó, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi về lao động, gia hạn và xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh, phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch COVID-19.

Qua nắm bắt tình hình thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, sử dụng lao động đều tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Mỗi doanh nghiệp đều có phương thức bố trí lao động khác nhau theo loại hình sản xuất.

Đơn cử như Công ty May Tiến Thuận ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm bố trí lao động làm việc theo ca, chia 50% lao động cho mỗi ca. Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Thông Thuận (Khu công nghiệp Thành Hải) bố trí 50% lao động làm việc trong giờ hành chính do đặc thù ngành sản xuất tôm đông lạnh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, theo chuỗi khép kín, liên tục, không thể giãn thời gian sản xuất và khoảng cách vị trí làm việc. Hay Nhà máy chế biến nhân điều (Công ty Long Sơn BLB) bố trí lao động làm việc "3 tại chỗ" trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, do phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp rất khó khăn.

Nặng nề nhất là ngành vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú, ăn uống… bởi nhu cầu giảm từ 70-80%. Ngành du lịch hầu như không phát sinh doanh thu. Các nhà hàng, khách sạn bị dừng hoạt động, hiện chỉ có 19/183 cơ sở lưu trú du lịch được hoạt động, số còn lại phải tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thiếu hụt lao động do phải cắt giảm làm ảnh hưởng đến công suất hoạt động; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, sản xuất bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng.

Dòng tiền vào của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, không đủ trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi nhiều khoản chi phí mới lại phát sinh liên quan đến phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, tính đến hết tháng 8/2021, Ninh Thuận có 261 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký trên 2.200 tỷ đồng, giảm 47,2% số doanh nghiệp và giảm 36,5% số vốn so cùng kỳ.

Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh như dịch vụ du lịch, lưu trú, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản… Vừa qua, số doanh nghiệp tại tỉnh giải thể tăng 19,6% (55 doanh nghiệp); doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 45,6% so với cùng kỳ (131 doanh nghiệp).

Hiện nay, tỉnh có 3.739 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó có khoảng 3.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp; đồng thời có trên 11.000 hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục