Ninh Thuận trong top 30 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất

Theo VCCI, PCI năm 2022 của tỉnh Ninh Thuận đạt 65,43 điểm, tăng 3,20 điểm so với năm trước, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành và nằm trong top 30, tỉnh thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI.
Ninh Thuận trong top 30 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất ảnh 1Trung tâm hành chính công tỉnh Ninh Thuận thực hiện tốt công tác cải cách, khắc phục nhiều hạn chế yếu kém. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh Ninh Thuận đạt 65,43 điểm, tăng 3,20 điểm so với năm trước đó, tăng thứ hạng 19 bậc, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và nằm trong top 30, tỉnh thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022.

Đặc biệt, trong năm 2022, VCCI đã bổ sung Chỉ tiêu đánh giá những bước tiến về quản trị môi trường (Chỉ số xanh cấp tỉnh-PGI); qua đó Ninh Thuận đã thực hiện và đạt kết quả rất tích cực, xếp hạng thứ 18/63 tỉnh, thành phố.

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh, có 7 chỉ số thành phần tăng điểm số và thứ hạng có thay đổi rõ nét. Đó là, gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tỉnh cũng có 3 chỉ số thành phần bị giảm điểm số và thứ hạng gồm chi phí không chính thức; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Riêng với chỉ số thành phần chi phí không chính thức của chỉ số PCI giảm 1,37 điểm, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành (giảm tới 31 bậc).

[Tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển đồng thời cả kinh tế và xã hội]

Qua phân tích 12/16 chỉ tiêu, có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến, tăng 39%; tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai tăng 35%; tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra thuế tăng 66%.... Điều đó cho thấy, cảm nhận của doanh nghiệp đối với chỉ tiêu này ở mức rất thấp, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực có xu hướng tăng.

Để tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh và xếp hạng của chỉ số PCI, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém; đồng thời đề ra giải pháp nhằm cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đưa tỉnh vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế-xã hội ở nhóm khá của cả nước.

Theo ông Phan Tấn Cảnh, để thực hiện hiệu quả giải pháp trên, tỉnh sẽ tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần bị giảm điểm, thúc đẩy cải thiện chỉ số tăng điểm trong năm 2023, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư theo hướng chuyển đổi số, hướng đến phát triển kinh tế số.

Cụ thể, tỉnh phấn đấu tăng điểm số PCI trong năm 2023 đạt khoảng 68,9 điểm, đưa PCI của tỉnh vào nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm khá; trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số PCI như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 20%; đào tạo lao động 20%; tính minh bạch 20% và chi phí không chính thức 10%.

Ninh Thuận trong top 30 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất ảnh 2Nhiều bộ thủ tục hành chính được công khai tại Trung tâm hành chính công công tỉnh Ninh Thuận để các tổ chức và cá nhân tìm hiểu. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng phấn đấu đến hết năm nay, chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt so với các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể: gia nhập thị trường đạt từ 7,77 điểm lên trên 7,87 điểm; tiếp cận đất đai tăng từ 7 điểm lên trên 7,50 điểm; tính minh bạch tăng từ 6,08 điểm lên trên 6,60 điểm; chi phí thời gian tăng từ 7,36 điểm lên trên 7,50 điểm; cạnh tranh bình đẳng tăng từ 5,55 điểm lên trên 6,20 điểm; tính năng động của Chính quyền tỉnh tăng từ 7,11 điểm lên trên 7,50 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng từ 5,52 điểm lên trên 6,15 điểm; chi

Đối với chỉ số thành phần bị giảm điểm số và thứ hạng trong năm 2022, Ninh Thuận sẽ tập trung khắc phục để tăng điểm và vị trí xếp hạng. Theo đó đến hết năm 2023, đưa chi phí không chính thức tăng từ 7,02 điểm lên trên 8,50 điểm; đào tạo lao động tăng từ 5,20 điểm lên trên 6,60 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng từ 7,60 điểm lên trên 8,10 điểm.

Ông Phan Tấn Cảnh cho rằng để thực hiện đạt mục tiêu đặt ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ đổi mới tư duy, nắm vững nội dung các Chỉ số thành phần PCI; đồng thời chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI gắn với nâng cao chất lượng điều hành phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại đơn vị phụ trách; qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng tiếp tục quán triệt nhận thức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ trong giải quyết vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Đặc biệt tỉnh đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, coi cải thiện, nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ xử lý nghiêm cán bộ, công chức nếu phát hiện có thái độ sách nhiễu, tiêu cực.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng mô hình mới, hiệu quả để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiên quyết vượt khó và cùng thực hiện để tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng từng Chỉ số thành phần, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục