Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Thành Nhà Hồ

Hình ảnh Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đang ngày càng được quảng bá rộng rãi trên thế giới, tạo nên sức hút lớn với du khách nước và quốc tế.
Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Thành Nhà Hồ ảnh 1Cổng phía Nam Thành nhà Hồ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 16/12, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2011-2016).

Tới dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, đại diện 8 Câu lạc bộ Di sản thế giới tại Việt Nam và đông đảo nhân dân huyện Vĩnh Lộc.

Sau 5 năm Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới, các cấp chính quyền và người dân trong vùng di sản đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị, quảng bá di sản.

Thanh Hóa đã kịp thời, chủ động ban hành những quy định quản lý di sản Thành Nhà Hồ tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.

Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc lịch sử.

Kể từ khi Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới, tỉnh Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO tại Việt nam và các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan trong việc quản lý, nghiên cứu, bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ theo khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về di sản.

Tới đây, tỉnh Thanh Hóa, huyện Vĩnh Lộc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời tiếp tục triển khai, thực hiện các dự án nghiên cứu, khai quật tổng thể di sản Thành Nhà Hồ theo đúng tiến độ đặt ra, làm tiền đề để thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di sản như: nghiên cứu, khai quật và phục hồi Hào thành; tái tạo cảnh quan sinh thái, môi trường và hệ thống thủy cổ của di sản; Xây dựng hệ thống bản đồ vệ sinh MAP-GIS; Xây dựng công viên khảo cổ học quốc tế... ; Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản Thành Nhà Hồ.

Hình ảnh Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đang ngày càng được quảng bá rộng rãi trên thế giới, tạo nên sức hút lớn đối với du khách nước và quốc tế mỗi lần đến với Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Phát huy những thành quả và kinh nghiệm đã có, công cuộc bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đang có nhiều thuận lợi mới như sự hỗ trợ to lớn của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ và quan tâm ngày càng sâu sắc của cộng đồng, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Đồng thời mong muốn Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy chế quản lý tổng thể đối với di sản Thành Nhà Hồ, tích hợp với quy hoạch chung của địa phương nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa với yêu cầu bảo tồn bền vững giá trị di sản.

Thành Nhà Hồ là di sản được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Giống như kiến trúc Đại La và Hoàng Thành, Thành Nhà Hồ được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam-Bắc dài hơn 900m, Đông-Tây dài hơn 700m, tường thành cao trung bình từ 7-8m, bên trong ốp đất, bên ngoài có hào sâu rộng từ 20-40m, có hệ thống 4 cửa ở các mặt thành xây cuốn vòm, trong đó cổng phía Nam là cổng lớn nhất với chiều rộng tới 38m, cao 10m cùng 3 mái vòm lớn.

Nét độc đáo của Thành Nhà Hồ nằm ở chỗ nó được xây cất từ những khối đá tảng cực lớn, gọt đẽo vuông vức rồi ghép lại với nhau một cách tự nhiên. Ở nhiều đoạn tường thành có thể thấy những khối đá tảng rất lớn, dài khoảng 7m với khối lượng khoảng 20-25 tấn mỗi khối.

Thành Nhà Hồ trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.

Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Thành Nhà Hồ vẫn được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên còn hầu như nguyên vẹn.

Theo khẳng định của các nhà nghiên cứu, kỹ thuật xây dựng thành công các bức tường thành bằng đá lớn đã phát huy ảnh hưởng của nó tới kỹ thuật xây dựng nhiều tòa thành sau đó ở khu vực, nhưng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất chỉ có Thành Nhà Hồ vốn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực.

Hơn thế, đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục