Nỗ lực đưa sản phẩm cói đến với thị trường thế giới

Nhờ đam mê, nữ doanh nhân Trần Thị Liễu đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách để đưa những sản phẩm cói đến với thị trường thế giới.
Bằng niềm đam mê với nghề đan túi cói truyền thống, nữ doanh nhân Trần Thị Liễu đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách để đưa những sản phẩm từ nguyên liệu quê hương Kim Sơn (Ninh Bình) đến với thị trường thế giới.

Các sản phẩm như chiếc túi, khay, giỏ đan bằng cói đã mang lại doanh thu cho chủ doanh nghiệp này mỗi năm gần 20 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Gian nan nghề cói

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thượng Kiệm có nghề truyền thống về chiếu cói, ngay từ bé, chị Liễu đã bị cuốn hút bởi những chiếc túi được làm từ đôi bàn tay khéo léo của mẹ. Mới 6 tuổi chị đã biết đan mũ và túi. Khi lớn lên, chị được đánh giá là một trong những người đan túi, giỏ... giỏi có tiếng ở làng.

Chị Liễu nhớ lại khoảng 10 năm trước, khi chưa biết làm kinh tế biển như nuôi tôm, cua thì để có được hạt thóc, người dân không chỉ mất "chín giọt mồ hôi" mà vất vả hơn nhiều. Cây lúa chẳng lớn được vì đất nhiễm mặn. Chị chợt nghĩ đến đất hoang giáp biển và nảy sinh ý định cải tạo nó. Bảy năm liền chị ngụp lặn trong các bãi lầy ở xã Cồn Thoi. Những ngày gió bấc, lội nước đến ngang người, lạnh làm tê cứng khớp chân chị. Những ngày nắng như đổ lửa của tháng 6, tháng 7, chị vẫn trầm mình với cói.

Để có những sợi cói trắng, dệt nên những đôi chiếu óng ả, chiếc mũ xinh xinh, chị đã phải nhọc công phát sạch những lùm lau sậy ở nơi đất hoang, phải khoanh, đắp đê ngăn mặn, cày xáo, bón phân, làm cỏ. Cứ thế, một năm 2 vụ, chị Liễu quần quật trên đồng đất mà sự nghèo đói vẫn đeo đẳng như định mệnh.

Ý tưởng làm giàu đã trở thành hiện thực


Thực tế cho thấy, những sản phẩm bình dân như bị cói, cặp cói, mũ cói, làn cói... đều thiết thực với đời sống của đại bộ phận người dân. Nhạy bén với thị trường, chị Liễu bắt đầu mày mò tự đan những chiếc túi, làn đi chợ, mũ theo ý tưởng riêng của mình.

Khi đan xong, chị rong ruổi trên chiếc xe đạp tìm đến những tổ hợp sản xuất, công ty thương mại xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để giới thiệu sản phẩm nhưng đi đến đâu chị cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Không nản, chị tiếp tục tìm đến các công ty thương mại ở Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội để tìm hiểu nhu cầu khách hàng, sưu tầm những mẫu túi mà thị trường nước ngoài đang ưa chuộng sau đó nhanh chóng cải tiến, sáng tạo những kiểu túi, khay… mới, mẫu mã đẹp và màu sắc đa dạng.

Lúc đầu chị chỉ bán được năm, bảy chiếc. Cho đến ngày có một khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt lô hàng với 1.000 sản phẩm túi, làn cói.

"Tôi vui đến trào nước mắt khi nghĩ rằng suy nghĩ và công sức của mình đã được người tiêu dùng chấp nhận," chị Liễu tâm sự.

Tiếng lành vang xa, năm 2004, chị đã ký được hợp đồng với một công ty thương mại ở Hà Nội, xuất khẩu hơn 10.000 chiếc túi, giỏ cói ra nước ngoài. Chị là người đầu tiên xuất khẩu sản phẩm cói Kim Sơn ra thế giới, mở ra thị trường tiêu thụ cho nghề đan cói ở địa phương.

Năm 2005, tham gia Dự án thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ do Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ thông qua Hội phụ nữ xã Thượng Kiệm, chị Liễu đã tích lũy được nhiều kiến thức về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, đặc biệt là kiến thức khởi sự doanh nghiệp.

Những hiểu biết về quản lý doanh nghiệp, về lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, tiếp thị và quảng bá sản phẩm đã giúp chị có nhiều ý tưởng trong sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn của dự án, kết hợp vay thêm ngân hàng, chị Liễu mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn kết hợp với các sản phẩm mây tre đan trên góc độ hàng thủ công mỹ nghệ để thích nghi với thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2008, từ tổ hợp sản xuất cói thủ công, chị thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn An Sinh Dương Vân Nga. Từ đó đến nay, thông qua các lớp học, qua đội ngũ kỹ thuật viên đến tận nơi hướng dẫn, cơ sở của chị đã đào tạo hàng nghìn lao động có tay nghề.

Cùng với đó, chị trực tiếp đào tạo nghề cho phụ nữ nhiễm HIV và người khuyết tật trên địa bàn huyện. Cứ như thế, dưới sự hướng dẫn của chị, hàng trăm chị em đã thành thợ đan cói lành nghề, giúp họ quên đi mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.

Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Kim Sơn Nguyễn Thị Phương cho biết doanh nghiệp Dương Vân Nga do chị Liễu làm chủ là đơn vị đầu tiên trong xã xuất khẩu được sản phẩm cói ra thị trường thế giới, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là chị em có HIV và người khuyết tật.

Từ tấm gương của chị, Hội đã phát động phong trào thi đua sản xuất phát triển kinh tế đến tất cả các tổ chức hội trên địa bàn toàn huyện./.

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục