Nỗ lực duy trì thị trường xuất khẩu lao động

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hai tháng đầu năm nay, đã có gần 18.000 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hai tháng đầu năm nay, đã có gần 18.000 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Trong số các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam từ đầu năm đến nay, dẫn đầu là Đài Loan, tiếp đến là Hàn Quốc, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain, Arập Xêut, Nhật Bản...
 
Kết quả này là nỗ lực lớn của các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu sụt giảm do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.
 
Mặc dù vậy, mối lo về mục tiêu xuất khẩu 90.000 lao động trong năm nay vẫn là rất lớn, con số này được cho là khó khả thi. Nhất là khi mới đây, thị trường lớn nhất của Việt Nam là Malaysia đã bị thu hẹp khi Chính phủ nước này thông báo tạm dừng tiếp nhận mới đối với lao động nước ngoài trong các lĩnh vực điện, điện tử, dệt may và dịch vụ càng khiến công tác xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn hơn.
 
Trong bối cảnh này, cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động phải về nước trước thời hạn, Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đang tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nhiều triển vọng.
 
Đáng kể là bản thỏa thuận chính thức về hợp tác lao động giữa Việt Nam và UAE đã được ký kết ngày 16/2 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ UAE được coi là động lực để phá thế “đóng băng” của thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Nhận định sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại UAE, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài Đào Công Hải đánh giá đây là thị trường rất nhiều triển vọng với nhu cầu lớn và chính sách tốt đối với người lao động.
 
Tuy nhiên, để khai thác thị trường một cách hiệu quả, theo ông Hải, vấn đề quan trọng hơn cả là nâng cao chất lượng lao động bằng cách tập trung đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là những nghề có nhu cầu cao trên thị trường.
 
Hiện nay Chính phủ cũng đang xem xét để phê duyệt đề án hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại 61 huyện nghèo nhằm hỗ trợ chi phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động trước khi xuất khẩu. Thêm nữa, người lao động cũng được vay ưu đãi toàn bộ chi phí để hoàn thiện thủ tục xuất cảnh./.
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục