Nỗ lực hàn gắn hơn 30m đê bao bị vỡ tại An Giang

Lực lượng ứng cứu đê hơn 1.000 người được huy động nhằm nỗ lực hàn gắn lại đoạn đê bao bị vỡ có chiều dài hơn 30m tại xã Vĩnh Châu.
Trưa 14/10, trên kênh 10 thuộc xã Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, áp lực mạnh của nước lũ đã làm vỡ một đoạn đê bao có chiều dài hơn 30 mét, nhấn chìm 250ha lúa vụ Thu Đông đang ở trong giai đoạn 40 ngày tuổi.

Vào thời điểm đê bị vỡ, mực nước lũ bên ngoài cao hơn so với bên trong đê là hơn 2,5 mét, tạo áp lực nước tràn vào mạnh và nhanh.

Ông Trần Văn Trơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc cho biết, hiện tại lực lượng ứng cứu đê được huy động lên đến hơn 1.000 người, bao gồm sự chi viện của các lực lượng quân sự, công an và người dân địa phương với hy vọng ngày hôm nay (14/10) sẽ hàn lại được đoạn đê bị vỡ, sau đó dùng biện pháp phân tán nước cho các vùng xung quanh để có thể cứu hơn 250 hécta lúa vừa bị ngập.

Trên tuyến kênh 10 có nhiệm vụ bảo vệ toàn tuyến gần 2.200 hécta lúa vụ Thu Đông ở hai xã Vĩnh Châu và Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc). Vì vậy, nếu không ngăn được đoạn đê vừa bị vỡ này thì các diện tích lúa còn lại cũng sẽ bị nguy hiểm.

Tính đến ngày 14/10, An Giang có 12 người dân thiệt mạng, gần 6.300 hộ dân cần được hỗ trợ lương thực.

Lũ lụt đã làm sạt lở ở 21 cụm tuyến dân cư của An Giang, trong đó bảy cụm bị sạt lở nghiêm trọng (với chiều dài 6.306 mét) và bốn cụm cần khắc phục ngay; sập 25 căn nhà, ngập 18.749 căn và xiêu vẹo 11.069 căn. Số hộ cần tiếp tục di dời là 452 căn, số hộ đã di dời là 537 căn.

Nước lũ còn làm ngập 450 lò gạch và hai chợ ở huyện Chợ Mới.

Do mực nước dâng cao cộng với cơn bão số 5 đã làm ngập nhiều tuyến đê bao với tổng chiều dài hơn 450km và vỡ một số tuyến đê tổng chiều dài vỡ 282m.

Hiện nay, số hộ cần hỗ trợ lương thực trong toàn tỉnh đã tăng lên là 6.296 hộ, tập trung ở các huyện: An Phú 1.687 hộ, Chợ Mới 2.513, Tri Tôn 524 hộ và Châu Phú 1.572 hộ.

Do tình hình mực nước lũ vẫn còn cao, vượt báo động 3, nên hiện nay các địa phương đều tập trung gia cố tôn cao đê, đập, chống rò rỉ và sạt lở đê với tổng số các đoạn đê cần gia cố khoảng 1.000km.

Dự báo đến ngày 17/10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,70m (trên báo động 3 là 0,20m), trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,20m (trên báo động 3 là 0,20m).

Thời gian duy trì mực nước trên báo động 3 sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 10/2011.

Tại Long An, thiệt hại được ghi nhận đến thời điểm này là gần 6.000 nhà dân bị ngập lũ gần một tháng nay; khoảng 4.000 ao nuôi cá, 2.623ha lúa Thu Đông (vụ 3) thu hoạch chạy lũ giảm 20-30% năng suất; mất trắng gần 400ha lúa Đông Xuân sớm; gần 300km đường giao thông nông thôn bị nước lũ cuốn trôi; 250km đê bao, kênh mương bị sạt lở; 61 điểm trường bị ngập; 8 xuồng bị chìm; 3 cầu bị sập, ước thiệt hại gần 80 tỷ đồng.

Các đoàn thể ở huyện, xã đang khẩn trương phối hợp kiểm tra thiệt hại ở từng hộ gia đình để hỗ trợ cho bà con kịp thời ổn định cuộc sống.

Những hộ có nhà bị sập, tốc mái địa phương sẽ hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng để sửa chữa sau khi lũ rút xuống.

Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện quan tâm đến đời sống của dân không để bà con vùng lũ thiếu ăn, thiếu đói, thiếu thuốc phòng chữa bệnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có kế hoạch nạo vét những tuyến kênh bị sạt lở khai thông dòng chảy để kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân sau lũ.

Phòng Nông nghiệp ở huyện vùng lũ Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Đức Huệ và phía Bắc huyện Thủ Thừa phối hợp với xã kiểm tra bảo vệ hơn 18.000 tấn lúa giống chuẩn bị vụ Đông Xuân sau lũ, đảm bảo có đủ giống gieo sạ mùa vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục