Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ngày 19/9 công bố báo cáo cho thấy nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 307.000 tỷ USD trong quý 2 năm 2023, dù lãi suất tăng đã hạn chế hoạt động tín dụng ngân hàng trong khi các thị trường như Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy đà tăng.
Theo báo cáo, tổng giá trị các khoản nợ toàn cầu tính bằng đồng USD đã tăng 10.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 và 100.000 tỷ USD trong suốt thập kỷ qua.
Mức tăng mới nhất trên đã đẩy tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng quý thứ hai liên tiếp và lên mức 336%. Báo cáo nhận định tăng trưởng kinh tế giảm tốc, cùng với việc giá cả tăng chậm lại đã khiến GDP danh nghĩa tiến chậm hơn mức nợ. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ trên GDP tăng.
Báo cáo nêu rõ hơn 80% trong mức tăng mới nhất đến từ các nước phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp đóng góp mức tăng lớn nhất. Về phần các thị trường mới nổi, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil lại là những cái tên hàng đầu góp phần vào mức nợ trên.
Ông Emre Tiftik, Giám đốc Nghiên cứu về Tính Bền vững Tài chính tại IIF, cho biết tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu thực sự đã trở lại quỹ đạo đi lên sau bảy quý giảm liên tiếp. Điều này chủ yếu phản ánh tác động từ việc áp lực lạm phát đã giảm bớt.
[Tổng nợ trên toàn cầu đang quay trở lại xu hướng tăng]
IIF đánh giá với áp lực về tiền lương và giá cả đang dịu dần - ngay cả khi không nhanh như kỳ vọng - tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu dự kiến sẽ vượt 337% vào cuối năm nay.
Trong khi đó, ông Todd Martinez, một quản lý cấp cao tại Fitch Ratings - đơn vị tài trợ cho báo cáo của IIF - nêu rõ lần đầu tiên sau một thời gian dài, các thị trường mới nổi có xu hướng hoạt động tốt hơn so với các thị trường phát triển.
Ông chỉ ra các thị trường phát triển mất nhiều thời gian hơn để phục hồi vị thế tài chính sau đại dịch so với các thị trường mới nổi. Nhiều thị trường sau đó còn bị ảnh hưởng bởi cú sốc năng lượng từ xung đột tại Ukraine.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP ở các thị trường mới nổi vẫn cao hơn mức trước đại dịch COVID-19, phần lớn do Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ tương tự ở các thị trường phát triển đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ trong nửa đầu năm nay.
Trong những tháng gần đây, giới chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo về tình trạng nợ gia tăng. Xu hướng đó có thể buộc các quốc gia, doanh nghiệp và hộ gia đình phải “thắt lưng buộc bụng,” kiềm chế chi tiêu và đầu tư, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo ông Tiftik, tin tốt là gánh nặng nợ tiêu dùng dường như vẫn trong tầm kiểm soát. Nếu áp lực lạm phát vẫn kéo dài, tình hình bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình, đặc biệt là ở Mỹ, sẽ tạo ra một bước đệm đối phó với tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.
Hiện các thị trường không đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất trong tương lai gần. Nhưng mức lãi suất mục tiêu trong khoảng 5,25%-5,5% dự kiến sẽ được duy trì cho đến ít nhất là tháng 5/2024./.