Nỗi đau của người ở lại sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Moskva

Một người phụ nữ còn giữ trong điện thoại đoạn clip cha mẹ mình gửi cho con gái từ buổi hòa nhạc định mệnh. Chị không thể tin rằng hai gương mặt tươi cười trong clip đã không còn sống.

Những con sếu trắng bay lên trời dùng hiệu ứng hình ảnh, tượng trưng cho những linh hồn vô tội của các nạn nhân trong lễ tưởng niệm tại Crocus City Hall. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)
Những con sếu trắng bay lên trời dùng hiệu ứng hình ảnh, tượng trưng cho những linh hồn vô tội của các nạn nhân trong lễ tưởng niệm tại Crocus City Hall. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva (Nga) hôm 22/3 làm ít nhất 143 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Cho đến nay, hàng chục người vẫn đang mất tích. Tên họ không có trong danh sách người thương vong song người thân không liên lạc được.

Chị Lyudmila Tshukina còn giữ trong điện thoại đoạn clip mà cha mẹ mình gửi cho con gái từ buổi hòa nhạc định mệnh. Chị dứt khoát không tin rằng hai gương mặt tươi cười trong clip đã không còn sống.

Chị cho biết đã nhìn thấy hình ảnh cha mẹ trong clip của người khác quay được, và cho rằng họ đã thoát ra cùng với ai đó, song vì sao đến nay mất liên lạc thì chị không rõ. Và kể từ đó câu hỏi “Vì sao không thấy họ thoát ra?” luôn giằng xé tâm can chị.

unnamed (1).jpg
Toà nhà Crocus City Hall bị cháy rụi hoàn toàn sau vụ khủng bố. Cho đến nay chưa có thông tin chính thức về số người thiệt mạng do cháy. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Còn người thân của cả bốn người trong gia đình huấn luyện viên Aikido Sodritsovy - cha 51 tuổi, mẹ 53 tuổi, con trai 23 và con gái 28 tuổi - được xác nhận đã thiệt mạng, cho đến cùng vẫn tin vào phép màu.

Họ không dám đến nhận dạng thân nhân, sợ phải nhìn thấy cả bốn người thân yêu trong số các nạn nhân xấu số.

Họ may mắn không là nạn nhân trực tiếp của khủng bố, song rơi vào những khó khăn khác về tâm lý. Những ngày qua, số người tìm đến dịch vụ hỗ trợ tâm lý trực tuyến Alter của Nga liên quan đến vụ khủng bố tại Crocus City Hall lên tới gần 1.000 người từ hôm 22/3, tăng 25% so với tuần trước đó. Tất cả các cuộc tư vấn này đều được miễn phí.

Sợ hãi, lo lắng, hoảng hốt hay cảm giác có lỗi vì còn sống - đó chưa phải là tất cả những vấn đề mà những người này tìm đến các bác sỹ tâm lý.

Theo các chuyên gia của Alter, những người tìm trợ giúp tâm lý do bị gia tăng lo lắng, mất đi cảm giác an toàn cơ bản cũng như tình trạng sang chấn thứ phát. Đó là những người đã từng đi qua cuộc tấn công khủng bố hoặc thảm họa.

Alter cho biết họ gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch cho tương lai và có những suy nghĩ trầm cảm.

unnamed (2).jpg
Người dân mang hoa đến chính nơi xảy ra khủng bố trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vào đúng 8 giờ tối ngày 23/3/2024. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Natalie Sinitsyna, trưởng bộ phận hỗ trợ và tương tác với các nhà tâm lý học tại dịch vụ Zigmund.Online, cho biết sau vụ tấn công khủng bố, các nhân chứng của vụ khủng bố, người thân của nạn nhân và những người không thể chịu đựng được cú sốc về những gì đang xảy ra đã tìm đến họ để được giúp đỡ.

Bà cho biết tìm hỗ trợ tâm lý chủ yếu là những người từ 20-45 tuổi. Họ muốn được nói ra và tìm lối thoát cho những cảm xúc khó khăn của mình.

Trung tâm hỗ trợ tâm lý Chronos cho biết sau vụ việc, trung tâm này chứng kiến sự gia tăng những yêu cầu giúp đỡ do rối loạn giấc ngủ và ăn uống, nỗi sợ nơi đông người hoặc rơi vào tình huống tương tự.

Theo nhà tâm lý học Natalya Naumova, nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho bản thân, cho rằng lẽ ra mình có thể cứu được nhiều người hơn.

Bị dằn vặt nhất là những người không kịp cứu những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố hoặc có quan hệ gia đình với họ.

moskva_tan cong khung bo_2.jpg
Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công nhà hát trong trung tâm Crocus City Hall tại Krasnogorsk, ngoại ô Moskva (Nga), ngày 23/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà tâm lý dạy họ cách đối phó với căng thẳng cảm xúc, hỗ trợ họ cảm nhận được sức mạnh của mình và truyền niềm tin rằng họ có thể đương đầu với tình trạng khó khăn.

Chuyên gia Natalya Naumova khuyến cáo nạn nhân không nên thu mình lại, hãy quan tâm hơn đến bạn bè, gia đình và bạn bè, hãy nói ra lo lắng của mình và đừng ngần ngại yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ.

Theo bà, không chỉ giao tiếp mà cả công việc, sở thích, hoạt động thể chất cũng giúp bạn thoát khỏi trạng thái lo lắng. Chăm sóc người khác hoặc vật nuôi cũng là một cách hữu hiệu để giúp nạn nhân thoát khỏi trầm cảm.

Đồng thời, chuyên gia lưu ý rằng nếu một người cảm thấy mệt mỏi và trút lòng căm thù lên bản thân nên liên hệ ngay với bác sỹ tâm thần.

Nhân viên Sở Lao động và Bảo trợ xã hội Moskva, Bộ Tình trạng Khẩn cấp, Trung tâm Khoa học và Lâm sàng FMBA và một số tổ chức nhà nước và tư nhân đang chung tay giúp đỡ những người mất người thân trong vụ khủng bố.

Mỗi gia đình được chỉ định một nhà tâm lý học riêng, người sẽ đồng hành gia đình cho đến khi hoàn thành các biện pháp điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục