Nỗi đau thầm lặng: Liệt sỹ nào cũng vì nước, vì nhân dân

"Liệt sỹ nào cũng vì dân, vì nước cả. Điều an ủi là năm nào các cấp chính quyền cũng quan tâm, nghĩ đến những mất mát của gia đình, đến thăm hỏi, động viên" - mẹ liệt sỹ Tô Đức Nghĩa chia sẻ.
Nỗi đau thầm lặng: Liệt sỹ nào cũng vì nước, vì nhân dân ảnh 1Người dân đến viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Một sáng trung tuần tháng Bảy năm 2020, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, nơi diễn ra cuộc gặp mặt thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách, người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), có một người phụ nữ lớn tuổi ngồi lặng lẽ lần tràng hạt.

Bà là Nguyễn Kim Mai, 82 tuổi, ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mẹ của liệt sỹ Tô Đức Nghĩa - người đã hy sinh năm 1979 khi truy quét tàn quân Pol Pot, giúp người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Nhắc đến chuyện người con đã hy sinh, đôi mắt bà Nguyễn Kim Mai đỏ ậng. Những ký ức xưa cứ thế ùa về. Theo lời bà Mai, ngày anh Tô Đức Nghĩa còn nhỏ, điều kiện gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bố vào Nam chiến đấu. Mẹ đi làm ca.

Là anh cả trong nhà nên Nghĩa là người thiệt thòi, vất vả nhất, ngoài việc đi học anh còn phải tham gia làm việc nhà, chăm sóc các em giúp mẹ. “Thương nhất là cứ độ chiều chiều, sau mỗi buổi học, anh lại chạy ra cánh đồng Vĩnh Tuy gần nhà để nhặt lá bắp cải mà người dân sau khi thu hoạch bỏ lại, để đem về cho mẹ nuôi lợn. Bữa no, bữa đói mấy mẹ con có nhau,” bà Mai kể.

Đầu năm 1978, vừa vào làm công nhân Xí nghiệp xe khách Thống Nhất thì anh Tô Đức Nghĩa bất ngờ xin phép bố mẹ nhập ngũ. Những bản tin trên sóng phát thanh về tội ác diệt chủng mà bè lũ Khmer Đỏ gây ra với đồng bào ta ở một dải biên giới Tây Nam thôi thúc anh. Tô Đức Nghĩa tòng quân ngày 24 tháng 8 năm 1978 với ước nguyện “được bảo vệ Tổ quốc giống bố.”

[73 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ: Ước nguyện đau đáu của Mẹ]

Đôi mắt ngấn nước, bà Nguyễn Kim Mai kể, tin dữ dội về chỉ mấy tháng sau khi con trai bà tòng quân. Những bạn bè chiến đấu cùng anh tại Sư đoàn 339, Quân khu 9 về phép đã tới báo: Cuối năm 1978, sau khi đánh lui quân Khmer Đỏ ra khỏi tỉnh An Giang, lực lượng của Quân khu 9 tiến công vào đất Chùa Tháp để truy quét tàn quân địch tại hạ lưu sông Mê Kông, dọc biên giới Campuchia-Việt Nam.

Rạng sáng 6 tháng 1 năm 1979, Nghĩa vừa băng từ giao thông hào lên thì trúng đạn 12.8 ly của đám lính Khmer Đỏ. Anh nằm úp sấp xuống con suối gần đó. Đạn xuyên qua hai bên thái dương. Nơi túi áo ngực vẫn còn lá thư mà mẹ gửi vào cho anh.

Giấc mơ dữ đêm 7 tháng 1 năm 1979, Nghĩa về trong bộ quân phục ướt sũng, mặt loang máu đỏ và câu nói “con lội qua suối về với mẹ đây,” vốn khiến bà Mai hơn hai tháng bất an, lòng nóng như lửa đốt, linh cảm điều chẳng lành có thể đã xảy đến với con mình. Giờ, tin báo tử của anh ập đến làm bà ngất lịm trong tiếng nấc: “Con ơi…”

“Đau choáng váng tâm can, nước mắt ứa ra nhưng tôi vẫn phải nén lại để tiếp tục sống cho gia đình, vẫn phải hoàn thành tốt công việc hằng ngày ở Sở Xây dựng Hà Nội và nuôi dạy 3 đứa con nhỏ dại,” bà Mai nhớ lại.

Nghẹn ngào nhắc tới chuyện tìm kiếm hài cốt con trai mình, bà Nguyễn Kim Mai cho hay, trong tâm khảm của bà lúc nào cũng chỉ là những câu hỏi, con trai của mình ở khoảng đất nào giữa núi rừng heo hút xứ người; hay ở một nghĩa trang liệt sỹ nào đó nơi vùng biên giới Việt Nam-Campuchia. Cứ như vậy, hơn mười năm gia đình bà khắc khoải ngóng chờ được đưa con từ nước bạn về an táng tại quê hương.

Đến năm 1994, nghe tin hài cốt của con trai mình đã được quy tập, chôn cất tại một nghĩa trang ở Châu Đốc, An Giang, cùng những chiến sỹ khác của Sư đoàn 339 hy sinh tại Campuchia, bà lập tức lặn lội vào Nam tìm mộ con.

Tới Quân khu 9 tại Cần Thơ rồi từ đó đến An Giang, bà Nguyễn Kim Mai theo xe đò đến nơi chôn cất con và các đồng đội ở Sư đoàn 339. Đó là nghĩa trang nằm trong một rừng xoài ở Châu Đốc, An Giang. Các ngôi mộ liệt sỹ có tên và chưa có thông tin nằm xen nhau trong những khoảnh đất dưới gốc xoài.

Hôm ấy độ 3 giờ chiều, bà Mai với cậu con rể và người lái xe tốt bụng chia làm ba ngả đi tìm. Bà cứ lần lượt từ ngôi mộ bên này bước qua ngôi mộ bên kia, vừa bước vừa khấn, vừa kính cẩn thắp nén hương lên mỗi ngôi mộ, cầu mong tìm thấy con. “Trời xẩm tối thì chân tôi bỗng khựng lại cứ như có ai đó giữ. Nhìn xuống thì đúng dưới chân mình là ngôi mộ có tấm bia mang dòng chữ Liệt sỹ Tô Đức Nghĩa. Mộ con tôi nằm giữa hai ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Tôi nấc lên gọi: Con ơi, con đây rồi!” - bà Mai nhớ lại.

“Hôm ấy, chúng tôi đào xuống mộ theo kiểu hàm ếch. Sau nhát xẻng đầu tiên thì gió chợt nổi lên to lắm, như bão ấy. Nhấc các viên gạch trên tiểu ra thì phía dưới là bọc ni lông hài cốt con. Tôi vừa bê bọc nylon lên thì trời đổ mưa tầm tã…” - bà Mai kể.

Bình tâm nói đến sự mất mát, hy sinh thầm lặng của những người Mẹ Việt Nam khi hiến dâng con mình cho Tổ quốc, bà Nguyễn Kim Mai chỉ thở dài rồi nói khẽ rằng, nỗi đau của bà cũng giống như nhiều triệu bà mẹ và những gia đình khác trên khắp cả nước.

“Mất con thì thương nhớ, xót xa cho con lắm, nhưng vì dân, vì nước biết làm sao được. Liệt sỹ nào cũng vì dân, vì nước cả. Điều an ủi là năm nào các cấp chính quyền cũng quan tâm, nghĩ đến những mất mát của gia đình, đến thăm hỏi, động viên,” bà Mai nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục