Nỗi “đong nước mắt, đượm nụ cười” của doanh nghiệp cho người yếu thế

Doanh nhân là 'một nhóm từ' chỉ cần nghe đến thôi, người ta đã nghĩ ngay đến những người chủ động về tiền bạc và quyền lực, tuy nhiên có dấn thân vào 'nghiệp' mới thấy hết gian truân.
Nỗi “đong nước mắt, đượm nụ cười” của doanh nghiệp cho người yếu thế ảnh 1Doanh nghiệp kinh doanh với mục đích giúp các đối tượng yếu thế là các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ và thanh thiếu niên nghèo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thường cứ nghe đến hai chữ "Doanh nhân" là người ta nghĩ ngay đến những người chủ động về tiền bạc, quyền lực, những người thuộc về tầng lớp giàu có, sang trọng và năng động.

Tuy nhiên chỉ có những người dấn thân vào “nghiệp” mới biết hết và nếm trải được những gian truân, đoạn trường. Và, với những doanh nhân lựa chọn đi chung đường cùng người yếu thế, “nước mắt” họ sẽ còn nhiều hơn nhưng bù lại khi có được thành công, đến với họ không chỉ là tiền bạc, là giá trị vật chất đơn thuần...

Giá trị nằm trong “sự bất lợi”

Trong đời sống, chỉ cần “nghĩ khác biệt” đi một chút là cơ hội kinh doanh có thể đến. Và cái nghĩ khác biệt đó, nếu lại vì cộng đồng, đặt quyền lợi của cái chung, của người khác lên cao nhất thì "cơ hội" mở ra là vô hạn.

Một trong những ví dụ, đó là thành công của Công ty Phát triển Nông nghiệp và tư vấn Môi trường – DACE. Năm năm trước, một nhóm kỹ sư trẻ đã chọn cho mình một hướng đi mới khi họ lấy địa bàn vùng sâu, vùng xa, heo hút và giao thông bất tiện vốn là nơi sinh sống của đồng bào nghèo, điều kiện kinh tế chật vật, khó khăn làm địa bàn kinh doanh.

Với mục tiêu đưa những sản vật của rừng, những nông sản quen thuộc và rất đỗi bình thường như  quế, hồi, gừng, ớt, nghệ, tỏi, xả...thành vùng nguyên liệu hữu cơ “quý” thuận tự nhiên để cung cấp nguyên liệu giúp "gia vị Việt chinh phục bàn ăn thế giới,"  giờ đây DACE đã thực sự thành công.

Những gia vị của vùng núi phía Bắc, Việt Nam đã nằm trong tay các đầu bếp trên thế giới và góp phần làm cho những món ăn thượng hạng trở nên giá trị hơn cả về “tinh thần.”

Nỗi “đong nước mắt, đượm nụ cười” của doanh nghiệp cho người yếu thế ảnh 2Các mặt hàng gia vị của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước. (Ảnh: DACE)

Một sản phẩm khác "Bơ Dakado" dưới sự chuyển giao kỹ thuật từ Sở khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lắk và sự cung ứng giống cùng bao tiêu của Công ty Thu Nhơn, bà con dân tộc thiểu số Êdê và những hộ nông dân nhỏ trong Tỉnh giờ đây có quyền tự hào về thương hiệu “Bơ Dakado” đã được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Hơn 114 ha bơ được liên minh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã mang về cho nhà vườn thu nhập cao hơn khoảng 20% so thị trường thương lái truyền thống với thu nhập bình quân đạt từ 300 triệu đồng – 400 triệu đồng/ha bơ.

Tại Đồng bằng sông Cửu long, một nhóm các chuyên gia công nghệ sinh học và vi sinh thổ nhưỡng quyết định dấn thân vào sự nghiệp “ông chủ” với những sản phẩm vi sinh an toàn trong sản xuất nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản (Công ty Vua vi sinh và Công ty Đại Thuận Thiên)... Để rồi, cùng với thời gian, với cái tâm của người kinh doanh, các loại nông sản đặc sản nơi đây như cam, xoài, vú sữa, sầu riêng, ổi, bưởi… đã lấy được lòng tin của những nhà cung cấp khó tính (các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn) trên cả nước và thế giới.

Những ví dụ trên cho thấy, ở đâu đó trên khắp mọi miền đất nước, vẫn có nhiều nhà khoa học, nhà kinh doanh đã biết cách chắt chiu và tận dụng những lợi thế địa phương để tạo ra các lợi ích kinh tế cho bản thân cũng như cộng đồng. Họ - những doanh nhân bắt đầu nghiệp kinh doanh như một nhu cầu tự thân nhưng đã nhận thấy  'cái khôn"  tiềm tàng ở trong cái khó và dũng cảm chọn con đường phát triển lợi ích kinh tế cho mình bằng song hành cùng người lao động yếu thế, mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho họ... Những đóng góp của các doanh nghiệp này, dù nhỏ, nhưng vô cùng ý nghĩa, mà chỉ có thể duy trì phát triển với trách nhiệm và tâm của người luôn lấy cộng đồng làm mục tiêu.

Với Dự án “Đưa gia vị Việt chinh phục bàn ăn thế giới,” DACE đã giúp 500 nông hộ (100% người dân tộc thiểu số Nùng, Tày, Mông) chuyển đổi loại cây trồng sinh kế truyền thống là ngô sang sản xuất nông sản có giá trị cao bằng kỹ thuật canh tác hữu cơ.  Nhờ đó, người dân này đã thoát khỏi đói nghèo và từng bước duy trì thu nhập ổn định khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Nỗi “đong nước mắt, đượm nụ cười” của doanh nghiệp cho người yếu thế ảnh 3Sầu riêng Việt Nam có chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. (Ảnh: ĐTT)

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Phó Giám đốc quốc gia Oxfam nhớ lại, vào năm 2012, nội bộ của Oxfam đưa ra quyết định thực hiện ý tưởng “Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển” [doanh nghiệp kinh doanh với mục đích giúp các đối tượng yếu thế là các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ  và thanh thiếu niên nghèo] song tất cả còn rất nhiều hoang mang và thiếu niềm tin. Kết quả chỉ đại diện của 4 quốc gia trong đó có Việt Nam đứng ra nhận thử nghiệm kế hoạch này.

“Thời gian đó, bối cảnh kinh tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới rất khó khăn, mặc dù số lượng doanh nghiệp ra đời nhiều song không bằng số lượng doanh nghiệp bị phá sản hoặc đóng cửa. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy, đâu đó ngay ở Việt Nam đã có mô hình kinh doanh như vậy. Và, mặc dù quy mô kinh doanh của họ rất nhỏ nhưng cơ hội và tiềm năng là rất lớn,” bà Lê Hoa nói.

Triết lý: Cho trước nhận sau...

Kinh doanh vốn đã nhiều thách thức, nhưng chọn chung đường với người nghèo, người yếu thế còn gian nan hơn nhiều. Điều đầu tiên đó là tư tưởng kinh doanh của bà con vốn thời vụ và không theo quy trình. Vốn tưởng ký được hợp đồng với đối tác, có đầu ra là mừng, song chỉ cần thương lái trả giá cao hơn một chút, người dân có thể “xóa bỏ cam kết” khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp.

Ông Nguyễn Hoàng Cung, Sáng lập viên Công ty Vua vi sinh và Công ty Đại Thuận Thiên cho biết, “một thất bại mà chắc nhiều doanh nghiệp trong ngành khi làm việc với người nông dân nghèo yếu thế dễ gặp phải, là khi nguồn cung trên thị trường hạn chế, nông sản được giá, các đối thủ bên ngoài bằng mọi cách chèo kéo nguồn hàng với các mức giá chỉ cao hơn một chút.”

Tương tự, Chị Phạm Thị Thủy, Phó giám đốc DACE cũng cho biết, Công ty cũng từng gặp phải sự cạnh tranh từ phía các thương lái bên kia biên giới. Hơn nữa, việc thu mua nông sản với đồng bào dân tộc không dễ dàng gì do bất đồng ngôn ngữ, đi đâu cũng phải cần phiên dịch.

“Người dân thường có tính cam kết thấp nên có trường hợp thu mua nông sản về đến nơi tập kết, mở ra bên trong trộn lẫn không ít đá, sỏi. Và, khó khăn khác là địa hình đi lại. Có lần, bà con gọi điện thông báo nông sản đã được thu hoạch. Song vào mùa mưa, những con đường từ trên núi xuống thị trấn ngập trong bùn đất, xe máy không đi nổi nói gì đến ô tô. Sản phẩm để quá lâu không được thu gom về kho chắc chắn sẽ bị hỏng,” chị Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên sau đi một chặng đường dài đi cùng người nông dân, các doanh nhân này cũng đã tìm ra được những giải pháp. Đó là tính gắn kết giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền địa phương, với cộng đồng dân cư sinh sống.

Chị Thủy cho biết, doanh nghiệp của chị đã thay đổi cách thu mua nông sản. Họ nhờ chính quyền giới thiệu những cá nhân có uy tín với bà con nhận ủy thác doanh nghiệp tập kết nguyên liệu. Người dân sống trong cộng đồng thông thạo ngôn ngữ, tập quán, tính cách… nên việc thu gom sản phẩm đã diễn ra rất thuận lợi. Thêm vào đó, doanh nghiệp đã giải quyết được làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương đồng thời giảm chi phí khi không phải cử nhân viên từ Hà Nội lên vùng cao công tác trong thời gian dài.

Nỗi “đong nước mắt, đượm nụ cười” của doanh nghiệp cho người yếu thế ảnh 4Doanh nhân tham dự các khóa đào tạo tại Dự án EFD. (Ảnh: CSIP)

Về điều này, anh Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty Thủy sản Vạn phần Diễm Châu (doanh nghiệp vận hành 70 năm cùng  người nông dân) cũng có chung kinh nghiệm, “đồng hành với người thu nhập thấp, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thường rất khó khăn. Người nông dân nghèo và yếu thế, kiến thức chế biến sản xuất lạc hậu và không có sự chủ động, do đó doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và đi cùng người nông dân phải ‘cho ra trước và nhận về sau’.

Người nông dân cũng rất trọng tình nghĩa, khi doanh nghiệp đầu tư và người dân nhận được cái lợi, họ sẽ tạo điều kiện và giữ tín với doanh nghiệp. Nhưng trước hết, doanh nghiệp phải tin tưởng và phối hợp với chính quyền địa phương, những điều có lợi cho người dân sẽ luôn được ủng hộ. Và, khi người nông dân được cung cấp kiến thức, kỹ thuật canh tác tạo thu nhập cao gấp hai, ba lần trước đó, người dân sẽ rất tự tin và sẵn sàng phối hợp cùng doanh nghiệp.”

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn luôn đến từ nhiều phía, khi không đủ năng lực và sản lượng, không có đủ kỹ năng tiếp cận và đàm phán với các đối tác uy tín, do đó phải hợp tác kinh doanh với các nhà buôn nhỏ. Trong trường hợp được mùa, giá nông sản giảm mạnh, các nhà buôn thường quay ra ép giá, thậm chí là bỏ mối.

“Sự thất tín từ đối tác là thất bại lớn của chúng tôi trong giai đoạn đầu kinh doanh. Sau bài học đó, chúng tôi lựa chọn đối tác lớn, có uy tín. Đối tác nước ngoài cũng biết, để kiếm được một nguồn cung cấp nông sản chất lượng đảm bảo rất khó. Chính bài học thất bại từ sự thất tín của đối tác, chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Khi chúng ta tự tin vào sản phẩm, chúng ta có quyền lựa chọn đối tác mà chúng tôi có thể gửi gắn, để lòng tin của người nông dân với chúng tôi được bền vững,” ông Cung nói.

Với kinh nghiệm từ quá trình làm việc thực tế với các doanh nghiệp, bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng – CSIP cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ chịu áp lực từ phía thị trường mà còn gặp thách thức rất lớn đến từ chính năng lực nội tại. Đa phần các doanh nghiệp thiếu vắng  những cơ hội tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn quản trị chuyên nghiệp, chuyên sâu trong khi luôn đối mặt với những khó khăn từ quản lý điều hành đến chiến lược tới thực thi.

Do đó, CSIP và Tổ chức Oxfam đã đồng hành tổ chức Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển”- EFD với việc nâng cao năng lực quản trị và phát triển đội ngũ lãnh đạo đồng thời kết nỗi chuỗi giá trị của doanh nghiệp, từ đó kéo theo những lợi ích bền vững cho những người có thu thấp khi tham gia hoặc liên kết với chuỗi đó.

Kết quả sau 3 năm, nhóm các doanh nghiệp tham gia vào Dự án đã tại đã tạo ra 1.421 một việc làm thường xuyên, 1.906 lao động thời vụ, trong đó 77% là lao động nữ tại các địa phương.

“Hoạt động kinh doanh của họ góp phần tạo sinh kế ổn định, thu nhập bền vững cho các nông hộ tham gia trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, thông qua những hợp đồng cam kết bao tiêu, thu mua sản phẩm thường xuyên cho 18.355 hộ nông dân và thu mua theo mùa vụ với 5.698 hộ,” bà Oanh hồ hởi cho biết.

Nhìn nụ cười và ánh mắt đầy phấn khởi, hạnh phúc của người nữ doanh nhân này, cũng như nhiều doanh nghiệp đã đang chọn song hành cùng bà con vùng sâu, vùng xa, chọn địa bàn "xương xẩu" để cùng tiến, thật đáng cảm phục và trân trọng. Đó là thành công không chỉ là tiền bạc mà lớn hơn, nó chuyên chở những giá trị nhân văn vô cùng to lớn, đóng góp và sự đổi mới của đời sống kinh tế cộng đồng, của nền kinh tế nước nhà, nhỏ thôi nhưng vô cùng quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục