Nối lại đàm phán NAFTA có giúp Mỹ và Canada tháo gỡ bất đồng?

Theo ông Ron Wyden, "Tổng thống cần nghiên cứu lại Hiến pháp bởi nó đã trao cho quốc hội thẩm quyền về thương mại. Tổng thống không thể rút Mỹ ra khỏi NAFTA mà không có sự cho phép của quốc hội."
Nối lại đàm phán NAFTA có giúp Mỹ và Canada tháo gỡ bất đồng? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Nguồn: AFP)

Trang mạng thehill.com đưa tin Mỹ và Canada đã nối lại các cuộc đàm phán để "chốt" những chi tiết cuối cùng của bản Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi trước thời hạn chót là cuối tháng Chín này.

Hai đối tác thương mại lớn này đã cùng nhau nỗ lực trong suốt tuần qua để giải quyết những vấn đề hóc búa nhất, như việc Mỹ được quyền tiếp cận nhiều hơn vào thị trường sữa của Canada, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và những quy tắc giải quyết tranh chấp.

Trước cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã nói với các phóng viên rằng Mỹ và Canada đã nỗ lực đàm phán trong cả những ngày nghỉ và bà đang trông đợi hai bên sẽ có những cuộc đàm phán mang tính xây dựng.

Về mối lo ngại rằng Canada đã bị "tụt hậu" trong tiến trình đàm phán về một NAFTA được sửa đổi, bà Chrystia Freeland khẳng định: "Chúng tôi đã quay trở lại."

Bất chấp sự lạc quan của dư luận chung, các nhà thương lượng vẫn đang phải đối mặt với một nhiệm vụ hết sức khó khăn trước mắt.

[Liệu Canada có đang bị cô lập ngay tại chính khu vực "sân nhà"?]

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đều đã xác định rõ quan điểm của riêng mình, và điều này đã làm gia tăng bầu không khí căng thẳng trên bàn đàm phán vừa được nối lại ngày 29/8 vừa qua sau 5 tuần gián đoạn.

Ông Trump đã chơi một canh bạc lớn khi nỗ lực đạt được một thỏa thuận riêng với Mexico với hy vọng sẽ buộc Canada phải đồng ý.

Tuần trước, ông Trump đã thông báo trước quốc hội Mỹ về kế hoạch ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Mexico để thay thế cho NAFTA.

Ông đã bất ngờ đả kích Canada sau khi các cuộc đàm phán hồi tuần trước không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Ông đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng "không có lý do chính trị nào để giữ Canada trong một NAFTA mới. Nếu chúng ta không có được một thỏa thuận thương mại công bằng cho nước Mỹ sau nhiều thập kỷ bị lạm dụng thì Canada sẽ bị gạt ra ngoài."

Nối lại đàm phán NAFTA có giúp Mỹ và Canada tháo gỡ bất đồng? ảnh 2Ngày 27/8, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi, tập trung vào các quy định liên quan đến ngành ôtô vốn là một vấn đề gây bất đồng lớn. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông cũng nhắc lại quan điểm này tại Nhà Trắng hôm 29/8 khi nói rằng Canada và "các quốc gia khác đã được hưởng lợi từ Mỹ trong nhiều năm qua". Ông còn gọi NAFTA là một "thỏa thuận hết sức xuẩn ngốc."

Tuy nhiên, chính quyền Trudeau cũng đã phản ứng và khẳng định rằng Canada sẽ không chịu bất cứ sức ép nào để tham gia thỏa thuận này.

Trả lời phỏng vấn của đài Alberta hôm 29/8 vừa qua, ông Trudeau đã thể hiện một lập trường cứng rắn khi nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực hết mình để đạt được một thỏa thuận đúng đắn tại bàn đàm phán nhưng chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận đặt bút ký vào một thỏa thuận tồi chỉ bởi tổng thống Mỹ muốn như vậy. Chúng tôi sẽ rời bàn đàm phán và không bao giờ ký kết một thỏa thuận không có lợi cho người dân Canada."

Ông Trump có thể phải đương đầu với sự phản kháng từ quốc hội vốn dường như không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà không có đủ ba thành viên khu vực là Mỹ, Canada và Mexico.

Cũng trong ngày 29/8 vừa qua, ông Trump đã cảnh báo rằng quốc hội không nên "cản trở" các cuộc đàm phán đồng thời khẳng định ông có thể kết thúc NAFTA một cách đơn giản và nhanh chóng và nước Mỹ sẽ trở nên tốt hơn.

Trong khi đó quốc hội Mỹ muốn các điều luật trong thỏa thuận phải cho phép thúc đẩy thương mại. Nếu chính quyền Trump đáp ứng được những mục tiêu của quốc hội đối với một thỏa thuận thương mại thì cơ quan lập pháp này có thể nhanh chóng phê chuẩn một NAFTA mới.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng loạt vấn đề phức tạp trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada.

Ông Trudeau ngày 29/8 vừa qua đã nhấn mạnh rằng Canada sẽ nỗ lực để duy trì tiến trình giải quyết bất đồng trong thỏa thuận, các điều khoản mà Mỹ muốn bỏ qua.

Việc giải quyết bất đồng có thể mang lại cho Ottawa khả năng thách thức thuế của Mỹ và đảm bảo rằng Canada duy trì được một số đặc trưng về văn hóa, các ngành nghề kinh doanh hoặc nghệ thuật vốn được coi là một phần bản sắc của đất nước này.

Ông Trudeau nhấn mạnh rằng "Chúng tôi cần phải giữ lại Chương 19 về Giải quyết tranh chấp bởi điều này đảm bảo rằng những quy định trên thực tế đã được tuân thủ. Chúng ta đang phải đối phó với một vị tổng thống chưa bao giờ tuân thủ những quy định do chính họ đặt ra."

Phát biểu trong buổi họp báo giữa giờ, bà Freeland đã nhấn mạnh rằng Canada sẽ giữ vững bản sắc quốc gia trong các lĩnh vực như truyền thông.

Ông Trudeau coi những đặc trưng văn hóa là một lằn ranh đỏ và phải được đề cập trong bất kỳ thỏa thuận mới nào."

Một chủ đề nóng khác là vấn đề các sản phẩm sữa. Ông Trudeau nhấn mạnh rằng Canada đã thể hiện sự linh hoạt về vấn đề các sản phẩm sữa trong các thỏa thuận thương mại khác và sẽ có những biện pháp thích hợp với "đối tác thương mại gần gũi" của mình.

Ở Mỹ, giới doanh nghiệp, nông dân, nghiệp đoàn và quốc hội khăng khăng cho rằng phải có một thỏa thuận thương mại ba bên.

Thomas Donohue, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ, nhấn mạnh: "Nếu loại bỏ một trong ba thành viên của thỏa thuận này thì sẽ phá vỡ tất cả và đó sẽ là một tin xấu đối với giới kinh doanh Mỹ, cho việc làm của người Mỹ và cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Bất cứ một thỏa thuận nào không phải là thỏa thuận ba bên đều sẽ không có được sự phê chuẩn của quốc hội và cũng không nhận được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp."

Thượng nghị sỹ Ron Wyden (D-Ore.), thành viên của Ủy ban tài chính thượng viện phụ trách thương mại với nước ngoài, mới đây đã nói rằng tổng thống không thể đơn phương rút khỏi NAFTA, điều mà ông Trump liên tục đe dọa thực hiện.

Theo ông Ron Wyden (D-Ore.), "Tổng thống cần nghiên cứu lại Hiến pháp bởi nó đã trao cho quốc hội thẩm quyền về thương mại. Tổng thống không thể rút Mỹ ra khỏi NAFTA mà không có sự cho phép của quốc hội"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục