Giá dầu châu Á đi xuống trong sáng 4/7 do lo ngại về suy thoái toàn cầu đè nặng lên tâm lý thị trường, ngay cả khi nguồn cung vẫn eo hẹp trong bối cảnh nhiều bất lợi.
Giá dầu Brent giao tháng 9/2022 giảm 36 xu Mỹ (tương đương 0,3%) xuống 111,27 USD/thùng vào lúc 10h sáng ngày 4/7 (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2022 giảm 34 xu Mỹ (0,3%) xuống 108,09 USD/thùng.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết những lo ngại về suy thoái là yếu tố chính kìm hãm đà tăng của giá dầu. Tỷ giá tăng và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã làm giảm triển vọng nhu cầu nhiên liệu, trong khi báo cáo cho thấy công suất nhà máy lọc dầu của Mỹ đã được cải thiện.
Chuyên gia này cũng lưu ý việc đồng USD mạnh cũng làm suy yếu thị trường hàng hóa chung, bao gồm cả giá dầu thô.
Dù vậy, những lo ngại về nguồn cung dầu vẫn còn và giúp ngăn giá “vàng đen” giảm mạnh hơn.
[Giá dầu châu Á phiên 1/7 giảm do lo ngại kinh tế suy thoái]
Sản lượng của 10 thành viên thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng Sáu giảm 100.000 thùng/ngày xuống 28,52 triệu thùng/ngày. Mức giảm này ngược lại hoàn toàn cam kết tăng sản lượng của khối.
Các nhà phân tích của công ty tư vấn tài chính ANZ Research cho biết, sự sụt giảm sản lượng ở Nigeria và Libya đã bù đắp cho sự gia tăng của Saudi Arabia và các nhà sản xuất lớn khác.
Cùng với đó, Libya đang đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung gia tăng do tình hình bất ổn chính trị leo thang. Những yếu tố này kết hợp khiến khả năng OPEC đáp ứng hạn ngạch sản xuất mới của mình càng khó xảy ra.
Giới giao dịch sẽ theo dõi giá bán chính thức cho tháng Tám của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia, từ đó tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy thị trường đang bị thắt chặt ra sao.
Một yếu tố khác cũng đe dọa nguồn cung dầu toàn cầu là cuộc đình công của các công nhân dầu khí Na Uy trong tuần này. Cuộc đình công dự kiến có thể làm sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Na Uy khoảng 130.000 thùng/ngày./.