Nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu không còn mặn mà với ca cao

Người nông dân không nên chạy theo phong trào chặt bỏ cây ca cao vì không phải năm nào ca cao cũng mất mùa, xuống giá. 

Cây ca cao đã được trồng ở một số huyện như Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là vùng đất được các chuyên gia nước ngoài đánh giá có chất lượng hạt ca cao tốt nhất của Việt Nam. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cây ca cao bị sâu bệnh nhiều, cho năng suất kém, giá cả không ổn định đã khiến nhiều người nông dân có ý định phá bỏ loại cây trồng này.

Mới chỉ trồng ca cao trong vòng bốn năm nay nhưng ông Bùi Văn Hiên ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cũng đang có ý định sẽ chặt bỏ 1ha ca cao trồng xen canh dưới tán điều.

Ông Hiên cho biết, khi xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì gia đình ông đã đăng ký trồng 1ha xen canh. Tuy nhiên, đến nay cây ca cao phát triển èo uột, số cây cho trái rất ít và những cây cho trái thì bị sâu đục hư hết nên sắp tới, ông sẽ chặt bỏ cả điều lẫn ca cao để trồng tiêu.

Còn ông Tăng Văn Sơn, ấp Liên Đức, xã Xà Bang cùng huyện Châu Đức trồng ca cao được gần bảy năm nay, với diện tích 1ha xen canh với càphê. Những năm đầu cây ca cao cho thu hoạch khá, đạt khoảng 4-5 tạ hạt ca cao khô, nhưng đến năm ngoái và năm nay thì trái bắt đầu bị sâu đục thối gần như hết vườn.

Ông đã chặt bỏ hơn 100 cây và cũng đang có ý định chặt hết vườn ca cao này để trồng càphê.

Theo ông Sơn, do cây ca cao cho trái quanh năm, nếu bình thường mỗi đợt thu hoạch vườn nhà ông nhiều lắm cũng chỉ được 20kg hạt ca cao khô nhưng do thu hoạch lắt nhắt nên khiến ông nản.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh hiện có khoảng 3.200ha trồng ca cao nhưng từ đầu năm đến nay đã có 600 ha cây ca cao bị người dân đốn chặt do không có năng suất, sâu bệnh nhiều.

Thực tế sản xuất cho thấy, số nông dân trồng và chăm sóc cây ca cao đúng kỹ thuật không nhiều. Một số nông dân xem đây là cây xen canh, ít đầu tư công chăm sóc nên năng suất, hiệu quả thấp. Hiện tại, đa số người trồng ca cao ở đây đang gặp khá nhiều khó khăn ở khâu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ca cao.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Thành Đạt - công ty chuyên thu mua ca cao để xuất khẩu bán sang Mỹ và Hà Lan cho rằng, người nông dân không nên chạy theo phong trào chặt bỏ cây ca cao vì không phải năm nào ca cao cũng mất mùa, xuống giá.

Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm ca cao cũng thuận lợi do nhu cầu của thị trường thế giới khá ổn định. Hiện nay, giá của hạt ca cao đang nhích dần lên và đây là tín hiệu vui cho người nông dân trồng cây ca cao.

Trước tình trạng nhiều diện tích ca cao bị sâu đục trái khiến trái thối, rụng, ông Thành chia sẻ kinh nghiệm, đó là trong đầu mùa mưa bà con nên tỉa cành ca cao, khống chế độ cao của cây khoảng 3m để tạo thông thoáng cho vườn cây và lấy ánh nắng; không cho cây ca cao giao tán quá dày.

Nếu để cây quá cao, cành cây giao tán quá nhiều khi vào mùa mưa vườn cây sẽ không đón được ánh nắng, độ ẩm cao dẫn tới cây bị sâu bệnh rất nhiều, nhất là sâu đục trái và bọ xít muỗi tấn công.

Ông Thành cũng cho biết: nếu thấy chớm có hiện tượng sâu đục trái gây thối thì ngay lập tức phải xử lý bằng cách ngắt bỏ những trái thối và đem vứt cách xa vườn tránh bị lây lan sang các cây bên cạnh do thời tiết mưa, gió khiến sâu bệnh phát tán khắp vườn.

Việc trồng xen canh cây ca cao và các loại cây trồng khác nếu làm đúng kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng tốt vườn ca cao cũng sẽ rất năng suất và ít sâu bệnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục