Nông dân Pháp phong tỏa thành phố Vannes đòi tăng giá nông sản

Ngay từ 6 giờ sáng, hàng trăm nông dân đã dùng xe máy kéo, đổ rơm rạ và phân bón chặn các tuyến đường dẫn vào thành phố Vannes.
Nông dân Pháp phong tỏa thành phố Vannes đòi tăng giá nông sản ảnh 1Nông dân Pháp phong tỏa tuyến đường ở Le Mans, tây bắc nước Pháp ngày 27/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/2 được gọi là “ngày thứ Hai đen tối” khi hàng trăm nông dân Pháp, thành viên của Liên hiệp các tổ chức công đoàn nông dân (FDSEA), phong tỏa thành phố Vannes, nằm ở bờ biển phía Nam vùng Bretagne (phía Bắc nước Pháp), nhằm gây sức ép lên Chính phủ Pháp và đòi tăng giá nông sản.

Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc họp bộ trưởng nông nghiệp các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, để thảo luận các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng dư thừa các sản phẩm nông nghiệp.

Ngay từ 6 giờ sáng, nông dân đã dùng xe máy kéo, đổ rơm rạ và phân bón chặn các tuyến đường dẫn vào thành phố Vannes.

Cuộc biểu tình đã kéo dài đến tận gần 19 giờ. Trước đó, vào khoảng 16 giờ, những người nông dân tham gia biểu tình đã nhóm họp và nhất trí tiếp tục biểu tình vào ngày 17/2 tại thành phố Rennes, thuộc phía Đông vùng Bretagne.

Cũng trong ngày 15/2, các cuộc biểu tình với quy mô nhỏ hơn đã diễn ra tại nhiều địa điểm như Quimperlé, Rostrenen, Créhen và Caen thuộc các tỉnh khác nhau của hai vùng Bretagne và Normandie - những vùng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp.

Từ đầu năm 2016 đến nay, nông dân Pháp vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình nhằm biểu thị sự tức giận đối với chính phủ trước việc giá nông sản lao dốc khiến người nông dân ngập trong nợ nần, nhiều trang trại bị phá sản.

Theo họ, các biện pháp được Chính phủ Pháp áp dụng thời gian qua là không đủ và chưa đem lại kết quả.

Phát biểu ngày 15/2 tại Brussels trong khuôn khổ cuộc họp của các bộ trưởng nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Le Foll cho rằng cần áp đặt các công cụ điều tiết nhằm hỗ trợ người nông dân, bởi vì cuộc khủng hoảng nông nghiệp đã diễn ra trong một thời gian dài và vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban châu Âu (EC), Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp đã đề nghị áp dụng mức giá sữa cao hơn được đảm bảo bởi EU, đồng thời chấm dứt lệnh cấm vận đối với Nga và tiến hành việc ghi nhãn xuất xứ đối với các sản phẩm thịt chế biến.

Theo ông, lệnh cấm vận Nga đang góp phần đáng kể vào việc giảm giá nông sản. Ông cũng tố cáo việc tăng sản lượng sữa làm tăng áp lực giảm phát tại các nước trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Về phần mình, Tổng thống Pháp François Hollande cam kết rằng chính phủ sẽ đề xuất với EC một số sáng kiến, trong đó có việc xây dựng các kho dự trữ các sản phẩm nông nghiệp để làm giảm tình trạng sản xuất dư thừa sữa và thịt lợn.

Theo kế hoạch, Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Phil Hogan sẽ có mặt tại Paris vào ngày 25/2 sắp tới để thảo luận về các đề xuất của Pháp nhằm giúp ngành nông nghiệp thoát khỏi khủng hoảng.

Hồi tháng 9/2015, EU đã chi 500 triệu euro từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ nông dân, trong đó Pháp được nhận 63 triệu euro. Mặc dù vậy, giá nông sản của Pháp vẫn tiếp tục sụt giảm.

Kể từ khi châu Âu dỡ bỏ hạn ngạch sản xuất sữa vào ngày 1/4/2015 sau 30 năm duy trì, một số nước châu Âu bắt đầu sản xuất và cung ứng dư thừa sữa. Pháp là nước chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng như Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha…

Trước tình hình đó, nhiều tổ chức công đoàn của nông dân Pháp yêu cầu triển khai quỹ dự phòng nông nghiệp với số vốn ban đầu là 100 triệu euro, trong khi Ủy ban châu Âu yêu cầu Pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất sữa và chăn nuôi lợn.

Theo báo chí Pháp, vào ngày 17/2, Thủ tướng Pháp Manuel Valls sẽ thông báo các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đối với nông dân. Mặc dù vậy, nông dân Pháp vẫn lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục