Nông sản ổn định kim ngạch xuất khẩu nhờ được giá

Khối lượng xuất khẩu một số nông sản tiếp tục giảm, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn đạt mức tăng cao so với năm trước do giá cao.
Những khó khăn về điều kiện thời tiết dẫn tới hạn chế về nguồn cung nguyên liệu đã khiến Trung tâm Tin học và Thống kê - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản những tháng cuối năm sẽ được giữ vững nhờ giá.

Với mặt hàng càphê, khối lượng xuất khẩu tiếp tục giảm tương đối mạnh trong tháng Chín đã làm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu càphê của Việt Nam bị chậm lại. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu càphê vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với năm trước do giá xuất khẩu cao.

Giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đạt trên 2.200 USD/tấn, tăng 53% so với mức giá xuất khẩu bình quân cùng kỳ năm ngoái. Mười tháng qua, xuất khẩu càphê đạt 608.000 tấn với trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng và 57,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2010.

Theo ước tính của Hiệp hội càphê cacao Việt Nam, tổng sản lượng càphê của Việt Nam trong niên vụ 2011-2012 sẽ giảm 10% so với niên vụ trước. Dự báo khối lượng càphê xuất khẩu trong năm 2011 ở mức gần 1,19 triệu tấn, với giá trị đạt 2,5 tỷ USD.

[Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 21 tỷ USD]

Riêng hồ tiêu vẫn thể hiện là mặt hàng có thế mạnh tăng trưởng về giá trị. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay cả nước đã xuất khẩu gần 13.000 tấn hồ tiêu các loại với tổng giá trị xuất khẩu đạt 650,8 triệu USD, tăng gần 12% về lượng và tới 88% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam tăng trưởng cả về khối lượng và kim ngạch, đặc biệt là thị trường Ai Cập, Tây Ban Nha và Singapore có mức tăng 70-120% về lượng và hơn 200% về giá trị. Ước tính khối lượng hồ tiêu xuất khẩu năm 2011 của Việt Nam ở mức gần 139.000 tấn với trị giá hơn 864 triệu USD.

Về thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2011 đạt 4,9 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tại các thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản đều có sự tăng trưởng khá về giá trị, điển hình như Mỹ tăng gần 28%, Hàn Quốc 38%, Trung Quốc 47% và Italy tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu thế này đảm bảo mức dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2011 giữ vững ở mức hơn 6 tỷ USD, tương đương với con số dự báo của tháng trước.

So với các mặt hàng khác, cao su lại không có được đà tăng về nhu cầu tiêu thụ như năm 2010. Tuy lượng xuất khẩu sang một số thị trường sụt giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su tăng trưởng ở hầu hết các thị trường. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 60% thị phần, các thị trường tiếp theo là Malaysia , Đài Loan và Hàn Quốc. Với kỳ vọng vào nhu cầu cao su thiên nhiên tại các thị trường sản xuất ôtô châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo kim ngạch xuất khẩu cao su có thể đạt khoảng 3,63 tỷ USD.

Tuy nhiên, với mặt hàng gạo, dự báo xuất khẩu gạo của cả năm 2011 có thể đạt mức gần 7,5 triệu tấn, giảm so với mức dự báo của tháng trước do khối lượng xuất khẩu thực tế của tháng trước thấp hơn so với con số dự kiến, bởi diễn biến thị trường trong và ngoài nước trong những tháng gần đây có nhiều yếu tố tác động, trong đó nguồn cung và giá trong nước lên cao trong khi thị trường thế giới có nhiều yếu tố chưa ổn định.

So với giá gạo xuất khẩu tháng Chín, giá gạo trên thế giới tháng 10 ổn định hơn và có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, giá gạo chất lượng cao 100% hạng B đạt mức 616 USD/tấn, giảm 1% so với tháng Chín./.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục