NSƯT Lan Hương lần đầu vào vai vợ của chồng mình

Từ làm mẹ chồng trong “Vệt nắng cuối trời” lại làm mẹ ở “Nếp nhà”... NSƯT Lan Hương luôn tạo ấn tượng đẹp về người phụ nữ rất... Hà Nội.
Nghệ sĩ Ưu tú Lan Hương là một gương mặt thân thiết với khán giả truyền hình. Thời gian này, sự xuất hiện của chị càng liên tục. Từ làm mẹ chồng của Tuệ Lâm trong “Vệt nắng cuối trời” lại làm mẹ của ba người con trong “Nếp nhà”... Ở vai nào người xem cũng ấn tượng về chị, một phụ nữ đôn hậu, nhẹ nhàng và rất...Hà Nội.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phóng vấn Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lan Hương về chuyện nghề, chuyện đời.

Được diễn lại sẽ làm tốt hơn

- Chị đã gây được ấn tượng và thiện cảm với người xem về người nghệ sĩ chuyên vào vai hiền lành, nhân hậu, chị có thấy đó là niềm vui lớn không?

NSƯT Lan Hương: Đúng là chị có vui, nhưng đừng nghĩ chị yên tâm cứ thế mà diễn đâu nhé! Thực sự mà nói chị không có thói quen bằng lòng với việc làm của mình. Thế nên lúc nào cũng muốn nếu được chỉnh sửa, được diễn lại sẽ làm tốt hơn nữa.

Chị thích diễn các cảnh sinh hoạt đời thường. Chị không quan trọng hình thức bên ngoài khi vào phim mà chú trọng nhân vật cần thế nào. Quan trọng hơn là tình cảm, chiều sâu đời sống nội tâm của nhân vật. Mọi người gặp chị toàn bảo ở ngoài đời chị trẻ đẹp hơn là vui rồi (cười).

- Vì sao khán giả gần như không thấy chị vào vai một nhân vật ghê gớm?


NSƯT Lan Hương: Có thể do hình thể, tính cách và con mắt nhìn của các đạo diễn nên chị thường được mời vào vai hiền lành.

Các diễn viên thường thích những lớp diễn mạnh, ấn tượng đi vào lòng khán giả. Nhưng chị lại nghĩ rằng các nhân vật của chị sẽ đi vào tình cảm của người xem một cách từ từ, tự nhiên. Đóng phim mà không có cảm giác đóng. Nó như đời sống vậy có khi sẽ thích hơn. Chị không thích sự cường điệu và nhiều khán giả cũng thấy vậy.

Nói “diễn vai người tốt dễ” là quan niệm sai


- Chị có sợ đóng người tốt, mẹ hiền mãi thì dễ lặp và gây nhàm không?

NSƯT Lan Hương:
Chị không thấy sự lặp lại vì mỗi một vai có một số phận riêng, một đời sống tình cảm riêng. Mỗi nhân vật lại có những mỗi quan hệ khác. Đóng vai một người tốt cũng rất khó vì phải diễn làm sao cho nhân vật tốt một cách hợp lý. Trong biến cố, quyết định nào đó của nhân vật mà tốt một cách đột biến khiến khán giả không tin được thì đó là không thành công.

Vào vai người tốt có cái khó là phải làm cho khán giả tin được. Tốt cũng cần có quá trình thuyết phục. Đưa lên phim những nhân vật mà tốt bất ngờ thì khán giả bảo ngoài đời làm gì có người tốt đến thế! Và vai diễn thất bại.

- Gần như cùng một khoảng thời gian mà chị đóng tới ba vai bà mẹ trong “Vệt nắng cuối trời”, “Nếp nhà” và “Bí thư tỉnh ủy”. Việc này có khó không?

NSƯT Lan Hương: Thực sự đó là một áp lực. Phải tìm ra nét riêng, dù rất nhỏ để không lặp lại. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải suy nghĩ, phải trăn trở với những nhân vật của mình nhiều hơn. Chẳng hạn, trong “Vệt nắng cuối trời” là hình ảnh của một bà mẹ chồng tốt, mong con dâu hạnh phúc với người khác hơn hạnh phúc của con trai mình. Dù điều này rất hiếm ở ngoài đời nhưng vẫn được khán giả chấp nhận.

Lần đầu làm vợ của chồng mình

- Chị và chồng chị - nghệ sĩ Đỗ Kỷ có vẻ ít đóng cùng nhau, trong "Nếp nhà"anh chị vào vai vợ chồng có thuận lợi hơn đóng cùng người khác không chị?

NSƯT Lan Hương: Tuy cùng làm nghệ thuật nhưng anh chị hầu như không đóng phim cùng nhau. Đặc biệt là đóng vợ chồng thì chưa bao giờ.

Thuận lợi thì cũng có như đi làm có người đưa đi đón về nhưng bên cạnh đó là khó khăn vì hai vợ chồng cùng lang thang đi quay, còn công việc gia đình, cơ quan... rất căng thẳng về thời gian.

Trong nghề, mình tung ra một miếng diễn bạn diễn hiểu phối hợp là rất quý, anh chị cũng có được điều này khi làm vợ chồng trên phim. Song những cảnh thân mật thì bọn chị rất tránh. Vì chị không muốn người xem bảo vì “cậy là vợ chồng ngoài đời” nên mới diễn được như vậy.

Công bằng mà nói thì về kể cả diễn với người khác cũng vậy thôi. Chính với anh Kỷ chị lại mới làm vợ lần đầu chứ chị làm vợ trên phim của với các diễn viên nam khác nhiều hơn chứ. Đó là đời sống tình cảm của nhân vật. Khi đã làm việc người nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ có sự tách bạch không lẫn lộn.

Tuy nhiên chị cũng phải nói thêm rằng nếu mình rất ghét, rất khó chịu với ai đó thì đóng vai phải trìu mến sẽ không thể ấm áp như có quan hệ bình thường.

Nếp nhà... Hà Nội

- Không hiểu sao xem chị trên phim, ai cũng đoán chị là người Hà Nội, chị vào phim “Nếp nhà” có dễ dàng?


NSƯT Lan Hương:
Nét tính cách, ứng xử gia đình trong "Nếp nhà" rất Hà Nội, rất gần gũi với gia đình chị. Chị rất ngưỡng mộ mẹ và bà ngoại. Sự hy sinh cho con cái, lòng vị tha, hiếu khách là truyền thống của “nếp nhà”... chị!

Ngay từ gia đình nhà chồng chị cũng rất nền nếp, các thành viên đều được ăn học rất tử tế. Các cụ qua đời, anh chị ở riêng một thời gian rồi quyết định sống cùng bố mẹ chị. Chị thích sống trong một gia đình nhiều thế hệ để con cái có được ảnh hưởng tốt. Bố mẹ chị vẫn là chỗ dựa vững chắc cho con cháu.

- Trong "Nếp nhà," chị có tình cảm đặc biệt với những diễn viên trẻ đóng vai con mình không?

NSƯT Lan Hương: Có chứ, ví dụ như Thanh Sơn vào vai con trai chị trong “Nếp nhà”. Chị thấy cháu rất có tương lai. Một số cảnh cháu đóng thương lắm. Chẳng hạn trong cảnh chồng chị bị bắt, chị về chui vào phòng khóc ầm  lên. Nó chạy vào lấy khăn giấy lau nước mắt cho mẹ, chị đã thực sự xúc động lắm. Không cần diễn tý nào vì chị cảm thấy như được con mình đang quan tâm ngoài đời vậy. Chị thấy yêu cháu Sơn lắm.

- Trân trọng cảm ơn chị!


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục