Nước Anh và bài toán ra đi hay ở lại với Liên minh châu Âu

Mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu đi đến đâu sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào kết quả cuộc tổng tuyển cử của nước này ngày 7/5 tới.
Nước Anh và bài toán ra đi hay ở lại với Liên minh châu Âu ảnh 1Toàn cảnh Tháp Shard ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vào tháng 1/2013, Thủ tướng Anh David Cameron đã ngỏ ý tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh vào năm 2017 nếu như Đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận sau đó cho thấy đa số người Anh muốn rời khỏi EU trong khi tỉ lệ ủng hộ Đảng Độc lập Anh (UKIP) chủ trương "ly khai" EU đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Vì sao Anh muốn rời khỏi EU

Nước Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của EU - vào năm 1973. Năm 1975, một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh và 67,2% số người bỏ phiếu đã không ủng hộ việc rút lui này. Tuy vậy, sau bốn thập niên gắn bó, vấn đề EU đang trở lại là đề tài nhạy cảm nhất tại Anh.

Chính phủ Anh nhận định chưa bao giờ tương lai của châu Âu lại mù mịt như hiện nay. Mô hình liên kết của EU có nhiều lỗi hệ thống đã cản trở sự phát triển và phồn vinh của các nước thành viên. EU cần một cuộc cải tổ sâu rộng hoặc Anh sẽ đơn phương đòi hỏi sửa đổi tư cách của mình trong khối.

Một bộ phận người dân Anh không hài lòng với cách Brussels điều hành họ, thấy rằng tư cách "thành viên EU" không mang lại lợi ích gì mà lại tước đi của họ quá nhiều tự do. Chiến dịch vận động "BetterOfOut" chỉ ra rằng nếu ra khỏi EU, Anh sẽ có quyền tự do thành lập thỏa thuận thương mại với các nước khác, sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, kiểm soát biên giới quốc gia, cải thiện nền kinh tế và tạo thêm việc làm, khôi phục các ngành nghề thế mạnh đã bị mai một khi Anh bước vào ngôi nhà chung EU...

Người Anh có lý do để tin rằng vị thế và ảnh hưởng quốc tế của họ không thể "chìm nghỉm" như cảnh báo của một số lãnh đạo EU khi rời khỏi liên minh này. Thực tế thì Anh có khá nhiều quyền lực riêng của mình, trong đó bao gồm tư cách thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các cường quốc phát triển và đang nổi (G20).

Anh là một trong 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giữ ghế trong Ủy ban Thống đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Không chỉ thế, Anh vẫn là "đầu não" của Khối Thịnh vượng chung gồm 54 quốc gia. Thủ đô London của Anh cũng là thủ đô tài chính thế giới và nền kinh tế Anh hiện đứng thứ 6 trên thế giới.

Anh cũng tin rằng họ không thể yếu đi về mặt kinh tế nếu ra khỏi EU khi chỉ ra rằng các nền kinh tế lớn, đơn cử như Nhật Bản, không nằm trong EU. Na Uy và Thụy Sĩ không phải thành viên EU nhưng kim ngạch xuất khẩu tính trên đầu người của hai nước này vào EU còn cao hơn của Anh. Quan hệ thương mại mạnh nhất của Anh nói chung không nằm trong EU mà ở bên ngoài, với các nước như Mỹ và Thụy Sĩ. Thêm nữa, nhà đầu tư lớn nhất ở Anh hiện nay không phải là một nước EU mà là Mỹ.

Bên cạnh đó, Anh cho rằng rời khỏi EU, họ sẽ tiết kiệm được một khoản đóng góp lớn phí thành viên cho khối hiện lên tới 18,4 tỉ bảng/năm và hệ thống y tế cũng như phúc lợi của họ không phải gánh nguy cơ bị trục lợi. Một vấn đề nổi cộm khác trong quan hệ Anh-EU chính là nhập cư. Anh đã thất bại trong việc giảm lượng nhập cư ròng xuống con số "hàng chục nghìn" do không thể ngăn cản công dân các nước thành viên EU đến Anh tìm việc làm và cư trú.

Bất chấp việc London đưa ra đề nghị như thế nào liên quan đến việc sửa đổi điều khoản này thì câu trả lời của Brussels chỉ có một: cho phép di chuyển tự do giữa các nước thành viên là một trong 3 nguyên tắc cốt lõi của Hiệp ước châu Âu và không thể thay đổi.

Trong năm qua, Thủ tướng Cameron lần đầu tiên đã đã đưa ra đề xuất 7 điểm nhằm cải cách EU với mong muốn Anh ở lại trong một EU cạnh tranh, linh hoạt, phi tập quyền, dân chủ và công bằng.

Ông cũng muốn đảm bảo rằng việc di chuyển tự do giữa các nước thành viên là để làm việc, không phải để hưởng chế độ phúc lợi miễn phí; Ủng hộ việc tiếp tục kết nạp thành viên nhưng phải thực hiện với cơ chế mới nhằm ngăn chặn di cư ồ ạt trong châu lục.

Thủ tướng Cameron cho rằng điều này đòi hỏi quá trình thương lượng với các đối tác châu Âu, trong đó một số thay đổi có thể thực hiện được bằng việc cải cách các quy định của EU và một số có thể đạt được bằng nhiều cách thức khác nhau.

Tác động kinh tế nếu Anh rời EU

Rời bỏ EU sẽ làm nền kinh tế Anh mất đi 56 tỷ bảng mỗi năm trừ phi nước này mở cửa biên giới hơn nữa cho thương mại và lao động nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Đó là cảnh báo của tổ chức Open Europe trong báo cáo mới nhất nhan đề "Điều gì Nếu" (What If) đánh giá về những được mất nếu Anh rời khỏi liên minh này.

Báo cáo đưa ra 4 kịch bản từ dựa trên viễn cảnh Anh rời khỏi EU từ ngày 1/1/2018. Trong kịch bản tồi nhất, Anh rời khỏi Liên minh thuế quan và thị trường chung EU và không đạt được một thỏa thuận thương mại (FTA) với khối này. Kết quả là tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Anh sẽ thấp hơn 2,2% so với khi Anh vẫn ở trong EU.

Còn ở kịch bản tốt nhất, GDP của Anh sẽ tăng 1,6% nếu nước này đạt được FTA với phần còn lại của EU và dỡ bỏ hàng rào thương mại với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, cả 3 kịch bản tốt hơn đều đòi hỏi Anh phải nới lỏng nhập cư.

Cũng theo tính toán của Europe Open, các ngân hàng, hãng bảo hiểm và các công ty dịch vụ tài chính sẽ chịu nhiều tổn thất nhất nếu Anh rời khỏi EU và mất quyền bỏ phiếu trong khối. Dựa trên các cuộc phỏng vấn các doanh nghiệp, các hiệp hội kinh doanh và các công ty, Open Europe kết luận rằng khu vực xuất khẩu sẽ trải qua sự gián đoạn và bất ổn định trong trường hợp Anh rời khỏi EU.

Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) - đại diện giới doanh nghiệp - phản đối mạnh mẽ nhất chuyện Anh rời khỏi EU khi kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 8/10 doanh nghiệp Anh cho rằng rời khỏi EU là điều tồi tệ cho nước này.

Cảnh báo việc rời khỏi EU sẽ đặt tương lai toàn cầu của Anh và rủi ro, ông John Cridland, Tổng Giám đốc CBI, nói rằng việc tiếp tục là thành viên EU sẽ đóng vai trò quyết định đối với tương lai kinh tế toàn cầu của Anh. Ông nhấn mạnh rằng đa số các doanh nghiệp thuộc CBI đều có chung quan điểm rằng tốt nhất là Anh ở lại trong một EU cải tổ còn hơn là đứng ngoài và không có ảnh hưởng gì.

Có thể nói mặc dù ngày càng có nhiều người Anh muốn rời EU song đây lại không phải là điều quyết định đến lá phiếu của họ. Các cuộc thăm dò cho đến thời điểm này cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa đảng Bảo thủ với Công đảng. Bằng chứng là tỉ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ, mối quan hệ Anh-EU đi đến đâu sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 7/5 sắp tới và các cuộc thăm dò dư luận đến thời điểm này đều cho thấy đây sẽ là cuộc bầu cử có kết quả khó đoán định nhất, khi không đảng nào có thể giành chiến thắng đa số.

Trong trường hợp đảng Bảo thủ của ông Cameron tiếp tục giành được quyền thành lập chính phủ mới, cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra. Song, nước Anh sẽ ra đi hay ở lại trong một EU cải cách như mong muốn của ông Cameron sẽ phụ thuộc vào tài thương lượng của chính ông với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục