Rời khỏi Liên minh châu Âu, kinh tế Anh sẽ phát triển ra sao?

Việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Anh vào năm 2017 sẽ tiêu tốn của London hàng tỷ bảng
Rời khỏi Liên minh châu Âu, kinh tế Anh sẽ phát triển ra sao? ảnh 1Toàn cảnh Tháp Shard ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Ngân hàng ING của Hà Lan, việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Anh vào năm 2017 sẽ tiêu tốn của London hàng tỷ bảng, trong bối cảnh những bất ổn kinh tế đang khiến dòng vốn đầu tư đổ vào "xứ sở sương mù" suy giảm đáng kể.

Mặc dù không đưa ra con số thiệt hại ước tính đối với tăng trưởng kinh tế của nước Anh khi rời khỏi EU trong dài hạn nhưng ING cho hay sự bất ổn trong hai năm trước cuộc trưng cầu dân ý sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm.

Theo chuyên gia kinh tế James Knightley thuộc ING, tình trạng tương tự đã xảy ra vào năm ngoái khi Scotland tiến hành bỏ phiếu tìm sự độc lập khỏi Vương quốc Anh, khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi và đẩy đồng bảng Anh xuống giá.

Chuyên gia Knightley nhận định “Hai năm để mất đà tăng trưởng sẽ lấy đi khoảng 20 tỷ bảng từ nền kinh tế trị giá 1.700 tỷ bảng (2.600 tỷ USD - số liệu năm 2014) của “xứ sở sương mù.”

Tuy nhiên, ING nhận định nếu người dân Anh chọn cách ở lại với EU và các dự án đầu tư được nối lại thì tình hình sẽ không bi đát đến vậy.

ING cho hay đồng bảng Anh có khả năng suy yếu xuống còn 0,72 bảng đổi 1 euro trong giai đoạn cận cuộc trưng cầu dân ý, so với mức dự báo 0,68 bảng/euro nếu không có cuộc trưng cầu nào diễn ra.

Sau đó, nếu người Anh chọn cách rời khỏi EU, đồng bảng Anh sẽ trượt xuống 0,9 bảng/euro như đã từng xảy ra trong năm 2011. Không những thế so với đồng USD, đồng bảng Anh sẽ rơi xuống dưới mức 1,4 USD/bảng. Bên cạnh đó, tài sản của nước này sẽ sụt giảm và niềm tin kinh doanh suy yếu.

Các công ty nước ngoài đóng góp khoảng 20% đầu tư doanh nghiệp của Anh - cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển khác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đặt “đại bản doanh” tại Anh làm cơ sở cho phần còn lại trong EU.

Thủ tướng Anh David Cameron trước đó cho hay ông muốn đàm phán lại mối quan hệ giữa London với Brussels và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc nước này sẽ ra đi hay ở lại với EU nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 7/5 tới.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục