Nước Mỹ - 'hạt nhân' của các cuộc xung đột kinh tế và chính trị

Cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, quan hệ với Iran đang xuống cấp nghiêm trọng sẽ khiến ngành công nghệ thế giới bị đứt gãy và nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nước Mỹ - 'hạt nhân' của các cuộc xung đột kinh tế và chính trị ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nước Mỹ sẽ vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới trong quý 3/2019, khi mà cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục leo thang, quan hệ với Iran đang xuống cấp nghiêm trọng và việc đe dọa trừng phạt bằng thuế quan ngày càng nhiều thêm sẽ khiến ngành công nghệ thế giới bị đứt gãy và nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đó là một số dự báo đáng chú ý trong ba tháng tới đây mà Stratfor, trang mạng chuyên phân tích, dự báo tình hình địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, vừa đưa ra.

Quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục bế tắc...

Theo Stratfor, dù cánh cửa tạm ngừng chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn còn đó nhưng khả năng cao là Nhà Trắng sẽ vẫn thực hiện lời đe dọa của mình từ trước, đó là tiếp tục áp thêm thuế lên hàng Trung Quốc nhập khẩu.

Bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm chống lại hay đối phó với áp lực thuế quan từ Mỹ, kể cả việc Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn cho các ngành công nghiệp chiến lược của mình và trả đũa các doanh nghiệp Mỹ, sẽ đẩy hai nền kinh tế lớn này thêm xa nhau và cuộc chiến tiếp diễn sẽ gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu.

[Các công ty công nghệ Mỹ 'lách luật' để tiếp tục làm ăn với Huawei]

Ví dụ, việc Trung Quốc tăng hỗ trợ tài chính cho các ngành chiến lược của mình, như ngành công nghiệp bán dẫn, đã trực tiếp vi phạm yêu cầu của phía Mỹ đối với Trung Quốc là giảm sự hỗ trợ của nhà nước và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Về phần mình, Trung Quốc cũng có đòn trả đũa thuế quan và thậm chí có thể tẩy chay hàng Mỹ, nhưng điều đó sẽ đi ngược lại yêu cầu của Washington là Trung Quốc phải mua thêm hàng Mỹ để giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ.

Và nếu Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng cách đưa một số công ty Mỹ vào danh sách đen và trừng phạt thì đó chính là điều Nhà Trắng đã chỉ trích bấy lâu nay, rằng Trung Quốc phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn nếu Trung Quốc định hạn chế xuất khẩu đất hiếm làm gia tăng đe dọa đối với thương mại của Mỹ thì Nhà Trắng sẽ có cớ để áp dụng mức thuế suất theo khoản mục 301 một cách hợp pháp.

Và đồng nhân dân tệ bị mất giá của Trung Quốc sẽ bị Mỹ “gắn mác” là thao túng tiền tệ nhằm gây khó khăn cho các công ty xuất khẩu của Mỹ.

Trong khi đó, cuộc xung đột kinh tế nảy lửa này lại diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng an ninh ở Biển Đông và Bắc Kinh đang đối mặt sự phản kháng ngày càng gia tăng của một số nhóm dân thiểu số, khiến Washington hoàn toàn có cớ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Trung Quốc với lý do bảo vệ nhân quyền và dân chủ.

Mặc dù hiện tại Mỹ có xung đột thương mại với nhiều nước nhưng nước này chủ trương duy trì chính sách cứng rắn nhất với Trung Quốc bởi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh hiện đã leo thang trên mọi mặt trận.

Hơn nữa, việc Nhà Trắng cố tình làm tê liệt công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là Huawei đã khiến cơ hội thỏa hiệp thương mại giữa hai bên vốn đã nhỏ lại bị thu hẹp thêm.

Tình hình địa chính trị hiện nay cũng không hề thuận lợi để ông Trump và ông Tập có thể đat được sự đột phá trong đàm phán nếu họ gặp nhau ở Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này.

Bắc Kinh vẫn mở cửa chờ đón đối thoại còn ông Trump vẫn còn đủ thời gian để cân nhắc đàm phán trước khi phải sử dụng tới tất cả các loại đòn thuế quan.

Tuy nhiên, cánh cửa ngừng chiến đang khép dần và khả năng cao là cả ông Tập và ông Trump sẽ còn phải kéo dài cuộc chiến kinh tế này qua cả quý 3/2019.

... dẫn đến nguy cơ ngành công nghệ toàn cầu bị đứt gãy

Quyết định của Mỹ cấm các công ty hợp tác với công ty nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc trước mắt sẽ gần như làm tê liệt Huawei và có thể khiến Nhà Trắng có lợi thế khi buộc các nước khác không được làm ăn với Huawei khi công ty này dự định cho ra mắt công nghệ 5G. Bước đi này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến giành ưu thế công nghệ ngày càng trở nên nóng hơn.

Nếu ông Tập và ông Trump đồng ý xuống thang trong cuộc chiến thương mại thì Washington có thể bớt kiểm soát xuất khẩu một số mặt hàng ngoài danh mục những mặt hàng chiến lược mà cụ thể là công nghệ kép (tức công nghệ có thể sử dụng trong cả mục đích an ninh, giám sát và phòng thủ).

Các sức ép từ các doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng bởi chính sách cấm làm ăn với Trung Quốc và các thách thức hiện tại từ chính tòa án Mỹ có thể cũng buộc Chính quyền Mỹ phải nới lỏng những biện pháp chống Huawei.

Tuy nhiên, những bất ổn xung quanh đàm phán thương mại Mỹ-Trung cộng với luật xuất khẩu của Mỹ đã khiến việc sử dụng một lượng linh kiện, phần mềm hay công nghệ rất nhỏ của Mỹ cũng có thể khiến một công ty bị áp lệnh trừng phạt sẽ càng là động lực để Trung Quốc nỗ lực phát triển công nghệ bán dẫn riêng của mình.

Huawei sẽ nghiên cứu và cho ra hệ điều hành độc lập dùng cho điện thoại thông minh để duy trì thị phần của họ trên toàn cầu.

Trung Quốc cũng sẽ cố gắng giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip điện tử quốc tế chẳng hạn như Intel, Samsung hay công ty sản xuất bán dẫn TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan bởi những công ty này hiện cũng phải chịu ảnh hưởng lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thậm chí nếu Mỹ đồng ý giảm bớt một phần lệnh cấm chống Huawei thì Trung Quốc sẽ vẫn tập trung phát triển các sáng kiến công nghệ bán dẫn và phần mềm của mình.

Một thời gian nữa, sự nổi lên của Trung Quốc trong ngành sản xuất công nghệ bán dẫn và sự ra đời của các phần mềm thay thế của Trung Quốc, chẳng hạn như hệ điều hành điện thoại di động Huawei thay cho iOS và Android, chắc chắn sẽ góp phần vào xu hướng công nghệ toàn cầu bị đứt gãy.

Những nỗ lực về mặt ngoại giao của Mỹ nhằm gây sức ép với các nước châu Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á để buộc các nước này áp dụng lệnh cấm tương tự đối với các thiết bị của Huawei với lý do quan ngại an ninh quốc gia hiện đang chững lại bởi hầu hết các nước đều không sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn và bị chậm trễ trong tiếp cận công nghệ 5G nếu “nghỉ chơi” với Huawei.

Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu linh kiện cho Huawei của Mỹ hiện cũng khiến chính phủ các nước và các đối tác viễn thông phải cân nhắc mức độ rủi ro nếu họ vẫn quyết định hợp tác với Huawei.

Cùng với việc làm tê liệt các công ty đầu tàu về công nghệ của Trung Quốc, chính quyền Mỹ cũng nhắm tới kiểm soát các công ty công nghệ khổng lồ của chính mình mà hiện Washington cần phải dựa vào để vượt Trung Quốc trong cuộc đua chiếm ưu thế công nghệ toàn cầu.

Chính quyền Mỹ tiếp tục điều tra các “anh lớn công nghệ” như Google hay Facebook về các vấn đề như chống độc quyền, quyền riêng tư, và bảo mật dữ liệu.

Mexico trong cuộc chiến không cân sức với Mỹ

Trong khi đó, Mexico sẽ đối mặt với cuộc chiến quá không cân sức với Mỹ để có thể tránh tăng thuế quan.

Mặc dù trước mắt Mexico đã tránh được việc Mỹ tăng thuế sau khi nước này cam kết sẽ cố gắng giải quyết vấn đề an ninh biên giới nhưng vẫn chưa thể hẳn thoát hiểm.

Mexico sẽ khó mà đáp ứng được yêu cầu của ông Trump trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư vào Mỹ và khi đó, ông sẽ lại sử dụng đòn thuế quan bởi hiện tại đây là công cụ hữu hiệu và ưa thích của ông.

Khả năng lực lượng an ninh của Mexico có thể trấn áp làn sóng di cư qua biên giới phía Nam là rất đáng đặt câu hỏi, cộng với tình hình hỗn loạn ngày càng gia tăng ở Trung Mỹ và bản thân các nước trong khu vực này cũng không muốn sửa đổi luật tị nạn của mình, cho nên điều tốt nhất mà chính quyền Mexico City có thể hy vọng là làn sóng di cư từ từ giảm bớt, khi mà những kẻ buôn lậu đã thích nghi hơn với tình hình biên giới ngày càng bị kiểm soát gắt gao.

Hơn nữa, quan hệ thương mại giữa Mexico và Mỹ vốn đã phát triển mạnh từ lâu nên không còn mấy dư địa thị trường để Mexico có thể tỏ ra cho Mỹ thấy mình sẵn sàng nhượng bộ thêm nữa, bằng việc tăng nhập khẩu nông sản của Mỹ chẳng hạn.

Tuy nhiên, theo dự báo, những đe dọa tăng thuế quan của ông Trump đối với Mexico có thể lại nổi lên vào ngày 22/7 và sau đó vào khoảng ngày 5/9 tới, bởi đó là những thời điểm mà Mexico phải trình bày trước Nhà Trắng báo cáo về tiến triển trong việc giải quyết vấn đề nhập cư trái phép vào Mỹ qua biên giới.

Hiện đang mấp mé rơi vào suy thoái, Mexico sẽ phải rất cẩn trọng để tránh đối đầu với Nhà Trắng nhằm tránh bị áp các mức thuế quan cao hơn.

Nếu trao đổi thương mại giữa Mỹ và Mexico quay trở lại mức thuế quan thông thường do Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) quy định với hầu hết các ngành hàng, các công ty nông sản của Mỹ cũng sẽ phải chịu thuế quan trả đũa và tới lúc ấy thì Quốc hội Mỹ lại có cớ để thách thức quyền lực kiểm soát thương mại của Tổng thống Trump.

Dù ông Trump có tránh được hậu quả kinh tế, chính trị nặng nề do làm gián đoạn hoạt động thương mại Bắc Mỹ vì thuế quan, thì bất ổn do những đe dọa của ông đưa ra vẫn còn đó và sẽ làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư.

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro

Những rủi ro về địa chính trị đã khiến nền kinh tế toàn cầu đảo chiều. Hiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý 3/2019.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và nguy cơ gián đoạn hoạt động thương mại Bắc Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải nới lỏng lãi suất.

Đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp nhằm tránh nguy cơ tiếp tục mất giá, gây sức ép lên một số thị trường mới nổi.

Giữa lúc nhu cầu tiêu dùng giảm và nguy cơ đứt gãy nguồn cung dầu ngày càng cao do xung đột với Iran, tình hình các thị trường dầu lửa sẽ tiếp tục biến động trong quý thứ 3/2019.

Thêm vào đó, cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn sẽ tạo cơ hội, nhưng chủ yếu là rủi ro, cho các cường quốc tầm trung.

Khi căng thẳng Mỹ-Nga vẫn đang tiếp diễn, Ba Lan sẽ có được lợi thế là Nhà Trắng tập trung chiến lược vào Đông Âu và tiếp tục cho di chuyển quân Mỹ đi qua Ba Lan, cũng như Mỹ sẽ thúc đẩy áp lệnh trừng phạt đối dự án đường ống “Dòng chảy Phương Bắc 2.”

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ sẽ vẫn nằm trong tầm ngắm trừng phạt của Mỹ bởi mối quan hệ làm ăn trong lĩnh vực năng lượng của những nước này với Iran cũng như trong lĩnh vực quốc phòng với Nga. Khả năng cao là New Delhi sẽ bị Mỹ áp thêm một số biện pháp trừng phạt thuế quan nữa trong quý 3/2019.

Nguy cơ xung đột hiện hữu trong căng thẳng Mỹ-Iran và tình hình tại Venezuela

Trong căng thẳng Mỹ-Iran, những hành động trả đũa của Iran như tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động phát triển hạt nhân và đe dọa phong tỏa tuyến đường biển vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz và gần đây nhất là việc Tehran đã bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ ở khu vực eo biển Hormuz sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự.

Nước Mỹ - 'hạt nhân' của các cuộc xung đột kinh tế và chính trị ảnh 2Máy bay trinh sát và do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ, tương tự máy bay bị lực lượng phòng không Iran bắn rơi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù Mỹ chủ trương hạn chế hành động tấn công và tránh sa lầy vào một cuộc chiến nữa ở Trung Đông, nguy cơ leo thang xung đột rõ ràng vẫn hiện hữu.

Tuy nhiên, nếu đàm phán không thể tiến hành giữa hai bên thì một hướng có thể giúp xung đột xuống thang là tổ chức đàm phán thông qua bên trung gian thứ ba.

Hiện, chính quyền Trump vẫn cho rằng với khả năng bóp nghẹt ngành xuất khẩu của Iran và làm tê liệt nền kinh tế quốc gia Trung Đông này, thì Mỹ có thể buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán hoặc thậm chí là gây bất ổn và lật đổ chính quyền hiện tại của Tehran. Nhưng cả hai kịch bản này chắc chắn sẽ không xảy ra, ít nhất là trong quý 3/2019.

Cùng lắm thì Tehran có thể viện đến việc nhờ bên trung gian thứ ba để đàm phán với Mỹ trong trường hợp nguy cơ xung đột quân sự gia tăng.

Ông Trump thừa hiểu sẽ phải hứng chịu chỉ trích gay gắt nếu lại đưa nước Mỹ tới một cuộc chiến nữa ở Trung Đông, cho nên chắc chắn ông cũng sẽ tự kiềm chế để tránh viễn cảnh một cuộc chiến tranh quân sự đắt giá với Iran xảy ra.

Nhưng quý 3 tới sẽ vẫn có những diễn biến đáng quan ngại, chẳng hạn như những đe dọa của Iran đối với việc đi lại trên Vịnh Ba Tư và việc Iran tái khởi động chương trình hạt nhân của mình và khi đó, những quan chức theo phái diều hâu của Nhà Trắng sẽ kêu gọi phải tấn công Iran.

Trong khi đó, so với các nước có nguy cơ hạt nhân thì rõ ràng Venezuela không phải là mối quan tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Mặc dù nguy cơ một cuộc đảo chính nữa ở nước này hoàn toàn có thể xảy ra và nguy cơ Nga tham gia sâu vào tình hình Venezuela cũng cần Washington chú ý, song Nhà Trắng sẽ không dại gì can thiệp quân sự nhằm thay đổi chế độ nước này ở thời điểm hiện nay.

Tiếp tục sử dụng các đòn trừng phạt kinh tế và tiếp tục đối thoại qua các kênh không chính thức với các tướng lĩnh quân đội Venezuela nhằm lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro sẽ là phương thức mà Mỹ lựa chọn vào lúc này khi Venezuela đã hoàn toàn rơi vào hỗn loạn.

Có thể nói, nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran sẽ phần nào làm Washington bị phân tán sự tập trung trong cuộc cạnh tranh quyền lực các nước lớn với Trung Quốc và Nga.

Ngoài những cuộc chiến kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng Mỹ và Trung Quốc đụng độ nhau trong vấn đề Biển Đông và Eo biển Đài Loan sẽ gia tăng khi mà lực lượng Hải quân và Tuần duyên của Mỹ thường xuyên đi lại ở khu vực ngoài khơi gần Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga sẽ “đung đưa” giữa vai trò lúc là kẻ gây rối, lúc lại đóng vai hòa giải ở nhiều nơi có khả năng gây sự chú ý đối với Mỹ.

Mặc dù Nga đã hậu thuẫn khá nhiều cả về kinh tế lẫn chính trị cho Iran và Venezuela nhưng Nga luôn sẵn sàng gia tăng cả hậu thuẫn quân sự nếu nhìn thấy cơ hội tạo được thế cân bằng với Mỹ vốn đang bị xao lãng bởi quá nhiều vấn đề.

Nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo Nga và Trung Quốc tham gia vào một hiệp định kiểm soát vũ khí chiến lược ba bên sẽ chẳng đi đến đâu trong quý 3 tới, khi mà tất cả các bên đều tiếp tục chạy đua vũ trang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục