Nước Mỹ thay đổi mạnh mẽ 10 năm sau vụ 11/9

Một thập kỷ sau vụ khủng bố 11/9, nước Mỹ vẫn sa lầy trong hai cuộc chiến đẫm máu và hao tiền tốn của tại Iraq và Afghanistan.
Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011 đã khiến nước Mỹ thay đổi mạnh mẽ. Một thập kỷ sau, nước Mỹ vẫn sa lầy trong hai cuộc chiến đẫm máu và hao tiền tốn của tại Iraq và Afghanistan, trong khi cuộc chiến chống khủng bố nói chung dường như chưa có hồi kết.

Theo các nhà phân tích, tình hình đó là do al-Qaeda cố ý tạo ra với mục đích làm suy yếu sức mạnh của Mỹ.

Để trực tiếp đáp trả các cuộc tấn công 11/9, chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush đã phát động "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu," theo đó Afghanistan và Iraq lần lượt bị biến thành chiến trường.

Ngày 20/9/2001, trong bài phát biểu trước cuộc họp chung của Quốc hội và trước dân chúng trên toàn quốc, Tổng thống Bush nói: "Cuộc chiến chống khủng bố sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả các nhóm khủng bố trên toàn thế giới bị phát hiện, ngăn chặn và đánh bại."

Một thập kỷ sau, mục tiêu đó vẫn là một nhiệm vụ quá nặng nề. Tồi tệ hơn, các cuộc chiến đã làm lu mờ hình ảnh của nước Mỹ và làm suy yếu sức mạnh của nước này, với các hình thức giam cầm và tra tấn được áp dụng cho các tù nhân, các khoản chi tiêu dành cho quốc phòng tăng vùn vụt, góp phần "thổi phồng" các khoản thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia.

Richard Sylla, nhà kinh tế làm việc tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học New York, nói với Tân Hoa xã: "Tôi nghĩ rằng Mỹ hiện có vị thế bình thường trên trường quốc tế. Dù Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, song hiện có rất nhiều trung tâm kinh tế khác nổi lên."

Martin Indyk, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chương trình Chính sách Đối ngoại của Viện Brookings, nhận định rằng thảm họa 11/9 và việc theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố đã làm ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trên thế giới.

Theo ông, bằng cách tiến hành vụ tấn công 11/9, al-Qaeda đã thành công trong việc kích động các cuộc chiến trên đất liền, đầu tiên là ở Afghanistan vào tháng 10/2001 và sau đó là tại Iraq vào tháng 3/2003. Ông Indyk nhấn mạnh: "Al-Qaeda chủ ý gây ra các cuộc chiến này nhằm đẩy Mỹ vào tình huống bị mắc kẹt, còn chúng sẽ tự do tấn công các lực lượng quân sự của Mỹ."

Ông cho rằng Mỹ đã làm lợi cho al-Qaeda, làm phức tạp hóa mối quan hệ với thế giới Arập và giúp Iran gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông. Ông nói thêm rằng cuộc chiến chống khủng bố đã khiến Mỹ thiệt hại lớn về người và của, làm "ảnh hưởng mạnh mẽ" đến vị thế của Mỹ trên thế giới.

Ted Galen Carpenter, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato, cũng đồng tình với những nhận định trên khi nói rằng Mỹ đã phát động hai cuộc chiến "không cần thiết và dường như không có hồi kết."

Thêm vào đó, Mỹ còn lãng phí hàng trăm tỷ USD vào các biện pháp an ninh thiếu hiệu quả ở trong nước. Carpenter nói: " Cuộc chiến chống khủng bố đã làm tiêu hao sức mạnh của chúng ta và làm lãng phí hàng trăm tỷ USD. Các thủ lĩnh của al-Qaeda hẳn sẽ vui sướng trước những phản ứng ngờ ngệch và thiển cận của Mỹ."

Trong cuộc chiến chống khủng bố kéo dài và thu hút rất nhiều quốc gia cùng tham gia, Mỹ có thể khoe khoang về những thành tích nước này đạt được, chẳng hạn Mỹ đã tiêu diệt các thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda là Osama bin Laden và Atiyah Abd al-Rahman, chia rẽ mạng lưới khủng bố này và tăng cường hợp tác với các cơ quan chống khủng bố trên toàn cầu.

Indyk đồng ý rằng Mỹ đã thành công trong việc gây khó khăn cho các hoạt động của al-Qaeda, đặc biệt là các hoạt động chống lại Mỹ - mục tiêu chính của al-Qaeda, nhưng theo ông, Mỹ đã tiêu tốn quá nhiều để đạt được mục tiêu này.

Indyk cho rằng lẽ ra Mỹ nên đáp trả các vụ tấn công 11/9 bằng cách tập trung vào nguyên nhân của vụ khủng bố và không nên sử dụng các vụ tấn công này để biện minh cho các mục tiêu lớn hơn của mình. Ông nói: "Nếu chúng ta tập trung vào Afghanistan và loại bỏ Taliban, theo sát al-Qaeda và đừng chuyển hướng cuộc chiến tới Iraq thì cõ lẽ chúng ta đã khá hơn. Đây là bài học có ý nghĩa rất quan trọng."

Còn Carpenter cho rằng phản ứng đúng đắn nhất của Mỹ là "không nên đảo lộn xã hội Mỹ", không nên lãng phí tiền để chống lại "mối đe dọa đang ở mức thấp" và nhất là không nên phát động các cuộc chiến ở thế giới Hồi giáo, khiến người dân Hồi giáo xa lánh Mỹ và khiến cho al-Qaeda cũng như các phong trào Hồi giáo cực đoan lợi dụng điều đó để "tuyển mộ quân."

Carpenter cho rằng Mỹ đang thực hiện những chính sách ngoại giao sai lầm. Ông kêu gọi thực hiện chính sách ngoại giao mà Thomas Jefferson từng vạch ra cách đây hơn hai thế kỷ, đó là hữu nghị, hòa bình và giao thương với tất cả các quốc gia.

Một bài báo đăng trên trang nhất của tờ Bưu điện Washington (Mỹ) ngày 5/9 có đoạn: "Xung đột hậu 11/9 đã trở thành tiêu chí của Mỹ và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự thay đổi." Mặc dù Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, song Mỹ đang tăng cường các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và sử dụng các lực lượng đặc biệt cho các chiến dịch tại nhiều nơi như Yemen và Somalia.

Cuối tháng 6/2011, Nhà Trắng công bố Chiến lược Quốc gia về Chống khủng bố, tập trung vào nỗ lực đánh bại al-Qaeda và những phần tử khủng bố trên chính đất Mỹ. Tháng trước, Tổng thống Barack Obama cam kết: "Cần phải tiêu diệt al-Qaeda, chúng ta sẽ không dừng lại khi mục tiêu này chưa được hoàn thành."

Carpenter đã cảnh báo về tâm lý của người Mỹ hậu 11/9, trong đó coi việc tiến hành chiến tranh mà không cần phân biệt kẻ thù là cách duy nhất để đáp trả lại một cuộc tấn công khắc nghiệt. Ông lấy chiến tranh Iraq làm ví dụ điển hình bởi Iraq chẳng có gì liên quan tới sự kiện 11/9.

Carpenter nói: "Một trong những mối đe dọa là khi chúng ta đứng lên chống lại những kẻ thù nguy hiểm, chúng ta lại bắt đầu làm theo những chiến thuật của chúng. Đáng tiếc là một vài chiến thuật mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố lại hoàn toàn đối lập với những đặc tính tốt đẹp nhất mà nước Mỹ được kế thừa, và tệ hơn nữa là những chiến thuật này lại phản tác dụng."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục