Hãng tư vấn toàn cầu McKinsey trong một báo cáo mới đây đã dự báo rằng trong 12 năm tới, làn sóng tự động hóa đang gia tăng sẽ buộc khoảng 70 triệu người lao động ở Mỹ phải tìm kiếm một kế sinh nhai khác.
Theo ông Michael Chui, đồng tác giả của báo cáo trên, điều này đồng nghĩa với việc gần 1/3 lực lượng lao động của Mỹ, dù đang ở giai đoạn nào của sự nghiệp, cũng có thể cần phải học nhiều kỹ năng mới hay bước chân vào những lĩnh vực khác trong tương lai gần.
Báo cáo dự đoán đến năm 2030, nhu cầu đối với những nhân viên hỗ trợ ở văn phòng sẽ giảm 20%, bao gồm các vị trí thư ký, phụ tá luật sư, và những nhân viên phụ trách các công việc hành chính. Trong cùng thời gian đó, nhu cầu đối với lao động tay chân đơn giản, như cài đặt và sửa chữa thiết bị xây dựng, bảo vệ, chuẩn bị thực phẩm và rửa bát, sẽ giảm 30%.
[Thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định bất chấp số lượng việc làm giảm]
Báo cáo nhận định rằng các nền kinh tế phát triển khác, như Đức và Nhật Bản, cũng sẽ chứng kiến ít nhất là 1/3 lực lượng lao động của nước họ sẽ chịu những tác động tương tự. Trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc sẽ thấp hơn, ở mức 12%, vì sử dụng lao động ở đây vẫn rẻ hơn so với áp dụng trang thiết bị máy móc thay thế.
Cũng theo dự đoán được đưa ra trong báo cáo của McKinsey, công nghệ có thể thay thế đến 375 triệu người lao động trên toàn cầu đến năm 2030. Trong đó, những công việc có nguy cơ bị thay thế nhất là những công việc lặp đi lặp lại, trong khi những công việc đòi hỏi có sự đồng cảm và tính sáng tạo, như điều dưỡng, các nhà tâm lý học, nghệ sỹ, nhà văn, lại có thể “bình an vô sự” trước làn sóng tự động hóa.
Ông Jason Hong, một giáo sư về khoa học máy tính của trường Đại học Carnegie Mellon University ở Pittsburgh, cho biết trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế các nhân viên công sở, nhưng những công việc đòi hỏi có nhiều sự tương tác và giao tiếp giữa người với người sẽ không dễ dàng bị tự động hóa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của McKinsey dự đoán sẽ có những thay đổi đáng kể ở nơi làm việc trên toàn cầu, từ đó khuyến khích các nước đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và các trung tâm đào tạo việc làm.
Các tác giả của báo cáo viết rằng sự thay đổi này có thể diễn ra với quy mô chưa từng thấy kể từ làn sóng chuyển dịch lực lượng lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp đầu những năm 1900 ở Mỹ và châu Âu, và gần đây là ở Trung Quốc.
Kết quả một cuộc thăm dò hồi năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã hé lộ những lo ngại của giới lãnh đạo doanh nghiệp. Khoảng 1/3 trong số gần 1.400 lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà quan sát lĩnh vực công nghệ tham gia khảo sát cho biết họ không hề có niềm tin rằng các chương trình đào tạo việc làm và hệ thống giáo dục của Mỹ sẽ phát triển đủ nhanh để đáp ứng những nhu cầu về lao động trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, bà Susan Lund, một chuyên gia kinh tế về lao động của McKinsey, cho rằng làn sóng tự động hóa cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm, như chế tạo robot (người máy), việc điều hành các máy tính và những công việc khác mà chúng ta thậm chí còn chưa tưởng tượng ra.
Điều này cuối cùng sẽ thúc đẩy năng suất lao động và sự thịnh vượng của nước Mỹ, nếu lực lượng lao động của nước này có thể hoàn toàn thích ứng với tình hình mới.
Bà Lund lấy dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu trước đó của Đại học Stanford rằng máy móc có thể chẩn đoán bệnh viêm phổi chuẩn hơn cả một bác sỹ X-quang. Đó là cái cách mà các thế hệ sau sẽ có tiêu chuẩn sống cao hơn chúng ta ngày nay./.