Nước Mỹ và cái kết của chính sách 'xoay trục sang châu Á'

Nguồn gốc của “Xoay trục sang châu Á” từng được định hình là hoạt động tái cân bằng chiến lược các nguồn lực và ưu tiên của Mỹ đối với lục địa đông dân nhất thế giới này.
Nước Mỹ và cái kết của chính sách 'xoay trục sang châu Á' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thediplomat.com)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin tháng 11/2012, chỉ 10 ngày sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã lên máy bay “Không lực Một” đến Yangon, Myanmar.

Sự tái thiết và bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Myanmar, trước đây gọi là Miến Điện, đã phát triển nhanh chóng trong phần cuối nhiệm kỳ thứ nhất của ông.

Mỹ đã tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với quốc gia Đông Nam Á có vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên dồi dào này, đồng thời thúc đẩy một tầm nhìn mới đầy táo bạo cho toàn khu vực.

Việc can dự với Myanmar là một phần nhỏ trong chiến lược mà Obama và đội ngũ chính sách đối ngoại của ông gọi là “Xoay trục sang châu Á."

[Mỹ muốn đóng vai trò tích cực trong phát triển Đông Nam Á]

Nguồn gốc của “Xoay trục sang châu Á” từng được định hình là hoạt động tái cân bằng chiến lược các nguồn lực và ưu tiên của Mỹ đối với lục địa đông dân nhất thế giới này - nơi có thể sẽ là tâm điểm của các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất trong thế kỷ XXI.

Nhờ duy trì quan hệ bền chặt lâu nay với Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã tìm cách xây dựng một chiến lược toàn diện hơn ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó bao gồm việc tăng cường gắn kết với nhiều nước Đông Nam Á như một phương tiện kiềm chế sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ muốn cho Trung Quốc thấy rằng họ sẽ cạnh tranh về kinh tế, ngoại giao và quân sự trên chính sân nhà của đối thủ.

Ngoài ra, chiến lược này sẽ giúp tách Mỹ khỏi Trung Đông, khu vực mà Washington đã sa lầy gần một thập kỷ trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Cái giá của hai thập kỷ ở Trung Đông

Kế hoạch của chính quyền ông Obama đã gặp phải trở ngại gần như ngay sau khi đại chiến lược tổng thể được đưa ra.

Sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố toàn cầu mới, từ al-Qaeda đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cùng với cuộc nội chiến bùng phát ở Syria, đã buộc Mỹ dành thời gian và nguồn lực đáng kể cho một khu vực mà nước này vốn đang phải kiểm soát hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Hơn nữa, chính quyền ông Obama đã đánh cược di sản trong chính sách đối ngoại của mình để đàm phán hạt nhân với Iran, thỏa thuận chiếm một lượng lớn vốn liếng chính trị và ngoại giao của Mỹ. Điều đó đã dẫn đến việc nước này bỏ qua các ưu tiên chiến lược cấp bách khác.

Dưới thời chính quyền ông Obama, Mỹ đã chính thức tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần đầu tiên, sự kiện khiến Bắc Kinh bất ngờ và báo hiệu sự tập trung nhiều hơn vào đối thoại chiến lược với các đối tác trong khu vực.

Ngoài ra, chính quyền ông Obama đã thiết lập một khuôn khổ cho một hiệp định thương mại toàn diện nhằm chống lại Trung Quốc dưới tên gọi “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP).

Tuy nhiên, TPP đã không được hợp thức hóa trước cuộc bầu cử năm 2016 và bị xáo trộn bởi tình hình chính trị cũng như sự thay đổi ưu tiên của chính quyền mới ở Mỹ.

Thất bại trong việc hoàn tất TPP và việc chỉ tập trung vào thỏa thuận hạt nhân với Iran thay vì các ưu tiên chiến lược khác đã làm giảm thiểu tác động của chiến lược “Xoay trục sang châu Á” dưới thời Tổng thống Obama.

Ông Trump và chủ nghĩa đơn phương

Việc ông Donald Trump trở thành người kế nhiệm ông Obama hứa hẹn một cách tiếp cận cứng rắn hơn nhiều đối với Trung Quốc.

Trong những ngày đầu nắm quyền, ông Trump đã để đội ngũ kinh tế lên kế hoạch bổ sung thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tăng lượng hàng hóa mua từ Mỹ.

Cách tiếp cận đối đầu này đã làm leo thang căng thẳng giữa hai siêu cường, khi Trung Quốc áp thuế quan ngược lại đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.

Ông Trump đã né tránh chủ nghĩa đa phương, hủy bỏ TPP vốn sắp hoàn thiện và theo đuổi một chính sách đối ngoại dựa trên giao dịch với các đối thủ và đồng minh.

Về các sáng kiến trong khu vực, chính quyền ông Trump đã thông qua Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA) năm 2018, theo đó cấp 1,5 tỷ USD chi tiêu cho các chương trình chống lại Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á.

Mặc dù hứa sẽ chấm dứt "các cuộc chiến không hồi kết" ở Iraq và Afghanistan, song những cuộc chiến đó vẫn tiếp diễn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sau đó ra lệnh ám sát Qasem Soleimani, nhân vật được cho là quyền lực nhất của quân đội Iran.

Mặc dù đối đầu trực diện với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế, nhưng thành tựu chính sách đối ngoại đặc trưng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump lại không nằm ở châu Á mà là Trung Đông.

Hiệp định Abraham - nhằm bình thường hóa quan hệ giữa một số nước Arab then chốt và Israel - là một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình tại khu vực đầy biến động này.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và Biển Đông.

Mặc dù khiến Trung Quốc lo lắng bằng những lời lẽ và hành động khó lường của mình, song ông Trump đã không thể thiết lập một khuôn khổ chiến lược chống lại các mục tiêu bá quyền lâu dài của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Biden và sự trở lại của chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương

Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền với nhiệm vụ củng cố các liên minh cũ, cụ thể là NATO thời hậu ông Donald Trump, đồng thời phục hồi quan hệ xuyên Đại Tây Dương như một phương tiện chống lại các mối đe dọa đối với trật tự thế giới.

Dựa trên cách mà ông Biden xây dựng đội ngũ chính sách đối ngoại của mình, một số người hy vọng rằng châu Á sẽ là trung tâm trong các ưu tiên chiến lược của Mỹ và họ sẽ có một tâm thế vững vàng hơn trước Trung Quốc so với thời ông Obama.

Nước Mỹ và cái kết của chính sách 'xoay trục sang châu Á' ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kế hoạch này bao gồm việc bổ nhiệm một trong những “kiến trúc sư” trưởng của TPP là Kurt Campbell vào vị trí “mũi nhọn châu Á” ngay trong những ngày đầu nắm quyền của ông Biden.

Tuy nhiên, sau 1 năm dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ không chỉ quay trở lại Trung Đông - nơi đội ngũ chính sách đối ngoại của ông đang cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và đối phó với hậu quả của đợt rút quân khỏi Afghanistan, mà còn phải kiểm soát một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ trở thành sự kiện địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tác động trực tiếp từ việc Nga xâm lược Ukraine đối với trật tự quốc tế có thể sẽ đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ của Mỹ trong nhiều năm tới.

Do đó, Mỹ sẽ phải bắt tay vào việc theo đuổi các ưu tiên chiến lược toàn cầu để giúp củng cố các đồng minh châu Âu và NATO đối mặt với một nước Nga hiếu chiến và đầy đe dọa, trong khi vẫn phải theo đuổi các ưu tiên vô cùng quan trọng ở châu Á.

Bản Báo cáo Chiến lược Quốc phòng năm 2022 (đang bị trì hoãn) sẽ phản ánh những thực tế mới này.

Trật tự quốc tế đang được định hình lại trước mắt chúng ta, và trọng tâm của thế giới trong thời kỳ được cho là “Thế kỷ châu Á” lại không phải là châu Á mà là một cuộc chiến tàn khốc ở châu Âu.

Chiến tranh Lạnh mới và cái kết của chiến lược “Xoay trục sang châu Á”

Sau cùng, bên hưởng lợi từ thất bại của Mỹ chính là Trung Quốc. Sau mỗi giây phút mà Mỹ bỏ vốn liếng chính trị, kinh tế hoặc quân sự ra bên ngoài châu Á, Trung Quốc lại gia tăng sức mạnh bá chủ trong khu vực.

Một cuộc xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraine sẽ làm tiêu hao nguồn vốn kinh tế và địa chính trị vô cùng lớn, buộc Mỹ phải đẩy các ưu tiên đối với Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương sang một bên.

Trước thực tế địa chính trị hoàn toàn mới này, Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương hầu như không được đề cập trong Thông điệp Liên bang mới đây của Tổng thống Joe Biden.

Ngoài ra, Mỹ cũng vừa hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn được cho là tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh.

Chỉ vài tuần trước, hai quyết định phản ánh những thay đổi trong ưu tiên địa chính trị nói trên vẫn còn là điều không tưởng.

Đối đầu với các mối đe dọa chiến lược mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ là một nhiệm vụ rất khó khăn, ngay cả khi Mỹ có thể tập trung các nguồn lực chiến lược phù hợp.

Tuy nhiên, với các liên minh chiến lược toàn cầu hiện nay, có lẽ siêu cường số 1 thế giới sẽ không bao giờ có thể thực sự tập trung tuyệt đối vào một khu vực nhất định.

Trong trường hợp đó, chiến lược “Xoay trục sang châu Á” không bao giờ có thể thành hiện thực.

Dù muốn hay không, Mỹ vẫn được coi là “cảnh sát” của thế giới và đương nhiên sẽ tham gia vào các vấn đề toàn cầu theo cách hoàn toàn khác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu cuộc đối đầu Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài trong thế kỷ XXI, điều tối quan trọng là Mỹ vẫn phải tập trung vào đối thủ của mình ở phương Đông - ngay cả khi trật tự quốc tế đang bị thách thức và phương Tây đang phải trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục