Nước nào được hưởng lợi từ căng thẳng Trung Đông?

Một loạt sự kiện liên tiếp xảy ra tại khu vực Trung Đông thời gian qua dường như có sự xâu chuỗi và liên kết dưới một “bàn tay vô hình” nhằm gây ra sự hỗn loạn.
Nước nào được hưởng lợi từ căng thẳng Trung Đông? ảnh 1Khói lửa bốc ngùn ngụt trên tàu chở dầu được cho là bị tấn công ngoài khơi vùng Vịnh Oman. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin Middle East Monitor, một loạt sự kiện liên tiếp xảy ra tại khu vực Trung Đông thời gian qua dường như có sự xâu chuỗi và liên kết dưới một “bàn tay vô hình” nhằm gây ra sự hỗn loạn và tạo tiền đề cho những mục tiêu và lợi ích sâu xa hơn.

Vậy ai thực sự là người hưởng lợi trong bối cảnh khu vực Trung Đông bất ổn như vậy?

Theo giới phân tích tình báo, Mỹ biết rõ thủ phạm đằng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman cũng như thủ phạm đứng sau cuộc tấn công tương tự trước đó nhằm vào các tàu chở dầu ở ngoài khơi Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tất nhiên, Mỹ thừa hiểu ai đang muốn châm mồi lửa vào thùng thuốc súng nhằm phát động một cuộc chiến tranh tại Vùng Vịnh.

[Tổng thư ký LHQ kêu gọi giữ 'thần kinh thép' trong vấn đề vùng Vịnh]

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ biết rõ ai là chủ mưu thì chân tướng vụ việc cũng không bao giờ được tiết lộ. Thay vào đó, chính quyền Washington có thể che đậy nó để thu được thêm nhiều lợi ích quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Fox News rằng Iran đã thực hiện vụ tấn công ở Vịnh Oman. Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên tiếng cáo buộc Iran là chủ mưu, song ông không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào.

Động thái của chính quyền Trump được phối hợp rất nhịp nhàng, và khiến giới phân tích gợi nhớ tới bài phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell dưới thời Tổng thống George W. Bush, khi ông cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hóa học và vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng xác thực nào.

Viện dẫn lý do này, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 và những hậu quả của nó đến nay vẫn còn hằn sâu ở quốc gia này.

Lời buộc tội Iran của Mỹ thực sự gây nguy hiểm như vậy, và câu hỏi đặt ra là Iran sẽ được lợi gì khi châm ngòi một cuộc chiến ở vùng Vịnh trong khi đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế và sức ép tối đa mà Washington nhằm vào Tehran.

Nước nào được hưởng lợi từ căng thẳng Trung Đông? ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trừng phạt Iran, tại Nhà Trắng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra vụ tấn công tại Vịnh Oman là rất đáng ngờ, khi một trong hai mục tiêu tàu chở dầu bị nhắm tới là của Nhật Bản và trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến công du Iran nhằm nỗ lực "hạ nhiệt" căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Iran đã nhiều lần khẳng định họ không muốn chiến tranh với Mỹ, còn Washington cũng tuyên bố rằng họ không mong muốn xảy ra chiến tranh với Iran. Mỹ nhấn mạnh các lực lượng của nước này tăng cường hiện diện trong khu vực để bảo vệ lợi ích của họ tại Trung Đông, đồng thời cáo buộc Iran đe dọa và tấn công những lợi ích không chỉ của Mỹ mà còn của các đồng minh Trung Đông của quốc gia này.

Chuyến thăm Iran của Thủ tướng Abe đã được thực hiện với nỗ lực "bắc cầu" đối thoại như vậy, và ông là người mang theo thông điệp hòa giải. Vậy nên, ai sẽ là người không mong muốn cuộc đối thoại như vậy diễn ra và sẽ tìm mọi cách châm ngòi xung đột thông qua các phương tiện gián tiếp?

Một số nhà quan sát cho rằng Israel chính là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nếu chiến tranh vùng Vịnh nổ ra. Đó là lý do tại sao Mỹ đã không và sẽ không bao giờ tiết lộ những gì vệ tinh của nước này đã thu thập được từ các cuộc tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman. Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao Washington không hề ngăn chặn các cuộc tấn công đó xảy ra.

Trên thực tế, Israel lo ngại chương trình hạt nhân của Iran cũng như tầm ảnh hưởng và sức mạnh của nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ ngày càng gia tăng trong khu vực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần đe dọa Iran và tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, mối quan hệ giữa Israel và thế giới Arab đang ở một vị thế tốt đẹp, đồng thời khuyến khích xây dựng một trục quan hệ Arab-Israel để đối đầu với Tehran.

Trục quan hệ này, tất nhiên sẽ là liên minh giữa Israel với Saudi Arabia và UAE, vốn là hai quốc gia lo ngại nhất về sự trỗi dậy của Iran. Cả ba nước này đều muốn chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran bằng mọi biện pháp có thể, thậm chí nếu nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện. Để đạt được điều đó, mục tiêu tối thượng là phải châm ngòi cho những cuộc đối đầu và đụng độ trong khu vực.

Vậy vai trò của Mỹ trong chuỗi sự kiện này là gì? Quả thật, Washington là bậc thầy của kỹ nghệ kiểm soát tình hình. Mỹ nhận thức rõ khi nào có thể “đốt nóng” khu vực và khi nào nên dập tắt ngọn lửa đó sau khi đã gặt hái được những lợi ích. Trong bối cảnh đó, các quốc gia vùng Vịnh một lần nữa sẽ lại trở thành "nhiên liệu" đốt nóng. Liệu các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đã cố tình phớt lờ hay bỏ qua bài học lịch sử, để rồi phạm phải những sai lầm tương tự trong quá khứ.

Đây có thể không phải là lần đầu tiên Israel đẩy Mỹ vào tình thế khó xử. Israel từng ném bom lò phản ứng hạt nhân của Iraq năm 1981 ngay cả khi không được Mỹ “bật đèn xanh,” buộc Washington phải bỏ phiếu và lên án Israel tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Máy bay và pháo hạm của Israel cũng từng tấn công tàu nghiên cứu kỹ thuật của Hải quân Mỹ USS Liberty trong sự kiện Cuộc chiến Sáu ngày hồi tháng 6/1967, khiến 35 người thiệt mạng và làm bị thương hơn 180 thủy thủ Mỹ. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy người Israel biết chính xác những gì họ đang tấn công, song các chính phủ Mỹ trong quá khứ luôn từ chối mở một cuộc điều tra toàn diện. Theo giới phân tích, người Israel sẽ không dừng lại, thậm chí sẵn sàng tấn công các đồng minh của mình để thực hiện lợi ích của chính họ.

Một điểm đáng chú ý khác là những diễn biến gần đây tại khu vực diễn ra trước thời điểm hội thảo kinh tế Trung Đông sắp diễn ra tại Bahrain, trong đó phía Mỹ có thể sẽ công bố phần kinh tế của kế hoạch mà Washington cho rằng là “thỏa thuận thế kỷ” để mang lại hòa bình và giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.

Hội nghị có tên gọi “Thịnh vượng vì Hòa bình” và sẽ có sự tham gia của Ai Cập, Jordan, Maroc, Saudi Arabia và UAE. Tuy nhiên, Palestine tuyên bố tẩy chay hội nghị, khi cho rằng các điều khoản của thỏa thuận này hoàn toàn thiên vị Israel và vô giá trị. Một lần nữa, những nghi ngờ lại được dấy lên khi cho rằng mọi biến động tại Trung Đông đang được thao túng để mang lại lợi ích cho Israel và chỉ một mình Israel mà thôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục