Với sự quyết liệt của các địa phương trong việc triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, ô nhiễm môi trường nước đã phần nào được khống chế. Song, ở một số khu vực, các cơ sở sản xuất và làng nghề vẫn chưa chấp hành nghiêm trách nhiệm bảo vệ môi trường, khiến nguồn nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm.
Thông tin trên vừa được đại diện Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đưa ra tại phiên họp lần thứ 11 và lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, diễn ra trong ngày 29/11.
Nhận diện nguồn gây ô nhiễm
Theo đại diện Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, môi trường nước tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất hiện vẫn ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.
Nguồn nước thải sinh hoạt đổ ra sông Nhuệ - sông Đáy chiếm trên 65% các nguồn thải nhưng hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ - sông Đáy.
Kết quả từ 4 đợt quan trắc năm 2019 cho thấy tình trạng ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội. Nguyên nhân là do chịu ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn.
Báo cáo của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy chỉ ra trong năm 2019, các địa phương thuộc lưu vực đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng số 889 cơ sở, đơn vị, trong đó có 183 cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường. Trong đó, Hà Nội có số lượng cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường nhiều nhất.
Cụ thể, đến hết tháng 9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các ngành, địa phương đã thanh kiểm tra 775 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 165 cơ sở, đơn vị với tổng số tiền xử phạt gần 4,3 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 7/2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành 681 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng (trong đó có các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường tại các công trường xây dựng) với tổng số tiền xử phạt trên 5,24 tỷ đồng.
[Chi ngân sách bảo vệ môi trường đạt 20.442 tỷ đồng, ô nhiễm vẫn lo]
Tại Hà Nam, đến hết tháng 10/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra 60 đơn vị, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 19 đơn vị với tổng số tiền xử phạt trên 348 triệu đồng.
Tại tỉnh Hoà Bình, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng số lượng các đối tượng xả thải vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được thanh tra, kiểm tra là 19 cơ sở, doanh nghiệp, trong đó xử phạt 7 cơ sở, đơn vị với tổng số tiền xử phạt 201 triệu đồng.
Tương tự, 9 tháng đầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 23 cơ sở. Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nam Định) đã kiểm tra 10 cơ sở và phát hiện các cơ sở đều có vi phạm về lĩnh vực môi trường, tổng số tiền xử phạt là 239 triệu đồng.
Tại Ninh Bình, tính đến hết tháng 9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thanh, kiểm tra 25 cơ sở. Qua đó đã lập biên bản và trình cấp có thẩm quyền xử phạt các trường hợp không có thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường; thải khí thải, nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép với tổng số tiền trên 1,85 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2019, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hapaco Đông Bắc tại tỉnh Hoà Bình và đã ban hành Quyết định xử phạt công ty này với tổng số tiền phạt, truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trốn nộp trên 1,22 tỷ đồng.
Tập trung giải quyết các điểm nóng ô nhiễm
Trước những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến anh ninh nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, ông Đáy Đinh Văn Điến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (nhiệm kỳ thứ 5, năm 2019) đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh thuộc lưu vực cần tập trung rà soát tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn nước thải trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn nước thải trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Các địa phương cũng cần quản lý và kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại mỗi địa phương; quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh và đề xuất các dự án hoặc nhiệm vụ cấp thiết tại địa phương về xử lý chất thải.
Nhà chức trách cần tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra môi trường, bảo đảm không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Với các mục tiêu nêu trên, “các cấp, các ngành, các địa phương cần chung tay, liên kết, chia sẻ thông tin, xử lý ô nhiễm của sông Nhuệ - sông Đáy, để cụm từ ‘dòng sông chết’ không còn được nhắc lại,” Chủ tỉnh Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình nói.
[Thí điểm bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường cấp địa phương]
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh, các địa phương trong lưu vực cần kiên quyết không cho phép hoạt động đối với những khu công nghiệp không có khu xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, năm 2020, phải tập trung giải quyết những điểm nóng ô nhiễm môi trường tại địa phương thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, điều tra thống kê nguồn thải; ưu tiên các nguồn vốn để xử lý nước thải tập trung.
“Các khu, cụm công nghiệp làng nghề phải tiệm cận xử lý nước thải,” ông Nhân nêu quan điểm và kiến nghị để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy cần có sự đồng bộ của ba biện pháp là xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật; nâng cao nhận thức của người dân; và đầu tư công nghệ quan trắc, xử lý.
Ngay sau phiên họp đã diễn ra Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy nhiệm kỳ thứ 5 (2019) từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội - Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy nhiệm kỳ thứ 6 (2020)./.