Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Hội thảo quốc tế về Nền kinh tế tuần hoàn chống rác thải đại dương đã diễn ra trong hai ngày 21 và 22/11, tại thủ đô Berlin.
Sự kiện do German RETech Partnership - mạng lưới tập tập hợp các công ty và tổ chức của Đức hoạt động trong lĩnh vực quản lý và tái chế rác thải - phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Liên bang Đức (BMU).
[Chi ngân sách bảo vệ môi trường đạt 20.442 tỷ đồng, ô nhiễm vẫn lo]
Tham dự hội thảo có các chuyên gia về rác thải đại dương đến từ Đức và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Chile, Ghana, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo lần này, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước được lựa chọn làm điển hình báo cáo về phương pháp tiếp cận mới trong xử lý rác thải đại dương thông qua các dự án do Đức hỗ trợ, đang được triển khai trong lĩnh vực này.
Sau phần phát biểu khai mạc của tiến sỹ Armin Vogel, Chủ tịch German RETech Partnership, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã có bài phát biểu giới thiệu đến các đại biểu tham dự Hội thảo thông tin về hiện trạng vấn đề rác thải đại dương tại Việt Nam, cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này, đặc biệt là dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cũng nêu bật những sáng kiến của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế trong vấn đề xử lý rác thải đại dương.
Đại sứ nhấn mạnh là nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh cùng với đường bờ biển dài hơn 3.200km, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn về xử lý rác thải đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa.
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của chính phủ cũng như toàn xã hội, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa đã tăng lên rõ rệt.
Cùng sự phối hợp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó Đức là một trong những đối tác tích cực và hiệu quả nhất, Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ trong việc quản lý rác thải nhựa đại dương.
Tại cuộc hội thảo lần này, các đại biểu tham dự cũng được giới thiệu thêm nhiều thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của Đức và nhiều nước trên thế giới trong vấn đề ngăn chặn hoạt động xả chất thải vào hệ thống cung cấp nước và đại dương cũng như các biện pháp xử lý rác thải nhựa.
Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, mỗi năm khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển, thậm chí còn đi vào chuỗi thực phẩm của con người.
Những loài sinh vật nhỏ bé như rùa biển hay những loài lớn như cá voi đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa.
Đặc biệt, châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa, chiếm 60% lượng rác thải nhựa trên đại dương.
Ô nhiễm đại dương do rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa, được xem là thách thức môi trường lớn thứ 2 thế giới, sau biến đổi khí hậu./.