Obama thêm đau đầu

Giám đốc CIA từ chức khiến Obama thêm đau đầu

Danh sách những việc cần phải giải quyết của Tổng thống tái đắc cử Obama lại dài thêm sau khi Giám đốc CIA Petraeus tuyên bố từ chức.

Danh sách những việc cần phải giải quyết của Tổng thống tái đắc cử Barack Obama lại dài thêm sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus tuyên bố từ chức vì lý do liên quan tới mối quan hệ ngoài hôn nhân.

 

Như vậy, nội các của ông Obama sẽ bị khuyết thêm một vị trí cấp cao nữa. Trước đó, nhiều tin tức cho biết Tổng thống Obama sẽ mất đi một số bộ trưởng quan trọng, trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton.

 

Theo báo Người hướng dẫn Khoa học Thiên chúa giáo số ra ngày 10/11, ông Petraeus - cựu Tư lệnh lực lượng Mỹ và liên quân tại Iraq và Afghanistan - chính thức nhậm chức Giám đốc CIA tháng 9/2011. Ông đã gây dựng được uy tín rất lớn trong và ngoài quân đội. Tuy nhiên, gần đây, tại Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều lời chỉ trích về phản ứng yếu kém của CIA trước cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Benghazi (Libya) tháng 9/2012. Điều này làm lu mờ uy tín của ông. Và trong thông báo gửi tới các nhân viên của CIA, ông nói: "Sau khi kết hôn hơn 37 năm, tôi đã hành động thật tồi tệ khi có một mối quan hệ ngoài hôn nhân."

 

Tuyên bố từ chức của ông Petraeus gây ngạc nhiên trong cộng đồng tình báo cũng như quân đội. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao một sĩ quan nổi tiếng kỷ luật nghiêm và luôn chú ý đến uy tín cá nhân có thể mắc sai lầm như vậy? Ông Petraeus vẫn thường được các đồng nghiệp đánh giá là một chỉ huy quân sự tài ba và thậm chí có người dự kiến khả năng ông trở thành ứng cử viên tổng thống.

 

Hiện nay, đa số dư luận Mỹ cho rằng ông Petraeus quyết định từ chức chủ yếu do bị mất uy tín sau vụ tấn công khủng bố Benghazi và các vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, lý do xin từ chức của ông Petraeus khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu sự ra đi đó có làm ảnh hưởng đến các hoạt động bí mật của cơ quan tình báo Mỹ hay không?

Các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn thường lo ngại kẻ thù có thể đe dọa tống tiền các sĩ quan tình báo, đặc biệt việc một quan chức cao cấp dính líu đến chuyện tình ái lại càng nguy hiểm. Do đó, hiện nay Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra để đề phòng mối quan hệ bất chính của ông Petraeus có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến nguyên tắc bảo mật của CIA.

 

Trong một tuyên bố phát đi chiều 9/11, Tổng thống Obama đánh giá cao những cống hiến đặc biệt to lớn của ông Petraeus đối với đất nước. Ông Obama khẳng định trong thời gian trên cương vị Giám đốc CIA, ông Petraeus đã áp dụng mọi biện pháp có thể để giúp đất nước an toàn và mạnh hơn. Việc ông Petraeus ra đi chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Obama thêm đau đầu khi ông phải cân nhắc bố trí lại nội các.

 

Theo New York Times, Tổng thống Obama hoàn toàn không biết về việc ông Petraeus xin từ chức cho tới tận sáng 8/11. New York Times trích lời một quan chức cấp cao cho biết: "Tổng thống đã rất bất ngờ và thất vọng. Không ai muốn nghe một tin tức như vậy ngay sau khi tái đắc cử."

 

Trong bối cảnh bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Obama chắc chắn sẽ phải tìm người thay thế không chỉ vị trí của bà Clinton mà còn cả Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner, và hiện giờ là cả Giám đốc CIA Petraeus. Nhiều tin đồn bắt đầu xuất hiện về việc ai sẽ có khả năng thay thế ông Petraeus.

 

Phó Giám đốc CIA Michael Morell sẽ đảm nhận vai trò Quyền Giám đốc CIA và được cho là sẽ thay thế ông Petraeus tham gia buổi điều trần trước Quốc hội về thất bại của CIA trong vụ Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi bị tấn công hôm 11/9 vừa qua, khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Chris Stevens. Một nhân vật khác được cho là có khả năng trở thành Giám đốc CIA là John Brennan - cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng và từng làm việc cho CIA. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến sử dụng máy bay không người lái chống lại các tay súng al-Qaeda.

[Bê bối tình ái của giám đốc CIA vỡ lở như thế nào?]

 

Theo tờ Wall Street Journal, những nhân vật có thể thay thế ông Petraeus bao gồm Michael Vickers - Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách công tác tình báo, nghị sĩ Michael Rogers - người của đảng Cộng hòa và đang đứng đầu Ủy ban thường trực đặc biệt phụ trách tình báo của Hạ viện.

 

Petraeus là một chỉ huy quân đội có tiếng tăm nhất trong thế hệ của ông. Tuy nhiên, do xuất thân từ quân đội nên đôi khi ông không thể thích nghi được với văn hóa của CIA, đồng thời ông hay có bất đồng với các ủy ban của Quốc hội phụ trách các hoạt động tình báo. Tạp chí Chính sách đối ngoại đã gọi việc ông Petraeus từ chức là "tổn thất lớn đối với nước Mỹ." Tạp chí này viết: "Việc ông Petraeus ra đi để lại một dư vị đắng. Ai cũng có thể mắc sai lầm. Hy vọng rằng ông ấy có thể quay lại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục