Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Ángel Gurría đã kêu gọi các nước giàu hỗ trợ nhiều hơn cho các nước nghèo trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng người tị nạn mới do hậu quả của đại dịch.
Phát biểu trên báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức số ra ngày 25/10, ông Gurría không cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi theo hình chữ V.
Với làn sóng lây nhiễm bùng phát lần thứ hai hiện nay, kinh tế toàn cầu trong năm 2020 có thể sẽ sụt giảm mạnh hơn mức dự báo 4,5% đã đưa ra trước đó. Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế trong năm 2021 có thể yếu hơn khi đà phục hồi chưa có những tín hiệu rõ ràng.
Cũng theo ông Gurría, việc phát triển vắcxin phải đảm bảo lợi ích chung, không thể là "bí mật sở hữu riêng" và chỉ mang lại lợi ích cho một số ít quốc gia. Khi đã có vắcxin, cần phải có tiêu chí rõ ràng về cách thức tổ chức sản xuất hàng loạt.
Ông nhấn mạnh rằng việc có vắcxin là chưa đủ, mà cần phải có sẵn trên toàn thế giới và mọi người đều có thể tiếp cận, nhất là những nước nghèo.
[Hàng nghìn người di cư trái phép từ khu vực Trung Mỹ hướng đến Mỹ]
Tổng Thư ký OECD nhấn mạnh, thế giới sẽ chỉ loại bỏ được COVID-19 khi quốc gia cuối cùng quét sạch được virus SARS-CoV-2. Do vậy cần đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận vắcxin.
Ngoài ra, các nước giàu cũng cần giảm nợ nhiều hơn, không chỉ cho các nước nghèo nhất, mà còn cho những nước có thu nhập trung bình. Đây cũng là lợi ích của các nước giàu, bởi nếu không sẽ có nguy cơ bùng nổ số người di cư trên thế giới.
Theo ông, COVID-19 có nguy cơ tạo nên một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn hơn nhiều thời điểm năm năm trước. Không chỉ là những quốc gia đơn lẻ như Libya hay Syria, khủng hoảng tị nạn có thể đến từ hàng chục quốc gia ở các lục địa khác nhau.
Cuộc khủng hoảng hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và mang tính toàn cầu hơn cuộc đại suy thoái những năm 1930, bởi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở khắp nơi trong khi thế giới ngày nay kết nối chặt chẽ hơn nhiều so với thời điểm trước đây và điều đó sẽ khiến khủng hoảng lan nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo ông, khác với trước đây, phản ứng chính trị của các nước đã quyết liệt hơn nhiều, đã có thể huy động tới 12.000 tỷ USD cho cuộc chiến chống COVID-19, song sẽ có hiệu quả hơn nữa nếu các nước có sự hợp tác và phối hợp quốc tế lớn hơn.
Tổng Thư ký OECD cũng cho rằng để hỗ trợ nền kinh tế, các nước cần tiếp tục sử dụng hợp lý 3 công cụ, gồm chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và thúc đẩy thay đổi cơ cấu.
Ông cũng nhận định sau đại dịch, châu Âu sẽ tiếp tục phát triển và sẽ có thêm nhiều quốc gia gia nhập Liên minh châu Âu (EU), thị trường nội địa EU và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo ông, việc châu Âu lập quỹ hỗ trợ chung trị giá 750 tỷ euro là một bước tiến mạnh mẽ cho việc hội nhập khu vực và cũng là quyết định có ý nghĩa về chính trị và kinh tế toàn cầu./.