Ông Berlusconi dọa không ủng hộ chính phủ về cải cách

Theo ông Berlusconi, cải cách về thuế với việc giảm 80 euro mỗi tháng cho người có thu nhập thấp mà không đả động đến người ăn lương hưu là thiếu sót lớn.
Ông Berlusconi dọa không ủng hộ chính phủ về cải cách ảnh 1Cựu thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một động thái được cho là tìm cách gây sự chú ý của dư luận nhằm thu hẹp khoảng cách về sự ủng hộ của cử tri với các đối thủ đứng trên, hôm 12/5, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã lên tiếng dọa sẽ rút sự ủng hộ đối với chính phủ trong các cải cách.

Trong một tuyên bố được đưa ra trên hệ thống truyền hình Mediaset mà ông sở hữu, Berlusconi khẳng định rằng, cải cách về thuế, với việc giảm 80 euro mỗi tháng cho người có thu nhập thấp mà không hề đả động gì đến những người ăn lương hưu là một "thiếu sót lớn."

Ông tuyên bố, chính vì thế, đảng Forza Italia của ông đang "cân nhắc" việc không tiếp tục ủng hộ chính phủ trên con đường cải cách như đã từng thỏa thuận trước đó.

Đây không phải là lần đầu tiên người đã ba lần làm Thủ tướng Italy này đưa ra những quan điểm khác nhau, thậm chí là trái ngược, xung quanh việc ủng hộ chính phủ trong việc đưa ra các đề xuất và thực hiện cải cách hay không.

Tuần trước, ông tuyên bố đảng Forza Italia có thể từ bỏ đường lối đối lập để quay sang ủng hộ chính phủ trong việc điều hành đất nước.

Trong khi đó, tháng trước, ông lại lấp lửng nói đến việc ông cho rằng thỏa thuận giữa ông và ông Matteo Renzi về cải cách là một "sai lầm."

Hồi tháng 1/2014, Berlusconi, với tư cách là người đứng đầu đảng trung-hữu Forza Italia, đã nhất trí với ông Renzi, lúc đó là lãnh đạo đảng trung-tả Dân chủ (Pd) về việc đưa ra một loạt các đề xuất cải cách.

Ông Berlusconi đề xuất việc đưa Thượng viện thành một cơ quan đại diện chính quyền vùng và bị tước các quyền lập pháp, việc cải cách luật bầu cử nhằm tránh một kết cục bất phân thắng bại như ở cuộc tổng tuyển cử tháng 2/2013 và việc thực hiện một số cải cách khác về thuế.

Sau khi trở thành Thủ tướng Italy vào tháng 2/2014, chính phủ của Thủ tướng Renzi đã đưa ra một loạt các đề xuất cải cách dựa trên thỏa thuận giữa ông và Berlusconi một tháng trước đó, trong đó có việc thực hiện cải cách thuế nhằm giảm 80 euro cho người thu nhập thấp.

Theo nhật báo La Repubblica, việc ông Berlusconi gia tăng các cuộc công kích vào chính phủ là một dấu hiệu cho thấy sự "tuyệt vọng," khi tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Forza Italia của ông trước cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu ngày 25/5 tới là quá thấp.

Các cuộc thăm dò dư luận hai tuần trước khi cuộc bầu cử này diễn ra cho thấy, số lượng cử tri ủng hộ đảng Forza Italia chưa đạt 20%, ít hơn Phong trào 5 Sao của cựu danh hài Beppe Grillo 5% và kém đảng Pd cầm quyền hơn 10%.

La Repubblica cho rằng, tuyên bố "cân nhắc" không ủng hộ chính phủ được đưa ra một phần do tác động của kết quả các cuộc thăm dò dư luận, một phần để thu hút sự chú ý của các cử tri đang ăn lương hưu.

Hiện chưa có bất cứ phản ứng nào từ đảng Dân chủ và chính phủ. Nhưng trước đó, sau những tuyên bố công kích của ông Berlusconi vào chương trình cải cách, chính phủ Italy tuyên bố, chương trình vẫn được tiếp tục thúc đẩy, dù ông Berlusconi có ủng hộ nữa hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục