Ông D.Trump để lại cho ông J.Biden lựa chọn quân sự ở Trung Đông?

Tổng thống Biden sau đó sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột hết sức nguy hiểm - cuộc xung đột mà chính Donald Trump đã châm ngòi
Ông D.Trump để lại cho ông J.Biden lựa chọn quân sự ở Trung Đông? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 21/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng zeit.de, những điều gì sẽ chờ đợi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Trung Đông? Thay vì thỏa thuận hạt nhân, rất có thể sẽ là các lựa chọn quân sự.

Khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới đây, tình hình Trung Đông hầu như đã hoàn toàn khác so với trước kia.

Bốn năm trước, khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ở cương vị Phó tổng thống, người Arab đã chia rẽ sâu sắc, nhưng nguy cơ lớn nhất về một cuộc chiến tranh bắt nguồn từ tham vọng hạt nhân của Iran đã được ngăn chặn.

Tình hình ngày nay thì ngược lại, người Arab đã đoàn kết hơn, nhưng chương trình hạt nhân của Iran lại đang tiến triển từng ngày.

Những động thái đầu tiên của Tổng thống Biden sẽ có ý nghĩa không chỉ đối với khu vực mà còn với châu Âu. Hiện tại, một phần châu Âu đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran, trong khi Berlin và Paris là hai trong số các thành viên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran- thỏa thuận mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng tay phá bỏ. Giờ đây tất cả đang bị đe dọa.

Trong cuộc thảo luận trực tuyến mới đây tại trung tâm chính sách Woodrow Wilson ở Washington, đặc phái viên của ông Trump về Syria và cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, James Jeffrey, đã cảnh báo về việc phá hủy các di sản của ông Trump tại Trung Đông.

Theo nhà ngoại giao này, chính quyền của Tổng thống Trump đã giúp cho người Arab trở nên thống nhất hơn, người Israel mạnh mẽ hơn và kiềm chế sự bành trướng của Iran trong khu vực. Tất nhiên đây là những lời tự khen ngợi quá mức, đằng sau đó còn có những gì?

[Tân Tổng thống Mỹ cam kết tăng quan hệ với Anh, đồng minh NATO]

Nhận định của James Jeffrey đúng với trường hợp Israel. Ông Trump đã ba lần “tặng quà” cho nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy của Israel, Benjamin Netanyahu.

Ông đã quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và các khu định cư Do thái ở Bờ Tây, gây áp lực để các quốc gia Arab thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel.

Giờ đây, ông Netanyahu có thể không cần phải chú ý nhiều tới người Palestine cũng như không cần phải cung cấp cho họ bất cứ điều gì nữa, vì ông đã có gần như tất cả những gì mình muốn.

Israel đang hướng tới trở thành cường quốc trong khu vực, cả trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin lẫn vũ khí hạt nhân.

Đối với người Arab, nhận định của James Jeffrey dường như chỉ đúng một phần, bởi bên ngoài thì họ thống nhất với nhau nhưng bên trong vẫn chứa đầy mâu thuẫn. Đây là điều mà nhà ngoại giao Mỹ không nói tới. Mười năm sau khi phong trào Mùa xuân Arab bùng nổ, những vấn đề mới hiện nay vẫn là những vấn đề cũ đã tồn tại từ lâu: tham nhũng, nghèo đói, thất nghiệp, tương lai mịt mờ…

Việc Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chấm dứt phong tỏa đối với Qatar cũng như việc các nước vùng Vịnh tiếp tục hỗ trợ Ai Cập đều trông giống như một sự thống nhất cao trong thế giới các quốc gia Arab.

Nhưng thực tế thì Iraq và Saudi Arabia, Syria và Jordan, UAE và Qatar vẫn không tin tưởng nhau. Yếu tố gắn kết họ lại với nhau không phải là Mỹ hay Israel mà là mối đe dọa từ Iran.

Iran tuy yếu đi, nhưng Mỹ phải trả một giá rất cao

Nhà ngoại giao Mỹ đã đúng khi nói rằng Iran ngày nay nhìn chung yếu hơn so với năm 2018. Các lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo của Mỹ đã làm kiệt quệ đất nước này, đồng thời sức mạnh của Israel cũng làm cho Iran suy yếu.

Nhưng điều này cũng đi liền với một giá đắt, đó là việc Iran đã khởi động lại chương trình hạt nhân của mình và tuyên bố sẽ làm giàu urani lên mức 20% so với quy định chỉ 3,67% của thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Hành động này của nước Cộng hòa Hồi giáo rất nguy hiểm vì bước làm giàu từ 3,67% lên 20% là bước quyết định. Ở cấp độ này, Iran có thể nhanh chóng tiếp tục làm giàu urani tới cấp độ có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua một luật cho phép tăng cường làm giàu urani và yêu cầu ngừng hoạt động thanh sát của Liên hợp quốc đối với các cơ sở hạt nhân Iran. Với luật này, những người theo đường lối cứng rắn ở Tehran đang muốn loại trừ việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.

Do vậy, di sản của chính sách ngoại giao hạt nhân của ông Trump ở Trung Đông là: một nước Israel mạnh, sở hữu vũ khí hạt nhân, cùng với một nước Iran suy yếu hơn nhưng có thể sản xuất vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với thỏa thuận hạt nhân năm 2015; và 3 quốc gia Arab gồm Saudi Arabia, UAE và Ai Cập, sau khi Iran sở hữu vũ khí hạt nhân cũng sẽ phát triển loại vũ khí nguy hiểm này cho riêng mình. Tóm lại, tất cả các bên sẽ tăng cường trang bị vũ khí.

Nếu Tổng thống Joe Biden muốn ngăn chặn sự leo thang này, ông phải nhanh chóng hành động ngay sau khi nhậm chức để quay lại thỏa thuận hạt nhân và đưa nguyên tắc hạn chế phát triển vũ khí trở lại Trung Đông.

Tổng thống Biden sẽ không có nhiều thời gian. Vào tháng 3 tới, người Iran sẽ đón năm mới, sau đó sẽ là cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 6. Trong khi đó, những người theo đường lối cứng rắn sẽ đẩy mạnh quá trình làm giàu urani nhanh nhất có thể.

Nếu tình hình phát triển theo đúng ý định của phe bảo thủ cực đoan ở Tehran, trong mùa Thu tới đây, rất có thể thay vì một thỏa thuận hạt nhân sẽ là những lựa chọn về hành động quân sự.

Tổng thống Biden sau đó sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột hết sức nguy hiểm - cuộc xung đột mà chính ông Donald Trump đã châm ngòi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục